Trong suốt ba năm làm Giáo Hoàng vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho thấy Ngài không giải quyết các vấn đề dựa trên điều luật, nhưng bằng cách “khởi xướng những tiến trình” liên quan tới nhiều người.
Thay vì thẳng tay cắt bỏ phần dư thừa, Ngài dần dần đối diện với khủng hoảng bằng những hành động biểu tượng. Nhờ vậy, Ngài tạo ra một sự thay đổi ngoạn mục liên quan tới văn hóa.
Trong số hàng trăm việc làm và lời nói mà nhờ nó Ngài đang thay đổi thế giới cũng như Giáo Hội, chúng ta ghi lại bảy điều sau đây:
1. Trả phí nhà trọ
Ngày đầu tiên làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha tự mình thu dọn hành lý và trả phí thuê phòng trọ của Ngài. Việc làm này biểu lộ rằng mỗi người nên đảm trách nhiệm vụ của mình, rằng kỷ nguyên đặc ân đã trôi qua.
2. Sống tại nhà thánh Marta
Ngài dọn đến sống ở “Nhà Thánh Marta.” Đức Giáo Hoàng không muốn sống trong một tòa nhà sang trọng. Ngài muốn tự mình nắm bắt các vấn để, chứ không phải qua trung gian; đồng thời, ngài cũng ao ước cho mọi người có thể dễ dàng tiếp cận với ngài.
3. Những cái ôm và sự vô cảm trên toàn cầu
Trong một thế giới đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, và phân cấp con người dựa trên số tiền họ kiếm được hoặc số tiền họ có thể làm ra, Đức Giáo Hoàng lại dựa vào giá trị vô tận của mỗi người; ngài biểu lộ điều đó bằng cách ôm ấp và tươi cười với những ai bị loại bỏ trong xã hội.
4. Những vùng ngoại biên
Ngài nói rằng thực tại được nhận biết từ những vùng ngoại biên. Ngài chưa hề viếng thăm những giáo xứ ở trung tâm thành phố Roma, nhưng lại đi đến những giáo xứ ngoại biên. Tại Châu Âu, ngài mới chỉ đi tới Albania và Bosnia Herzegovina.
Trong chuyến tông du tới Mêxicô, Đức Thánh Cha đã đi đến những nơi mà vị Giáo Hoàng trước đây chưa bao giờ đến: những địa điểm như Chiapas, Chihuahua và Michoana.
Vào dịp lễ Phục Sinh, ngài dâng Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh tại những nơi đang trải qua đau khổ, chẳng hạn như các nhà tù dành cho thanh thiếu niên hay các nhà tế bần.
Việc làm này giúp nhiều người hướng ánh mắt tới những hoàn cảnh mà thậm chí họ không biết rằng chúng vẫn còn tồn tại.
5. Ngài đáp lời mọi người
Trong các cuộc gặp gỡ rộng rãi có những lời chứng, Đức Giáo Hoàng không đọc diễn văn đã được chuẩn bị trước, nhưng ngài thay đổi nó dựa trên những gì ngài nghe được.
Chẳng hạn như ngài đã nói ở Sarajevo, khi lắng nghe chuyện người ta đánh đập một linh mục.
“Với tất cả trái tim của mình, tôi tha thứ cho những ai làm điều ác!”
Khi ngài ở Kenya, Emanuel đã nói với ngài về bi cảnh của những người trẻ tham gia quân đội cấp tiến.
Đức Giáo Hoàng nói: “Hãy nói với những người trẻ bằng sự dịu hiền, cảm thông và yêu thương. Hãy kiên nhẫn mời gọi họ tới một trò chơi, hoặc thoát ra khỏi đó, hoặc cùng hiện diện với nhau. Đừng để họ đơn độc.”
Hay lúc ở Philippines, khi một bé gái vô gia cư nói với ngài rằng họ bị bỏ rơi và chẳng ai thèm quan tâm tới họ.
“Tại sao Thiên Chúa cho phép điều này xảy ra? Trẻ em không đáng bị trách mắng.”
6. Can trường và trong suốt
Trong mỗi chuyến tông du, Đức Giáo Hoàng tham dự các buổi họp báo trên máy bay mà không ngần ngại hay chẳng cần kiểm duyệt. Ngài trả lời các câu hỏi một cái thoải mái, không e dè hay sai sót; và ngài cũng không ngại đối diện với những vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như sự xuống cấp trong Giáo Hội, vấn đề tính dục hay những điều Ngài thao thức trong lòng.
7. Kiên quyết
Đức Giáo Hoàng đã đưa ra những quyết định cụ thể và đầy khó khăn để đơn giản hóa cơ cấu của Vatican.
Ngài thiết lập một hội đồng gồm 9 Hồng y để giúp ngài quản trị và bảo đảm rằng bất kỳ vị giám mục nào cũng có thể tiếp cận trực tiếp với Đức Giáo Hoàng. Ngài đã lập ra một hồi đồng để ngăn cản các trường hợp lạm dục tính dục, và ngài cũng đã thanh lọc ngân hàng Vatican.
Cầu nguyện
Dù cầu nguyện không phải là một sự thay đổi, nhưng những gì mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang làm sẽ chẳng thể được hiểu thấu nếu không xem ngài là một người thần bí, là người hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa. Khi đối diện với một vụ ném bom sắp xảy ra tại Syria, Ngài kêu mời một buổi cầu nguyện ban đêm kéo dài 4 tiếng tại Quảng Trường Thánh Phêrô.
Cụm từ thường xuyên được lặp lại trong những năm vừa qua là cụm từ mà ngài dùng để định nghĩa về Thiên Chúa: “Lòng Thương Xót.” Cụm từ ấy hàm chứa khẩu hiệu và sức mạnh trong triều đại Giáo Hoàng của ngài.
Chuyển ngữ: Fx. Phạm Quang Khanh, S.J.
Nguồn: Rome Reports 12-03-2016