Kém tin
Mt 14,22-36
22 Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23 Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
25 Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa” và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. 27 Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. 28 Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. 29 Chúa phán: “Hãy đến”. Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. 30 Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con”. 31 Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?” 32 Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. 33 Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!”
34 Khi đã sang qua biển hồ, các ngài lên bộ và ghé vào Ghênêsarét. 35 Nhận ra Ngài, dân địa phương liền loan tin đi khắp cả vùng xung quanh, và người ta đem đến cho Ngài hết mọi kẻ ốm đau. 36 Họ nài xin Ngài cho họ rờ đến tua áo choàng của Ngài thôi, và ai đã rờ đến thì đều được chữa lành.
(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?” (Mt 14,31)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Chuyện xảy ra sau phép lạ hóa bánh ra nhiều:
1. Chúa Giêsu “bắt buộc” các môn đệ phải xuống thuyền ngay, để sang bờ bên kia trước, còn Ngài thì ở lại cho dân chúng đi về. Một sự khẩn trương, vội vã, có vẻ như đang đứng trước một nguy hiểm. Tại sao? Vì sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đã quá hăng hái, một sự hăng hái trần tục vì thấy mình được hưởng thụ vật chất. Sự hăng hái này không hợp với sứ mạng Messia của Chúa Giêsu. Ngài không muốn cho sự hăng hái lệch lạc này tác động lên các môn đệ, và vội vã bảo các ông đi ngay sang nơi khác.
2. Chúa Giêsu đi trên mặt nước: Cựu Ước nhiều lần nói về việc đi trên mặt nước (G 9,8 38,16 Tv 77,20 Kb 3,15 Si 24,5) nhưng đều gán vào cho Thiên Chúa. Vậy với chi tiết Chúa Giêsu đi trên mặt nước, Mt ngụ ý so sánh Chúa Giêsu với Thiên Chúa.
3. Phêrô đi trên mặt nước: So sánh với 2V 2,1-55: Ngôn sứ Êlia dùng áo choàng đập xuống nước, nước rẽ làm hai cho ông đi qua. Về sau Êlisê dùng tấm áo choàng của Thầy Êlia của mình mà đập xuống nước, nước cũng rẽ làm hai cho Êlisê đi qua. Nghĩa là Êlisê đã nhận được thần lực của thầy mình. Trong chuyện này Phêrô cũng nhận được thần lực của Thầy mình, nhưng có điểm khác biệt là: Êlisê nhận thần lực của Thầy qua một vật dụng là tấm áo, còn Phêrô nhận thần lực của Thầy chỉ nhờ đức tin. Một trong những tư tưởng thần học quan trọng của Mt là người môn đệ được Thầy ban cho cùng một quyền lực như Thầy. Hãy xem 9,6 9,8 10,1 16,19 18,18. Nhưng điều đáng ta lưu ý là các môn đệ nhận được quyền lực của Thầy nhờ đức tin.
4. Phêrô sợ nên bị chìm. Ông xin Chúa Giêsu cứu thì được Ngài cầm tay nâng lên. Qua việc này Chúa Giêsu muốn huấn luyện các môn đệ (mà Phêrô là đại diện) để giúp họ tiến bước dần trên cuộc hành trình đến đức tin.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Tin Mừng Gioan cho biết thêm là sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua. Chúa Giêsu không muốn các môn đệ mình bị lây nhiễm quan niệm Messia lệch lạc ấy nên buộc họ vội vàng rời khỏi nơi đó.
Chúa không muốn người ta coi Chúa như một Đấng ban cơm bánh. Chúa không muốn người ta đến với Ngài chỉ để xin những ơn vật chất.
2. “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”:
– Xin cho con luôn có Chúa ở bên con.
– Xin cho con vững tin vào Chúa.
– Xin cho con biết nương tựa vào Chúa trong những lúc khó khăn và nguy hiểm.
3. Chúng ta hãy coi cách Chúa Giêsu giáo dục đức tin cho Phêrô và các tông đồ: ban đầu Ngài để cho các tông đồ bị bão biển đe dọa (cũng như để Phêrô bị chìm xuống). Khi các ông sợ, các ông nghĩ tới Chúa. Cuối cùng Ngài ra tay cứu giúp. Kết quả là các ông tin vào Ngài “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.
Nhiều khi xem ra Chúa bỏ mặc chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng đó chính là cách Chúa giáo dục đức tin chúng ta. Do đó đừng hoảng sợ cũng đừng nản lòng. Hãy kêu lên Chúa như Phêrô xưa “Lạy Thầy xin cứu con”.
4. Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi:
– Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?
– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao. (Góp nhặt)
5. “Sau khi giải tán đám đông, Người lên núi mà cầu nguyện; chiều đến, Người vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23)
Con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện, không có giờ đi vào sa mạc để ở bên Chúa và trò chuyện với Chúa. Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con, chỉ cần một chút cố gắng của Tình Yêu là con có thể tạo ra sa mạc. Mỗi ngày con có biết bao giây phút có thể gặp Chúa mà con đã bỏ mất. Khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh ở ngã tư, chờ điện thoại trả lời, chờ món hàng đang được gói. Khi lên cầu thang, khi đến nơi làm việc, khi bị kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ, thay vì bực bội hay nóng ruột, con lại thấy mình sống bình an trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa, những sa mạc ngắn ngủi hàng ngày giúp con tỉnh thức để nhạy cảm với ý Chúa. Xin cho con yêu mến Chúa hơn, để tìm ra những sa mạc mới và vui vẻ bước vào. (Hosanna)
6. Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoàn nghi” (Mt 14,31)
Trong cuộc sống Kitô hữu, Đức Tin là điều quan trọng. Chúng ta vẫn tin có Chúa, vẫn đi lễ, rước lễ hằng ngày, làm việc thiện, việc bác ái giúp đỡ người khác; nhưng đôi lúc, chúng ta đã làm những việc đó như một người máy hay theo một thói quen.
Do đó, thật là tồi tệ khi ta gặp phải rủi ro hay thất bại nào…, vì ta đã đối phó bằng cách để Chúa qua một bên, bỏ hết mọi việc từng làm. Dần dần, ta không còn giữ được đức tin và lúc này tâm trạng của ta rất giống tâm trạng của thánh Phêrô khi được Chúa cho đi trên mặt biển. Mỗi người chúng ta thử nhìn xem mình sống đạo ra sao, mình thực sự có đức tin chưa? Hay chúng ta tin vì thấy bạn bè mình tin, không tin không được. Hay ta chỉ tin vì được sinh ra trong một gia đình công giáo v.v…
Lạy Chúa, con thật sự là kẻ yếu lòng tin, vì khi gặp thất bại, rủi ro, con dễ bị lung lạc. Xin Ngài hãy đến với con, khi con gặp thử thách. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Sống đức tin trong thời đại hôm nay cũng khó khăn tựa như đi trên mặt biển. Có biết bao cám dỗ khiến chúng con xa lìa Chúa. Có biết bao những sóng gió khiến chúng con đánh mất niềm tin nơi Chúa. Xin Chúa thương nâng đỡ niềm tin còn yếu kém của chúng con để dầu đứng giữa những nghi nan của dòng đời, những sóng gió cuộc đời, chúng con vẫn luôn đặt trọn niềm tín thác vào Chúa. Xin giúp chúng con biết noi gương thánh Phê-rô mà thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin cứu con”.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con thật hạnh phúc vì có Chúa luôn ở bên chúng con. Chúng con tin tưởng Chúa luôn bảo vệ chúng con. Chúa luôn quan phòng gìn giữ chở che cuộc đời chúng con. Vì chim trời, hoa huệ ngoài đồng chẳng là gì so với con người mà Chúa còn quan tâm chăm sóc. Chúa sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi chúng con. Xin cho chúng con luôn vững tin vào Chúa dù gặp những gian nan. Xin cho chúng con biết nương tựa vào Chúa trong những lúc khó khăn và nguy hiểm của dòng đời.
Lạy Chúa, Chúa là sức mạnh và là thành luỹ bảo vệ đời chúng con. Xin cho chúng con biết tin tưởng và an vui nép mình bên Chúa. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)