“Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương”
(Lc 7, 11-17)
11 Sau đó, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người.12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà.
13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa! “14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! “15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ.
16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”.17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
- Lòng thương xót
Để giúp đọc hiểu và cầu nguyện với bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, trong một lớp giáo lý, Ma Soeur hỏi các em thiếu nhi: “Tại sao Chúa cho người con trai sống lại?” Các em trả lời: “Vì khi còn sống, người con đã sống đạo đức, ngoan ngoãn và học giỏi”!
Có lẽ, khi được hỏi, những người lớn như chúng ta cũng sẽ đưa ra một câu trả lời tương tự, dựa trên sự xứng đáng của con người trong tương quan ân sủng với Chúa: con người phải sống xứng đáng, phải giữ luật, thì Chúa mới ban an ơn; hay nói cách khác và một cách rộng hơn, ơn cứu độ là có điều kiện. Điều này đúng, nhưng không đúng hoàn toàn, hay ít nhất, không phải lúc nào cũng đúng, bởi vì ơn Chúa luôn vượt xa những nỗ lực của con người.
Thật vậy, bài Tin Mừng trình bày chúng ta một Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su, với một khuôn mặt khác hẳn:
Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương
và nói: “Bà đừng khóc nữa”.
Chúa chạnh lòng thương trước nỗi đau của người mẹ mất người con trai duy nhất, trước mọi nỗi đau của loài người chúng ta; và Ngài chạnh lòng thương một cách nhưng không, nghĩa là không cần biết người mẹ hay người con đã từng là gì, đã làm gì, và có xứng đáng hay không. Chưa hết, tình thương của Chúa con đi xa hơn. Chúng ta nghe lại lời của Tin Mừng:
Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa”. Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài và làm cho người con trai sống lại.
Như thế, vì thương người mẹ đang đau nỗi khổ mất con, hay đúng hơn, Chúa chạnh lòng vì tình yêu của người mẹ dành cho người con, nên Chúa cứu người con. Chứ không phải vì người con khi còn sống đã sống đạo đức, ngoan ngoãn và học giỏi.
- Sự sống hôm nay
Đọc lại các Tin Mừng, chúng ta sẽ nghiệm ra được rằng, rất nhiều lần điều tương tự đã xẩy ra. Và đó cũng là trường hợp của hai mẹ con thánh nữ Mô-ni-ca và thánh Augustinô, và của vô vàn trường hợp trong đời sống của chúng ta: vì thương người mẹ, là thánh nữ Mô-ni-ca mà chúng ta mừng kính hôm nay, mà Chúa đã cứu người con, là thánh Âu-tinh, mà chúng ta mừng kính ngày mai. Như thế, Chúa cũng mến thương những người chúng ta thương mến trong Chúa. Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, cho những người còn sống cũng như những người đã qua đời.
Người con trai là người con duy nhất của người mẹ góa bụa. Đức Giêsu cũng là người con trai duy nhất của Mẹ Maria ; và về phương diện xã hội, Mẹ Maria của Ngài cũng « góa bụa » ; vì thế, Ngài thấu suốt nỗi đau của người mẹ góa bụa mất người con duy nhất.
Sau khi cho sống lại, Đức Giêsu trao người con cho người mẹ. Như thế, người con bây giờ là quà tặng thuần túy của Đức Giê-su dành cho người mẹ. Và trong tương quan gia đình, cộng đoàn hay nhóm, chúng ta cũng được mời gọi nhận ra người này là quà tặng Chúa ban cho người kia. Bởi vì, đó chính là kinh nghiệm thiêng liêng nền tảng làm nên bầu khi yêu thương, tha thứ, bao dung và hiệp nhất giữa chúng ta.
- Sự sống mai sau
Tuy nhiên, quà tặng này vẫn là quà tặng có giới hạn, vì đến một ngày nào đó, người con cũng phải chết một lần nữa, hay người mẹ phải lìa xa người con. Vì đó là thân phận chóng qua của loài người chúng ta.
Đức Giê-su, Người Con Duy Nhất, cũng cảm thương thân phận phải chết của loài người chúng ta. Vì thế, trong cuộc Thương Khó, Người không chỉ « đụng vào quan tài » của người con đã chết, và của mỗi người chúng ta, nhưng còn để cho mình chịu đóng đinh và chịu chết trên Thập Giá, để cho thấy Người mạnh hơn sự chết và cả sự dữ nữa, để trao ban với tình yêu đến cùng sự sống đời đời cho loài người phải chết của chúng ta,
- để cho hai mẹ con, mà bài Tin Mừng của ngày lễ hôm nay kể lại, tìm lại được nhau và ở bên nhau mãi mãi trong sự sống muôn đời của Đức Ki-tô và Thiên Chúa Cha ;
- và để cho tất cả những ai thương mến nhau, trong đó có hai mẹ con là thánh nữ Mô-ni-ca và thánh Âu-tinh, và có mọi người chúng ta đang thương yêu nhau, bây giờ ở bên nhau, và sau này cũng được ở bên nhau mãi mãi, vì tình thương và lòng thương xót nhưng không và vô biên của Thiên Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc