Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa chay Năm C

Chúng ta đang sống trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Tuần trước chúng ta được cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa qua dụ ngôn người cha nhân hậu (x. Lc 15,11-32).

Tuần này chúng ta lại được cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, qua lời nói và thái độ của Chúa Giêsu trong câu chuyện người phụ nữ phạm tội ngoại tình (x. Ga 8, 11-32).

  1. Tha thứ sẽ cứu sống, kết án sẽ giết chết

 

Tội thì đáng phạt và hình phạt nặng nhất là phải chết. Nhưng Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, trái lại Ngài muốn nó ăn năn sám hối và được sống(x. Ed 18,23). Vì vậy, Chúa Giêsu thường lui tới với người tội lỗi không phải tìm cách kết án nhưng tìm cách để tha thứ. Tha thứ để cứu sống họ. Ngài đã từng tha thứ cho Mathêu, cho Mađalêna, cho Phêrô, cho kẻ trộm lành và cho những kẻ đóng đinh Ngài. Ngài cũng dạy Phêrô tha thứ cho anh em không phải bảy lần mà bảy mươi lần bảy (x. Mt 18,22).  Biết được tinh thần tha thứ của Chúa Giêsu như vậy, nên những người luật sĩ và biệt phái mới giăng bẫy để làm hại Ngài. Họ dẫn đến với Ngài một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, để nhờ Ngài xét xử. Cái bẫy họ giăng ra, nhằm mục đích làm cho Chúa phải tiến thoái lưỡng nan. Nếu Chúa Giêsu kết tội người phụ nữ, thì dĩ nhiên Ngài đi ngược lại với tình thương tha thứ mà lâu nay Ngài rao giảng. Mặt khác, Ngài sẽ vi phạm quyền xét xử của Đế quốc Rôma đang cai trị nước Do Thái lúc bấy giờ. Còn nếu Chúa Giêsu tha cho người phụ nữ, thì Ngài lại đi ngược lại với Luật của tiền nhân. Vì theo luật Do thái, người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình sẽ bị ném đá cho đến chết (x. Lv 20,10; Đnl 22,22). Nhưng, khi có lòng thương xót thì luôn tìm kiếm cách thế để cứu thoát. Cách thế của Chúa Giêsu lúc này là gì? Tin Mừng kể lại, sau khi nghe người Do Thái tố cáo, Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Có lẽ Ngài muốn làm thế là để giúp họ có thời gian xem xét lương tâm của mình. Đó cũng là thời gian để Ngài tìm cách giải cứu phạm nhân. Thánh Giêrônimô thì cho rằng Chúa Giêsu đang viết tội của họ. Nhưng vì họ cứ hỏi mãi, nên Chúa Giêsu đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy ném đá chị này trước đi”(Ga 8,7). Nhưng rồi, không thấy ai ném đá, tức là không ai trong bọn họ sạch tội. Lạ lùng hơn nữa, họ im lặng và “Rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất”(Ga 8,9). Như vậy, Lòng thương xót của Chúa Giêsu đã chiến thắng. Khi chỉ còn Ngài và người phụ nữ, Ngài nói: “Tôi cũng không kết án chị đâu”(x. Ga 8,11). Không kết án, đó là bản chất của Lòng Thương Xót. Như vậy, bài học mà Chúa muốn dạy chúng ta đã rõ ràng: Nếu có Lòng Thương Xót thì sẽ tìm ra cách thế để giải quyết, cho dù sự việc có bế tắc đến đâu. Bởi vì, tình thương tha thứ bao giờ cũng cứu sống, còn kết án thì sẽ giết chết.

 

  1. Cần sửa mình trước khi sửa anh em

 

Đối nghịch với Chúa Giêsu, là hạng người biệt phái và luật sĩ. Họ luôn tìm cách để kết án. Kết án có nguy cơ giết chết. Họ bắt được một người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Theo luật Môsê, họ có quyền ném đá người phụ nữ này cho đến chết. Nhưng, họ muốn bắn một mũi tên mà trúng hai đích. Đối với họ, đây là một cơ may để họ gài bẩy Chúa Giêsu. Cho nên, với thái độ đầy sát khí, họ lôi kéo người phụ nữ đến với Chúa Giêsu để gài bẩy người. Chúa Giêsu nói với họ: “Ai trong các ngươi sách tội thì hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8,7). Lời mời gọi xem ra nhẹ nhàng nhưng đã xoáy vào lương tâm của họ. Bởi vì, đã là con người thì ai cũng phạm tội: Không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ. Tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Thông thường, càng nhiều tuổi thì lại càng nhiều tội. Chính câu chuyện Tin mừng này thôi cũng cho ta thấy những người Do Thái đã mắc hai thứ tội rất nặng: Tội thứ nhất là “Bêu xấu người phụ nữ”; tội thứ hai là “Gài bẩy” để âm mưu giết chết Chúa Giêsu. Vì vậy, Thánh Luca kể: “Họ im lặng và rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất” (Ga 8,9). Hành động rút lui của họ, chứng tỏ họ biết nhận ra tội lỗi của mình. Đó là bước đầu của sự sám hối. Hy vọng, sau đó họ sám hối thực sự để trở về với Thiên Chúa tình thương.

Bản chất của con người thường hay che dấu tội mình, nhưng lại thích khuếch trương tội người khác. Tội của mình thì bỏ vào túi đeo sau lưng, còn tội người khác thì đeo vào chiếc túi trước ngực. Người xưa nói không sai: “Chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Bài học chúng ta rút ra cho bản thân là: Phải sửa mình trước khi sửa người khác với nguyên tắc người xưa rằng: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

  1. Từ nay đừng phạm tội nữa

 

Chúa Giêsu đã từng nói với người thanh niên, muốn được hưởng sự sống đời đời thì một trong những tội cần phải tránh là tội ngoại tình (x. Mt 19,18). Tội ngoại tình cũng là một trong những thứ tội phạm đến điều răn thứ 9 trong 10 điều răn của Chúa. Tội ngoại tình gây ra những hậu quả hết sức nặng nề trong đời sống gia đình, đặc biệt là trong mối quan hệ vợ chồng. Người ngoại tình sẽ đánh mất niềm tin và sự kính trọng của người phối ngẫu, dẫn đến việc đánh ghen, cãi vã, đuổi ra khỏi nhà và ly dị. Có lẽ vì lý do đó mà theo luật Do Thái, ngoại tình là một trong ba tội lớn nhất và bắt buộc phạm nhân phải chết. Hình thức xử tội ngoại tình là ném đá cho đến chết. Tại Việt Nam chúng ta, ngoại tình dẫn đến ly hôn bị phạt tù 1 năm là nội dung được quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/7/2016).

Việc Chúa Giêsu tha cho người phụ nữ, không có nghĩa là Ngài coi thường tội ngoại tình, nhưng để chị ta khi đối diện với “Lòng Thương Xót” mà hoán cải đổi mới cuộc đời. Vì vậy, Ngài nói với người phụ nữ: “Ta không kết án chị đâu. Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”(Ga 8,11). Chúng ta không biết sau đó cuộc sống của người phụ nữ này như thế nào. Nhưng ai cũng hy vọng chị sẽ đổi mới cuộc đời của mình giống như Mathêu, Giakêu, Mađalêna sau khi gặp Chúa Giêsu. Tức là cái mới thay thế cho cái cũ, đời sống tốt lành sẽ thay thế cho đời sống tội lỗi, như lời mời gọi của Bài đọc thứ nhất: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Ðây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện”(x. Is 43, 18-19). Chính Thánh Phaolô đã thực hiện triệt để lời mời gọi này. Sau cú ngã ngựa trên đường Đamát, Ngài đã quên đi quá khứ tội lỗi của mình và hướng tới tương lai để sống trọn ơn kêu gọi của Thiên Chúa. Ngài nói: “Tôi đinh ninh một điều là quên hẳn đàng sau, mà hướng về phía trước, tôi cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt giải ơn kêu gọi Thiên Chúa đã ban từ trời cao trong Ðức Giêsu Kitô”(Pl 3,13-14). Ước gì mỗi người chúng ta cũng luôn biết quên đi quá khứ tội lỗi để hướng tới tương lai, với một lòng dốc quyết mạnh mẽ “Từ nay tôi sẽ không phạm tội nữa”.

 

Lạy Chúa Giêsu, vì lòng thương xót, Chúa đã tìm cách để cứu người phụ nữ ngoại tình trước cái bẩy mà người Do Thái giăng ra. Xin cho mỗi chúng con có được lòng thương xót của Chúa, luôn biết nghĩ cách để cứu anh em mình hơn là kết án họ. Xin cho chúng con biết nhận ra tội lỗi của mình để thống hối ăn năn xưng tội và quyết tâm từ nay không còn phạm tội nữa. Amen.  

 

Lm. Anthony Trung Thành