“Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được”
(Mt 19, 23-30)
23 Bấy giờ Đức Giê-su nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời.24 Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”25 Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu? “26 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.”
27 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì? “28 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en.29 Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.
30 “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”
1. “Thế thì ai có thể được cứu?”
Sau khi người thanh niên giàu có khước từ lời mời gọi đem bán tài sản mình có, phân phát cho người nghèo và đi theo Đức Giê-su, Người nói:
Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim[1] còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.
Câu nói này của Đức Giê-su dường như chỉ liên quan đến “những người giàu có”, chứ không liên quan đến các môn đệ, và cũng không liên quan đến nhiều người trong chúng ta, vốn không phải là “những người giàu có”. Thế nhưng tại sao các môn đệ lại vô cùng sửng sốt và kêu lên: “Thế thì ai có thể được cứu!”?
Bởi vì, lời của Đức Giê-su không xét đoán của cải, vì của cải tự nó không phải là điều xấu hay sự dữ, nhưng liên quan đến tương quan gắn bó của con tim đối với của cải, mà “những người giàu có” rất dễ mắc phải. Nhưng vì vấn đề là tương quan với của cải, chứ không phải của cải, nên lời của Đức Giê-su liên quan tất cả mọi người: người có của, người có ít của, và kể cả người không có của. Người thanh niên, tuy đã giữ tất cả Lề Luật từ nhỏ và giữ một cách hoàn hảo, nhưng lòng anh lại gắn bó mật thiết với điều anh có, vốn là đối tượng mà Lề Luật không thể đụng chạm tới được. Bằng lời mời gọi thật triệt để dành cho anh cách đích danh, Đức Giê-su cảm thương anh (x. Mc 10, 21) và muốn giải thoát anh khỏi sự quyến luyến lệch lạc làm cho anh không bình an, mặc dầu đã tuân giữ các giới răn, và hướng lòng anh tới “kho tảng trên trời”.
Các môn đệ, dường như hiểu ra được vấn đề là sự gắn bó của con tim đối với của cải, vốn liên quan đến mọi người, nên đã thốt lên: “Thế thì ai có thể được cứu?” Và Đức Giê-su đã xác chuẩn cách hiểu này và hướng lòng các môn đệ tới sức lôi cuốn mạnh mẽ của chính Thiên Chúa, được thể hiện nơi ngôi vị của Đức Ki-tô (x. Pl 3, 7-6), khiến chúng ta có khả năng tự do với những điều chúng ta có, và thậm chí với chính sự sống của chúng ta. Thật vậy, Người nói:
Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.
Điều này có nghĩa là, Thiên Chúa có khả năng làm cho “con lạc đà chui qua lỗ kim” được! Đó là điều Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu độ, đã và đang thực hiện cho các môn đệ của Đức Giê-su thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay.
2. “Chúng con đã bỏ lại mọi sự…”
Tuy nhiên, những người đã bỏ hết mọi sự để đi theo Đức Giê-su, như các môn đệ và như nhiều người trong chúng ta, vẫn có những vấn đề thâm sâu cần được soi sáng và giải tỏa, chẳng hạn vấn đề “được gì, mất gì?”. Đức Giê-su dùng chính cách nghĩ “được gì mất gì” để dẫn các môn đệ đi vào chiều kích nhưng không, ngang qua con số biểu tượng “ gấp trăm”, nghĩa là “điều được mất” không thuộc bình diện lương bổng, phải được hoàn trả một cách sòng phẳng và cân xứng; và vì là nhưng không, nên người môn đệ cũng có thể, khi đi bỏ hết mọi sự để đi theo Đức Ki-tô, không được gì cả, thậm chí mất tất cả, như chính Đức Giê-su sẽ sống điều này trong cuộc Thương Khó.
Với một vài khác biệt, cả ba Tin Mừng nhất lãm đều thuật lại câu nói của thánh Phêrô: “Chúng con đây (nghĩa là không như anh thanh niên có nhiều của cải), chúng con đã bỏ lại tất cả và chúng con đi theo Thầy”: thánh sử Mác-cô tường thuật lại tương tự như câu nói chúng ta vừa trích dẫn (Mc 10, 28); thánh sử Luca thêm một chi tiết: “tất cả những gì thuộc về chúng con” (Lc 18, 28); và theo thánh sử Mát-thêu, thánh Phêrô nói thêm: “vậy chúng con sẽ được gì?” Ba cách tường thuật hơi khác nhau, diễn tả những tâm tình và những kinh nghiệm khác nhau của từng người chúng ta, dù tất cả chúng ta đều thực hiện cùng một quyết định: “bỏ lại tất cả” để “sang bờ bên kia” theo tiếng gọi của Đức Giêsu.
3. “Vậy chúng con sẽ được gì?”
Câu hỏi này có vẻ hàm chứa sự tính toán về quyền lợi và lương bổng. Nhưng Đức Giêsu cũng trả lời; và khi trả lời, Người dùng chính cách nghĩ “được gì mất gì” để dẫn các môn đệ đi vào chiều kích nhưng không, ngang qua con số biểu tượng “ gấp bội”.
Câu trả lời của Đức Giêsu có hai phần, phần dành cho Mười Hai tông đồ: “khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en” (c. 28) và phần dành cho tất cả mọi người. Trong phần dành cho tất cả mọi người, Đức Giêsu đều kể ra những gì mà Phêrô và tất cả những ai đi theo Ngài đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái, ruộng đất. Tất cả tạo nên một hình ảnh hoàn chỉnh và rất đỗi thân thương: căn nhà, tất cả những người ở trong nhà và đất đai chung quanh nhà; nói cách khác, đó là hình ảnh “một căn nhà tranh, hai trái tim vàng”! Như tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm, hình ảnh “một căn nhà tranh, hai trái tim vàng” rất đỗi thân thương này, chúng ta không thể từ bỏ một lần là xong, nó thường hay trở lại, mỗi khi chúng ta gặp khó khăn nhất là ơn gọi đi theo Đức Ki-tô trong đời sống dâng hiến.
Theo thánh sử Mát-thêu, Đức Giêsu trả lời chung chung và hướng về tương lai: “sẽ được gấp bội”. Nhưng theo Thánh sử Mác-cô, câu trả lời của Đức Giêsu vừa rất cụ thể và vừa nhấn mạnh đặc biệt đến thời gian hiện tại: “Bây giờ, trong thời này, anh em sẽ nhận được gấp trăm”; và Ngài kể lại chính xác những gì người môn đệ đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người mẹ, con cái, ruộng đất.
Và quả thật, các môn đệ và đến lượt chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, trong hành trình từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu, mình đã thực sự nhận lại nhà, đất, anh em, chị em, mẹ, con cái gấp trăm. Bởi lẽ, quả thật chúng ta có nhiều nhà, nếu không muốn nói ở đâu cũng là nhà; và ai cũng là người thân của chúng ta, khởi đi từ những chị em hay anh em cùng chia sẻ một ơn gọi. Gấp trăm xảy ra được, bởi vì chúng ta vượt qua tương quan huyết thống và sở hữu, để đi vào tương quan Nước Trời, đó là tương quan hiệp thông và chia sẻ.
- Hiệp thông trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha, Đức Kitô là Trưởng Tử, và như thế, mọi người là anh chị em.
- Chia sẻ những gì mình có, và đón nhận những gì mình được chia sẻ.
Nhưng không thể không có những khó khăn, như mọi người chúng ta, dù lớn hay bé trong ơn gọi, đều có kinh nghiệm. Có khó khăn, và cả những ngang trái nữa, đòi rất nhiều sự hi sinh và sức chịu đựng, bởi vì đó là kinh nghiệm tái sinh: để đi vào một gia đình mới, vào những tương quan mới, chúng ta phải được “sinh ra” một lần nữa. Thế mà cuộc sinh ra nào mà lại không có khó khăn, hi sinh, chịu đựng và nhất là cho đi. Chúng ta không có kinh nghiệm làm mẹ, nhưng tất cả chúng ta đều có mẹ! Và điều đó đủ để chúng ta nhận ra thế nào là sinh ra và thế nào là được sinh ra. Và ơn tái sinh còn đòi hỏi hi sinh hơn thế nữa, vì đó là cuộc tái sinh trong mầu nhiệm Chịu Chết và Sống Lại của Đức Kitô.
Nhưng Đức Giê-su hứa rằng, chúng ta sẽ “được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp”. Đó không phải là phần thưởng hay lương bổng, nhưng là “ơn huệ dư tràn” đến từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, ban tặng cho những ai khao khát Người.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.