VATICAN. Trong sứ điệp Phục Sinh công bố trưa chúa nhật 27-3-2016, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu tín thác nơi Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa.
Ảnh: AFP
Ngài xác quyết chỉ có lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa mới có thể lại ơn cứu độ cho nhân loại đang ở trong vực thẳm lầm than, mang lại hy vọng và giải thoát cho bao nhiêu người đang ở trong sầu khổ, nô lệ và áp bức. Ngài cũng nhắc đến những quốc gia đang gặp thử thách nặng nề trong cộng đồng thế giới.
Buổi công bố sứ điệp Phục Sinh diễn ra sau thánh lễ ĐTC cử hành lúc 10 giờ sáng tại Quảng Trường Thánh Phêrô.
Theo một truyền thống từ 30 năm nay, khu vực trước thềm Đền thờ Thánh Phêrô và quanh bàn thờ được các nhà trồng hoa ở Hòa Lan trang điểm với hơn 35 ngàn hoa và cây hoa, biến nơi này giống như một mảnh vườn với hoa muôn sắc, được hàng triệu khán thính giả truyền hình trên thế giới chiêm ngưỡng. Năm nay, việc chọn lựa và bố trí các bông hoa và cây được thực hiện theo tinh thần sứ điệp Năm Thánh Lòng Thương Xót. Một toán 25 nhà trồng hoa được gửi tới Roma để trưng bày các hoa đã được chuẩn bị trước từ tháng 2.
Lúc đúng ngọ, ĐTC đã xuất hiện trên bao lơn chính của đền thờ thánh Phêrô, có hai vị hồng y phó tế tháp tùng là ĐHY Renato Martino, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình, và ĐHY Franc Rodé, nguyên tổng trưởng Bộ Các Dòng Tu. Quảng trường thánh Phêrô lúc này đầy người tham dự, tràn ra tới đường Hòa Giải.
Sau khi hai ban quân nhạc đã trổi quốc thiều Vatican và Italia, ĐTC đã đọc sứ điệp.
Sứ điệp Phục Sinh
”Hãy chúc tụng Chúa vì Chúa nhân từ,
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 135,1)
Anh chị em thân mến, chúc mừng lễ Phục Sinh!
Chúa Giêsu Kitô, hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa, vì tình thương, đã chết trên thập giá và vì yêu thương đã sống lại. Vì thế, ngày hôm nay, chúng ta hãy tuyên xưng: Đức Giêsu là Chúa!
Cuộc phục sinh của Ngài thể hiện trọn vẹn lời tiên tri của Thánh Vịnh: lòng thương xót của Thiên Chúa là vĩnh cửu, tình thương của Ngài mãi mãi trường tồn, không bao giờ dứt. Chúng ta có thể hoàn toàn tín thác nơi Chúa và chúng ta cảm tạ Chúa vì đã đi xuống tận cùng hố sâu vì chúng ta.
Đứng trước những vực thẳm tinh thần và luân lý của nhân loại, đứng trước những trống rỗng trong các tâm hồn và chúng khơi lên oán thù và chết chóc, chỉ có lòng thương xót vô biên mới có thể mang lại cho chúng ta ơn cứu độ. Chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những trống rỗng ấy bằng tình thương của Ngài, lấp đầy những vực thẳm ấy, và làm cho chúng ta không bị lún sâu, nhưng tiếp tục cùng nhau tiến bước hướng về miền Đất tự do và sự sống.
Lời loan báo hân hoan của lễ Phục Sinh: Chúa Giêsu, Đấng đã bị đóng đanh, không còn ở đây, Ngài đã sống lại (Xc Mt 28,5-6) mang lại cho chúng ta niềm xác tín đầy an ủi rằng vực thẳm của sự chết đã bị vượt qua, và cùng với nó, tang tóc, khóc than và vất vả nhọc nhằn cũng bị đánh bại (Xc Kh 21,4). Chúa đã chịu đựng sự bỏ rơi của các môn đệ, gánh nặng của bản án bất công và tủi nhục của một cái chết nhục nhã, giờ đây Ngài cho chúng ta được tham dự cuộc sống bất tử của Ngài và ban cho chúng ta cái nhìn dịu hiền và cảm thương đối với những người đói khát, người ngoại kiều và các tù nhân, những người bị gạt ra ngoài lề và bị loại bỏ, các nạn nhân của cường quyền và bạo lực. Thế giới đầy những người đau khổ trong thân xác và tinh thần, trong khi thời sự hằng ngày đầy những tin về các tội ác ghê tởm, nhiều khi xảy ra ngay trong bốn bức tường gia đình, và về những cuộc xung đột võ trang đại qui mô tạo nên những thử thách khôn tả cho toàn bộ nhiều dân tộc.
Chúa Kitô phục sinh chỉ đường hy vọng cho nước Siria yêu quí, quốc gia bị xâu xé vì một cuộc xung đột dài dẵng, với một loạt đau thương những cuộc tàn phá, chết chóc, coi rẻ công pháp nhân đạo, và làm băng hoại cuộc sống giữa những người dân với nhau. Chúng ta hãy phó thác cho quyền năng của Chúa các cuộc thương thảo hiện nay, để nhờ thiện chí và sự cộng tác của tất cả mọi người, những thành quả hòa bình có thể đạt được và khởi sự công trình kiến tạo một xã hội huynh đệ, tôn trọng phẩm giá và các quyền của mỗi công dân. Ước gì sứ điệp sự sống vang dội qua miệng của Sứ Thần cạnh tảng đã bị lật sang một bên ở cửa mộ, đánh bại sự chai cứng của các tâm hồn và thăng tiến một cuộc gặp gỡ phong phú giữa các dân tộc và các nền văn hóa ở những vùng khác thuộc lưu vực Địa Trung Hải và miền Trung Đông, đặc biệt là tại Irak, Yemen và Libia.
Ước gì hình ảnh con người mới, rạng ngời trên khuôn mặt của Chúa Kitô, tạo điều diện thuận lợi tại Thánh Địa cho sự sống chung giữa người Israel và Palestine, cũng như sự sẵn sàng kiên nhẫn và sự dấn thân hằng ngày hoạt động để xây dựng những nền tảng cho một nền hòa bình công chính và lâu dài nhờ một cuộc thương thuyết trực tiếp và chân thành. Xin Chúa tể của sự sống cũng tháp tùng những nỗ lực nhắm đạt tới một giải pháp chung cục cho chiến tranh ở Ucraina, soi sáng và nâng đỡ các những sáng kiến cứu trợ nhân đạo, trong đó có việc trả tự do cho những người bị cầm tù.
Chúa Giêsu, là an bình của chúng ta (Ep 2,14), khi sống lại Ngài đã chiến thắng sự chết và tội lỗi, trong dịp lễ Phục Sinh này, xin Chúa kích thích sự gần gủi của chúng ta với các nạn nhân bị khủng bố, hình thức mù quáng và tàn bạo của bạo lực không ngừng gây đổ máu người vô tội tại nhiều nơi trên thế giới, như đã xảy ra trong các vụ khủng bố mới đây tại Nigeria, Ciad, Camerun, Côte d’Ivoire; xin Chúa cho những men hy vọng và những viễn tượng hòa bình tại Phi châu đạt tới thành quả tốt đẹp; tôi đặc biệt nghĩ đến Burundi, Mozambique, Cộng hòa dân chủ Congo, và Nam Sudan, đang phải chịu những căng thẳng về chính trị và xã hội.
Với những khí giới tình thương, Thiên Chúa đã đánh bại lòng ích kỷ và sự chết; Đức Giêsu Con của Ngài là cánh cửa lòng thương xót được mở rộng cho mọi người. Ước gì Sứ điệp Phục Sinh của Người càng chiếu dọi trên nhân dân Venezuela trong những hoàn cảnh khó khăn họ đang phải chịu và trên những người nắm giữ vận mạng đất nước, để họ có thể làm việc mưu cầu công ích, tìm những môi trường đối thoại và cộng tác với tất cả mọi người. Ước gì ở mọi nơi, người ta đều hoạt động để cổ võ nền văn hóa gặp gỡ, công lý và tôn trọng nhau, là những điều duy nhất có thể bảo đảm an sinh tinh thần và vật chất cho mọi người dân.
Chúa Kitô Phục Sinh, là lời loan báo sự sống cho toàn thể nhân loại vang dội qua các thế kỷ và mời gọi chúng ta đừng quên những người nam nữ đang tiến bước, tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, đoàn ngũ những người ấy ngày càng đông đảo với những người di dân và tị nạn – trong đó có nhiều trẻ em – trốn chạy chiến tranh, đói nghèo, và bất công xã hội. Những người anh chị em ấy của chúng ta, trên đường đi thường gặp chết chóc hoặc ít là phải chịu sự từ khước của những người có thể tiếp đón và giúp đỡ họ. Ước gì cuộc hẹn Hội nghị Thượng Đỉnh thế giới sắp tới về nhân đạo không quên đặt nơi trung tâm con người với phẩm giá của họ và đề ra những chính sách có thể giúp đỡ và bảo vệ các nạn nhân các cuộc xung đột và những tình trạng cấp thiết khác, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất và những người bị bách hại vì lý do bộ tộc và tôn giáo.
Trong ngày vinh hiển này, ”trái đất tràn ngập ánh quang lớn lao dường ấy hãy vui lên” (Xc Bài công bố Phục Sinh), nhưng trái đất này bị ngược đãi và coi rẻ vì bị bóc lột do lòng tham lam lợi lộc, khiến cho sự quân bình của thiên nhiên bị lệch lạc. Tôi đặc biệt nghĩ đến những vùng bị những hậu quả của nạn thay đổi khí hậu, nhiều khi gây ra nạn hạn hán hoặc những vụ lụt lội dữ dội, với cuộc khủng hoảng lương thực tiếp đó tại nhiều miền trên trái đất.
Với những anh chị em chúng ta đang bị bách hại vì đức tin và vì lòng trung thành của họ với danh Chúa Kitô và đứng trước sự ác dường như lướt thắng trong cuộc sống của bao nhiêu người, chúng ta hãy nghe lại lời an ủi của Chúa: ”Các con đừng sợ! Thầy đã chiến thắng thế gian!” (Ga 16,33). Hôm nay là ngày rạng ngời của chiến thắng ấy, vì Chúa Kitô đã đè bẹp sự chết và với sự phục sinh của Ngài, Ngài là làm cho sự sống và bất tử chiếu tỏa rạng ngời (Xc 2 Tm 1,10). ”Ngài đã đưa chúng ta đi từ nô lệ tới tự do, từ sầu muộn đến vui mừng, từ tang tóc đến đại lễ hân hoan, từ tăm tối đến ánh sáng, từ nô lệ đến ơn cứu chuộc. Vì thế chúng ta hãy reo lên trước Ngài: Alleluia!” (Melitone di Sardi, Bài giảng lễ Phục Sinh).
Với những người trong xã hội chúng ta đã mất mọi hy vọng và niềm vui sống, với những người già quá cơ cực, trong cô đơn họ cảm thấy kiệt lực, với những người trẻ cảm thấy thiếu tương lai, với tất cả mọi người, tôi lập lại một lần nữa những lời của Đấng Phục Sinh: ”Này đây, Ta đổi mới mọi sự… Ta sẽ cho người khát được uống nước nhưng không từ nguồn mạch sự sống” (Kh 21,5-6). Ước gì sứ điệp trấn an này của Chúa Giêsu giúp mỗi người chúng ta tái khởi hành với lòng can đảm mạnh mẽ hơn để kiến tạo những con đường hòa giải với Thiên Chúa và với anh chị em mình.
Phép lành với ơn toàn xá cho Roma và thế giới
Phần cuối của buổi đọc sứ điệp giáng sinh trưa hôm qua là nghi thức ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới. Phép lành này được ban cho các tín hữu mỗi năm hai lần vào dịp lễ giáng sinh và phục sinh. ĐHY Renato Martino, trưởng đẳng Phó Tế, nhắc nhở rằng: Tất cả mọi tín hữu đều có thể được lãnh nhận, kể cả những người theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, miễn là giữa các điều kiện thường lệ là: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý ĐTC.
Tiếp đến ĐTC đã đọc lời nguyện với kinh xá giải: Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen. Nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của Đức Trinh nữ Maria, của tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen. Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa thánh thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen. Và tiếp theo là phép lành của ĐTC.
(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 27.03.2016)