Nhà thờ Lạng Sơn nằm cạnh ngã tư Phạm Văn Chiêu – Lê Đức Thọ. Trước nhà thờ là khu chợ nhỏ nhưng khá tấp nập người mua kẻ bán. Trong khuôn viên nhà xứ có một tiệm tạp hóa chừng 20m2 với bảng hiệu ghi “Cửa hàng Tình thương”. Ở đây, khách đến mua hàng tự ý chọn hàng hóa rồi ra tính tiền, không camera, không bảo vệ, tất cả là sự tự giác. Nhân viên là người khuyết tật, thường ngồi khuất nơi phía cuối cửa hàng và khách hàng, số đông cũng chính là những anh chị em khuyết tật. Đây là một trong chuỗi cửa hàng tình thương nhằm thăng tiến NKT trong hạt Xóm Mới – TGP.TPHCM.
Với hy vọng giúp cho những người kém may mắn về thể xác có một hội đoàn để sinh hoạt và tạo công ăn việc làm cho họ, tháng 10.1994, các linh mục trong hạt Xóm Mới đã thành lập Hội NKT, do linh mục GB. Nguyễn Văn Luyến, chánh xứ Lạng Sơn làm linh hướng. Từ ngày ấy, NKT trong vùng được đỡ nâng rất nhiều. Qua các chương trình sinh hoạt, những anh chị em này có thêm nghị lực sống, xua tan những rào cản trong lòng để hòa nhập với xã hội. Ban đầu, hội chỉ có vài ba thành viên, theo thời gian, NKT trong quận Gò Vấp đã tìm đến xin gia nhập, tính đến nay có khoảng 140 người.
Người dân ở đây không chỉ mua hàng ủng hộ mà còn đến để thăm hỏi NKTKhi mới thành lập, để giúp những anh chị em trong nhóm có được việc làm phù hợp khả năng, cha Luyến quyết định mở ra một chuỗi gồm ba cửa hàng với tên gọi Cửa hàng Tình thương ở ba giáo xứ Lạng Sơn, Tử Đình và Hợp An, đều trong hạt Xóm Mới, để bán giá rẻ cho NKT và lấy đồng lời làm quỹ sử dụng vào việc sinh hoạt, lo ma chay, cưới hỏi cho các thành viên trong nhóm. Sau một thời gian hoạt động, vì năng lực NKT có hạn nên hai cửa hàng ở giáo xứ Hợp An và Tử Đình đành phải “đóng cửa”. Hiện chỉ còn duy nhất cửa hàng ở giáo xứ Lạng Sơn kinh doanh chủ yếu là tranh ảnh, tượng, sách Công giáo và các nhu yếu phẩm thiết yếu. Ngoài ra, cửa hàng còn là đại lý vé số của NKT theo cách lấy gối đầu. Cách thức này đã giúp nhiều người có thể tự nuôi sống mình hoặc lo cho con cái. “Kể từ ngày tham gia vào Hội, chúng tôi thấy bản thân không còn là gánh nặng của xã hội. Bản thân chúng tôi cũng có thể tự kiếm sống được”, chị Vũ Thị Thanh Thủy, Hội trưởng NKT và là nhân viên bán hàng tâm sự.
Cửa hàng thường mở cửa 7giờ30 đến 20giờ, chia làm ba ca với ba người trông coi. Ngoài những khách hàng là người trong Hội còn có rất đông khách là bà con trong vùng. Họ đến không chỉ để mua hàng ủng hộ NKT mà còn để trò chuyện với anh chị em này như một cách động viên nhau. “Nhà tôi cách cửa hàng hơn cây số nhưng tôi vẫn thường đến đây mua các thứ linh tinh cho gia đình và gặp gỡ những người NKT thăm hỏi họ về cuộc sống. Nhiều lần như vậy tôi thấy họ rất có nhu cầu được trò chuyện và sau những giây phút trò chuyện, chúng tôi có thêm những cảm nhận về cuộc sống”, bà Kim Xuân, một khách hàng chia sẻ.
Mỗi tối thứ Ba hằng tuần, NKT tụ họp ở giáo xứ Lạng Sơn để cùng trò chuyện, chia sẻ và học hỏi Lời Chúa; mỗi dịp hè về thì cùng đi du lịch. Qua những buổi sinh hoạt, cũng đã không ít cặp đôi tìm thấy điểm chung và nên vợ chồng. Đám cưới của họ cũng do Hội tổ chức, đơn giản nhưng ấm tình.
Hơn 20 năm qua, một cửa hàng bé nhỏ đã giúp cho những tâm hồn cần được chở che tìm thấy được điểm tựa của tình người.
THỤC QUỲ
Có mặt trong những ngày đầu thành lập nhóm và điều hành ba Cửa hàng tình thương khi còn là một giáo dân trong hạt Xóm Mới, cha Giuse Nguyễn Văn Khiêm, hiện đang làm cha phó giáo xứ Xóm Chiếu (quận 4, TPHCM) nhớ lại: “Mặc dù, chúng ta thường cho rằng những người khuyết tật là người thiếu may mắn trong cuộc sống. Nhưng với tôi, chưa chắc là chúng ta may mắn hơn họ. Vì không có họ, chúng ta sẽ chẳng thấy được những ích kỷ và hạn chế của bản thân. Và tôi phải là người cám ơn họ đã giúp tôi nhận ra Thiên Chúa muốn chính tôi phải làm chứng cho Ngài bằng việc bác ái với mọi người, nhất là những người bé mọn, kém may mắn”.
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc