Khoảng gần 1triệu rưỡi người sẽ dự thánh lễ với Giáo hoàng Phanxicô, ngày 27 tháng 9, đỉnh điểm của Đại hội Gia đình Thế giới ở Philadelphia. Con số rất đông những người quy tụ đã tạo nên một từ mới là ‘Popeapocalypse’ [ngày tận thế kiểu giáo hoàng]
Các đại học đóng cửa, người hành hương ngủ trong các túi ngủ chờ sẵn nơi Vườn Bách thú Philadelphia, vé tàu giờ như chuyện xổ số, và các phụ nữ sắp đến ngày sinh dự định phải dời đến các thành phố khác – tất cả đều là dự liệu cho ngày giáo hoàng Phanxicô công du đến đây.
Không có một lãnh đạo chính trị, tôn giáo, hay giải trí nào còn sống ngày nay có thể có được sự hưởng ứng như của giáo hoàng, và đây thật khiến nhiều người vò đầu gãi tai hỏi tại sao?
Tại sao giáo hoàng lại có tầm quan trọng đến vậy?
Ngài là một Lãnh đạo Chính trị Xuyên Quốc gia
Là thủ lãnh của Giáo hội Công giáo La Mã, giáo hoàng giữ một vị trí mà không một lãnh đạo tôn giáo nào có được. Hầu hết các tôn giáo lớn đều không có cơ cầu phẩm trật nhìn nhận rõ ràng một lãnh đạo hiện thể toàn bộ truyền thống, như kiểu giáo hoàng trong Công giáo. Giáo hoàng là đầu của một tổ chức xuyên quốc gia có tính cố kết, đã tồn tại suốt gần 2000 năm. Giáo hội có một chuỗi nối kết từ Vatican đến tận các giáo xứ địa phương, có thể truyền đạt thông tin, tư tưởng và cả của cải vật chất đi khắp thế giới.
Ngược lại, các tôn giáo khác hầu như phân mảnh thành nhiều phái khác nhau, với các lãnh đạo khác nhau. Và thậm chí nếu các tôn giáo khác có tồn tại hàng phẩm trật, như trong Anh giáo, thì con số cũng không thể sánh được với 1.2 tỷ người Công giáo La Mã.
Tác động của Giáo hội Công giáo còn tăng thêm vì vị thế của Vatican, một thành quốc độc lập, bang giao với các quốc gia trên toàn thế giới. Là lãnh đạo của Vatican, nên khi đến thăm một quốc gia, giáo hoàng không chỉ là một lãnh đạo tôn giáo, nhưng là một nguyên thủ. Điều này khiến cho giáo hoàng khác với hầu hết các lãnh đạo khác, dù là bên đạo hay bên chính trị, không kể các vị trí mang tính thuần nghi lễ, như của nữ hoàng Anh quốc, vừa là lãnh đạo danh nghĩa của Giáo hội Anh giáo, vừa là lãnh đạo của Khối Thịnh vượng chung, nhưng lại không có mấy ảnh hưởng. Ngược lại, giáo hoàng là thẩm quyền hiển hiện của các tước này, và ngài có thể gây ảnh hưởng trong vai trò của mình.
Giáo hội Công giáo không chỉ có tầm xuyên quốc gia, nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, Giáo hội có một vai trò đầy ảnh hưởng đối với đời sống dân sự và chính trị. Các giáo hội địa phương này được lãnh đạo bởi các giám mục, tổng giám mục, và hồng y bản tại, tất cả đều được giáo hoàng chỉ định và chịu trách nhiệm trước mặt ngài. Điều này nghĩa là những ưu tiên hàng đầu và chú tâm của giáo hội Công giáo địa phương, chịu ảnh hưởng nhiều từ những người đứng đầu do chính giáo hoàng sắp đặt.
Ngài có một Tầm Ảnh hưởng Tôn giáo Quốc tế
Ngoài uy thế chính trị và ngoại giao, quyền lực mềm của giáo hoàng còn ấn tượng hơn nữa. Với một phần lớn nhân loại, suốt 2 thiên niên kỷ, Giáo hội Công giáo đã là đường dẫn đến với Thượng Đế, và đã đem lại câu trả lời cho các câu hỏi về một đời sống ý nghĩa và đạo đức là thế nào.
Là đầu của Giáo hội Công giáo La Mã, thẩm quyền của giáo hoàng gắn với thánh Phêrô, một trong các tông đồ của Chúa Giêsu, và được Giáo hội Công giáo xem là giáo hoàng đầu tiên. Các tuyên bố của giáo hoàng có sức nặng và ngài có tác động lớn trên nhận thức của người Công giáo về sự thánh thiện, ví dụ như ngài có vai trò then chốt trong việc quyết định phong thánh. Giáo hoàng là đại diện cao nhất của Giáo hội Công giáo với các truyền thống đức tin khác, cho dù đó là các phái cùng trong Kitô giáo, các tôn giáo khác, hay thậm chí là thế giới thế tục.
Những tuyên bố và hoạt động của giáo hoàng không chỉ được truyền tải trên các kênh Công giáo, nhưng còn là mục tiêu chú ý của truyền thông và được theo sát chặt chẽ. Khi giáo hoàng nói về Tin mừng Kitô, như trong ngày thứ tư tiếp kiến chung hay buổi đọc kinh Truyền tin ngày chúa nhật tại quảng trường thánh Phêrô, hay bằng các tông thư và những tài liệu ít chính thức hơn, thì ngài thường liên hệ thông điệp thiêng liêng và tôn giáo này không chỉ với sự cứu rỗi và đạo đức riêng của mỗi người, nhưng còn là với các vấn đề xã hội và đời sống chính trị. Điều này thường khơi lên các lập trường hay tranh cãi ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới và trong các sự kiện quốc tế lớn.
Do bởi uy quyền tột cùng của cương vị giáo hoàng, nên bất kỳ giáo hoàng nào cũng đều quan trọng. Tuy nhiên, khi cương vị này được nắm giữ bởi một người như giáo hoàng Phanxicô, thì tầm quan trọng còn hơn nữa.
Ngay từ lúc tân giáo hoàng ra mắt đám đông ở quảng trường thánh Phêrô, và danh hiệu ngài chọn được công bố, PHANXICÔ, thì tinh thần mọi chuyện đều có thể đang lan rộng suốt Giáo hội Công giáo La Mã.
Triều giáo hoàng đặc biệt của Giáo hoàng Phanxicô
Đức Phanxicô đã trở thành một trong những nhân vật phi thường nhất thế kỷ XXI. Ngay từ đầu, khi ngài từ chối Dinh thự Tông Đồ để ngụ lại một nhà khách mở đơn sơ, khi ngài dùng một chiếc Hyundai thay vì xe Mercedes, và khi ngài tuyên bố rằng ngài những ước mong một giáo hội nghèo và vì người nghèo, thì Đức Phanxicô đã chiếm lĩnh các mặt báo, với những lời nói việc làm đầy kinh ngạc của ngài.
Trong vòng một năm đầu triều, Giáo hoàng đã cử hành Phụng vụ Thứ năm Tuần thánh bằng việc rửa chân cho các tù phạm, có cả phụ nữ và người Hồi giáo, rồi ngài nói rằng người vô thần có thể được cứu rỗi, ngài cho rằng giáo hội đã sa đà quá nhiều về hôn nhân đồng tính và phá thai, ngài khiển trách bộ máy quan liêu đang mang bệnh Alzheimer tinh thần, ngài tuyên bố thị trường tài chính toàn cầu đang ‘áp bức người nghèo’ và tất nhiên, là có cả câu trả lời đầy thâm thúy của ngài về những người đồng tính: ‘Tôi là ai mà phán xét?’
Ngài đã dùng cương vị của mình để đặt biệt nêu bật cảnh ngộ của các di dân, những người vô gia cư, người nghèo, vấn đề hòa bình Trung Đông, nạn bách hại các Kitô hữu, và mới nhất là vấn đề đạo đức môi sinh trong tông thư ‘Laudato Si’
Giáo hoàng chiếm lĩnh mặt báo, nhưng những ưu tiên hàng đầu của ngài phát tiết trong nền chính trị và xã hội thế giới.
Giáo hoàng chính là người đã góp phần hàn gắn quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba, hai quốc gia ngài sẽ viếng thăm trong chuyến công du sắp đến, vang vọng lại hành động của thánh Gioan Phaolô II, người đã tác động để phá vỡ Bức màn sắt bằng chuyến công du về quê hương Ba Lan hồi 1979, khi có đến 2 triệu người quy tụ chào đón giáo hoàng đầu tiên đến một nước cộng sản.
Ở Hoa Kỳ, câu ‘Tôi là ai mà phán xét?’ của Giáo hoàng Phanxicô được thượng nghị sỹ Công giáo bang Illinos trích lại trong thảo luận bỏ phiếu cho hôn nhân đồng tính hồi năm 2013. Ngược lại, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, Jeb Bush lại bẻ lại các tuyên bố của Đức Phanxicô về môi trường và kinh tế. ‘Tôi không điều chỉnh chính sách kinh tế theo các giám mục, hay hồng y, hay giáo hoàng của tôi.’
Đức Phanxicô sẽ là giáo hoàng đầu tiên nói chuyện với Lưỡng viện Hoa Kỳ, và chắc chắn sẽ đưa ra những thách thức với các nhân vật chính trị của cả hai đảng. Dường như chuyến công du của giáo hoàng và các lời nói của ngài sẽ được dẫn chứng trong các vòng bỏ phiếu sơ bộ và chung để bầu tổng thống. Thật khó để chỉ ra được một nhân vật nào khác, thẳng thắn về các vấn đề môi trường, kinh tế và nhập cư hơn Giáo hoàng Phanxicô.
Ngài giúp cải tổ Giáo hội Công giáo
Bên trong Vatican, Đức Phanxicô đã và đang tích cực cố gắng cải tổ và ‘dọn dẹp’ Giáo triều cũng như ngân hàng Vatican. Sự hiệu quả của ngài trong các nỗ lực này, cũng như trong việc giải quyết những mảnh đời bị xâm hại do các giáo sỹ, được mọi người theo dõi sát sao. Trong khi nhiều người lo rằng nhịp độ cải tổ vẫn còn chậm, thì có vẻ như dưới thời Đức Phanxicô, giáo hội đang có một bộ khung đúng đắn, và bắt đầu đi theo đường hướng đúng, nhất là trong bộ phận ngân hàng.
Như đã nói ở trên, giáo hoàng có quyền khá là tuyệt đối trên hàng giáo phẩm giáo hội. Một phần trách nhiệm của ngài là chỉ định các hồng y mới, những người về sau sẽ bỏ phiếu bầu giáo hoàng, cũng như chỉ định và thay thế các giám mục và tổng giám mục, những người lãnh đạo giáo dân Công giáo trên các quốc gia toàn thế giới. Đức Phanxicô đã dùng uy quyền của mình để mở rộng sự hiện diện và sức mạnh của nam bán cầu, bằng cách chỉ định nhiều hồng y đến từ các vùng nghèo nhất trên thế giới. Ngài cũng sắp xếp lại vai trò của hàng giáo sỹ lãnh đạo ở Hoa Kỳ, và cất nhắc một vài nhân vật ôn hòa trong hàng lãnh đạo, cũng như nhanh chóng giáng chức giám mục Tebartz-van Elst ở Đức vì chi tiêu hoang phí.
Một trong những biến đổi đáng chú ý nhất dưới thời Đức Phanxicô, là về địa hạt truyền thông xã hội. Bậc tiền nhiệm của ngài cũng dùng Twitter, với tên @Pope2YouVatican, và bị Jon Stewart giễu cợt trong chương trình của mình. Bây giờ thì không có chuyện đó nữa. Dưới thời Đức Phanxicô, tài khoản Twitter của ngài được tăng sức nặng với tên @Pontifex, với nhiều thứ tiếng (kể cả La Tinh) và Đức Phanxicô chính là một trong những người có ảnh hưởng nhất trên Twitter suốt 2 năm qua.
Tuy nhiên, chính sự hiện diện đời thực của giáo hoàng mới thực sự cho thấy ngài có tầm quan trọng đến thế nào.
Trong các buổi hội kiến riêng, hay trước 3 triệu người ở Rio, thì tinh thần mục tử khiêm nhượng, nồng ấm của Đức Phanxicô đều được đồng hưởng từ mọi người, dù là Công giáo hay không Công giáo. Trong thế giới này, nơi cả người có đạo và không có đạo đều đang đói khát một tâm thức nối kết, đang khao khát làm rõ vấn nạn bất bình đẳng, và thiết tha làm việc vì một thế giới có tình, hòa bình, và công bằng hơn, thì những lời nói và hành động của Giáo hoàng thực sự rất quan trọng.
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 25.08.2015/
The Huffington Post – Paul Brandeis Raushenbush – 08/20/2015)