Ngày 02/09/2015, sau khi hát kinh sáng, các đại biểu đã cùng hiệp dâng Thánh lễ do Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin chủ sự.
Trong bài giảng, Đức cha Giuse một lần nữa khẳng định thực trạng loan báo Tin Mừng còn chậm chạp tại Việt Nam; đồng thời, kêu gọi mọi người theo gương Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện một cuộc “đi ra” – ra khỏi chính mình, ra khỏi những cơ cấu an toàn và co cụm hoặc ra khỏi lối mục vụ chỉ biết chăm sóc cho người có đạo… để “ra đi” đến với những “vùng ngoại biên” là những anh chị em lương dân, những tâm hồn đang khao khát chân lý và tình thương.
Ngày làm việc thứ hai của Đại hội được mở đầu bằng bài tham luận của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục phụ tá Hưng Hóa, chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng – Hội Đồng Giám mục Việt Nam về đề tài: “Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay”.
Với lối trình bày nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc, Đức cha Chủ tịch Ủy ban LBTM đã điểm qua một số dấu mốc lịch sử quan trọng như: 50 năm sắc lệnh Ad Gentes, Tông huấn niềm vui TM, kế hoạch 3 năm Phúc Âm hóa của Giáo hội Việt Nam, 400 Dòng Tên đến truyền giáo tại Việt Nam để nêu bật lên nhu cầu cần phải thực hiện một cuộc “update cách thức loan báo Tin Mừng” như lời mời gọi canh tân của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Dựa vào một câu nói của ĐGH Gioan Phaolô II: “Trong thời điểm mới này, trong những điều kiện sống mới ở ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, một cuộc Tân Phúc Âm hóa đã bắt đầu,” Đức cha kêu gọi thực hiện một cuộc Tân Phúc Âm hóa tại Việt Nam để làm mới lại lòng nhiệt thành truyền giáo và làm mới lại phương pháp truyền giáo.
Để làm được điều này, qua đề tài trình bày của mình, Đức cha mời gọi các tham dự viên “nhìn lại quá khứ và xem xét hiện tại của công cuộc loan báo Tin Mừng dựa trên Ad Gentes (Đến với muôn dân) và hướng về tương lai với câu hỏi “Phải làm gì?” dựa trên Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng).”
Trong phần thứ nhất, Đức cha Anphong điểm lại một vài thống kê về tình hình truyền giáo 50 năm qua; nêu lên những nguyên nhân lý giải vì sao việc truyền giáo diễn ra khá chậm chạp; đồng thời không quên nhắc nhở các tham dự viên về nhu cầu cấp bách của việc loan báo Tin Mừng ngày nay tại Việt Nam. Trong cái nhìn về tương lai, dựa vào những giáo huấn quý giá của Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức cha đã rút tỉa ra những bài học và đường hướng cần thiết cho công cuộc loan báo Tin Mừng về phương diện cá nhân lẫn các lãnh vực trong đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế và tôn giáo. Cách đặc biệt, Đức cha nhấn mạnh về mối tương quan mật thiết với Chúa Kitô mà sứ giả loan báo Tin Mừng phải đó vì đây chính là động lực sẽ thúc đẩy người ấy mạnh dạn loan báo về ĐKT: “những gì tai nghe mắt thấy chúng tôi không thể không nói ra.” Đức cha cũng không quên kêu gọi bắt tay ngay vào một chương trình huấn luyện giáo dân truyền giáo, cách riêng trong việc đào sâu sự hiểu biết về Đức Kitô nơi giáo lý và giáo huấn Giáo Hội, cũng như vận dụng những phương tiện mới (khoa học kỹ thuật, truyền thông xã hội…) để loan báo Tin Mừng.
Khi được lắng nghe chia sẻ của vị đứng đầu Ủy ban Loan báo Tin Mừng, các đại biểu ai ai cũng cảm nhận được sự thao thức và trăn trở của ngài trong việc thực thi lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Giáo Hội phải ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng” (EG 20) mà dường như Giáo Hội Việt Nam chỉ mới trên đường dò dẫm.
Sau phần trình bày của Đức cha Chủ tịch, các tham dự viên được chia thành 3 nhóm: linh mục, tu sĩ và giáo dân để cùng thảo luận và góp ý cho vấn đề truyền giáo tại Việt Nam cũng như đường hướng hoạt động của Ủy ban. Đa phần các ý kiến xoay quanh việc cần phải gây ý thức hơn nữa tinh thần truyền giáo nơi các thành phần Dân Chúa tại Việc Nam; phải đẩy mạnh việc đào tạo những môn đệ truyền giáo và tăng cường sự hợp tác giữa các linh mục, dòng tu, đoàn thể với nhau…
Buổi chiều, đại hội được lắng nghe trình bày của Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Phát Diệm về đề tài: “Ad Gentes trong việc dạy giáo lý và phổ biến Kinh thánh.”
• Chúng ta có khả năng dạy giáo lý như cách hướng dẫn người khác làm quen và ăn 1 món ăn lạ không?
• Sau khi học GL dự tòng xong các học viên có cảm nhận thế nào? Có vui thích học GL không? Sau khi các em học sinh GL ra khỏi lớp các em có cảm thấy phấn khởi khi vừa được học GL không hay là cảm thấy nặng nề?
• Làm sao truyền giáo khi việc dạy GL không truyền được hứng khởi cho người học?
Đây là những câu hỏi mà trong phần dẫn nhập của bài thuyết trình Đức cha Giuse đã đặt ra với toàn đại hội. Từ đó, Đức cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cần phải canh tân việc dạy và học giáo lý như lời mời gọi thực hiện “một cuộc hoán cải mục vụ” toàn diện của ĐTC Phanxicô. Nghĩa là thay đổi toàn diện cách thức làm mục vụ từ một Giáo Hội mang tính cách bảo tồn sang 1 Giáo Hội loan báo TM và chọn loan báo TM là định hướng chính.
Để thực hiện được điều này, Đức cha đề xuất dạy giáo lý bằng phương pháp kể chuyện: kể câu chuyện về Đức Giêsu Kitô. Phương pháp này cần phải lưu tâm đến 4 yếu tố: 1 – Câu chuyện phải hài hòa và hấp dẫn; 2 – Chuyện của cộng đoàn; 3 – Ngôn ngữ kể chuyện phải dễ hiểu, đánh động lòng người và 4 – Người nghe kể chuyện.
Đức cha cũng không quên lưu ý rằng kết quả của việc kể chuyện là tùy thuộc vào tự do của người nghe và tác động của Chúa Thánh Thần. Vì thế, người kể cứ làm hết sức của mình và kiên nhẫn đợi chờ kết quả. Bên cạnh đó, khi kể chuyện Chúa Giêsu cho người khác người kể cần cố gắng khơi dậy những tâm tình nơi người nghe để họ cảm nhận và kể lại câu chuyện cuộc đời của họ. Sau hết, khi nhắc lại câu chuyện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp, Đức cha lưu ý mọi người cần dạy giáo lý thế nào để học sinh giáo lý và người dự tòng sau khi đón nhận Chúa Giêsu thì chính họ là người sẽ ra đi loan báo Tin Mừng cho người khác.
Cũng trong buổi chiều của ngày làm việc thứ 2, Đại hội đã nghe cha Đaminh Trần Xuân Thảo thuộc giáo phận Xuân Lộc chia sẻ về kinh nghiệm dạy giáo lý cho dự tòng và việc huấn luyện tác viên Tin Mừng. Trước hết, cha nhắc lại đôi chút lịch sử hình thành nhóm tác viên Tin Mừng, vốn là một nhóm anh chị em giáo dân và tu sĩ được quy tụ và huấn luyện để yêu mến, thấm nhuần và sống Lời Chúa theo sự hướng dẫn của cha Phêrô Phạm Hữu Lai, SJ. Khóa tác viên TM thường kéo dài từ 1-2 tuần trong đó có 3 ngày tĩnh tâm. Có 2 loại tác viên: “Tác viên ba lô” – là những tác viên TM hăng say được chọn để làm việc 5h/ngày để đến các gia đình rao giảng TM và “Tác viên nhảy dù” – là những người sẵn sàng để được gửi đi bất cứ nơi nào. Cha Thảo cho biết, sau 10 năm, chương trình đã đào tạo được 9000 tác viên TM với gần 100 khóa (từ 2010- nay đào tạo được 2122 người).
Sau cơm tối, các đại biểu tiếp tục lắng nghe báo cáo đúc kết của đại diện 3 nhóm linh mục, tu sĩ và giáo dân. Ba vị đại biểu này đã trình bày những đề nghị rất thẳng thắn của các vị đại biểu về công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.
Ngày làm việc thứ hai của đại hội khép lại sau giờ chầu Thánh Thể do Đức cha Anphong chủ sự.
(Chỉnh Trần, SJ, dongten.net 03.09.2015)