Làm thế nào để đào tạo các tân chủng sinh

Một trong các điểm mới của vài chục năm sắp tới: Dù được miễn, các chủng sinh dưới 25 tuổi sẽ không được thụ phong linh mục.

Đào tạo linh mục tương lai không phải là một đào tạo như các đào tạo khác. Đào tạo vừa ở tầm mức thiêng liêng, trí tuệ, mục vụ, nhân bản nhưng cũng phải ở “tầm mức cho sứ mệnh tương lai của họ”. Đã gần ba năm nay, Tòa Thánh soạn tài liệu Suy tính cơ bản để đào tạo chức linh mục (Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis), một tài liệu ấn định cách thức đào tạo cho các chủng sinh ở khắp nơi trên thế giới cho hàng chục năm tới.

Tài liệu chuẩn bị mà toàn thể các hội đồng giám mục trên thế giới đang nghiên cứu và Alfa y Omega đã có được, tập trung vào mục đích chính: các chủng viện sẽ là những trường đào tạo toàn bộ, để những người trẻ được gọi vào chức thánh có thể “được hình thành theo hình ảnh Chúa Kitô” như các “môn đệ” của Ngài, cùng một lúc họ “hiểu biết, nhận định và làm việc một cách có hệ thống” các “thiếu sót và khuyết điểm” phát xuất từ “hoàn cảnh gia đình, xã hội, văn hóa” của họ, để trong suốt quá trình đào tạo, cùng làm việc với họ, với sự trợ giúp về mặt tâm lý và thiêng liêng.

Tài liệu Ratio mới này thu gom các kinh nghiệm của một vài nước, đáng kể là Tây Ban Nha, đã áp dụng từ nhiều năm nay để giúp các chủng sinh trẻ có ơn gọi vượt lên được các “thiếu sót càng ngày càng thường xuyên trong việc đào tạo nhân bản” và sự thiếu trưởng thành về mặt nhân bản và tình cảm, mà các chủng sinh thường gặp phải khi vào chủng viện.

27 tuổi, tuổi bình thường tối thiểu

Theo các tài liệu mà Alfa y Omega độc quyền có được tuần vừa qua, Tòa Thánh dự trù nâng tuổi tối thiểu để nhận chức thánh từ 23 đến 25 tuổi. Bình thường, Giáo hội đòi hỏi các chủng sinh phải 25 tuổi trọn mới được chịu chức, dù cũng có thể có khả năng các chủng sinh trẻ 23-24 tuổi được giám mục của họ miễn phép. Theo Ratio mới, tuổi tối thiểu được nâng lên, với phép miễn từ 23 lên 25 tuổi, với tuổi tối thiểu bình thường, từ 25 đến 27 tuổi.

Một điểm mới của Ratio: phải có lớp dự bị bắt buộc cho tất cả chủng viện trên thế giới, “không dưới một năm và không trên hai năm. Trong thời gian này, các chủng sinh được củng cố về chiều kích thiêng liêng và sẽ được dạy để “biết nhận định ơn gọi,” đưa họ đến một “quyết tâm tự nguyện hơn, để được tin tức đào tạo chức thánh hay chọn lựa một con đường khác”.

Các tâm lý gia làm việc ngay từ đầu

Cần phải được một tâm lý gia làm sáng tỏ. Tài liệu Ratio mới đề nghị, ngay từ giai đoạn này, các nhà đào tạo và các người hướng dẫn thiêng liêng phải dựa trên công việc của các tâm lý gia để ứng viên có thể “nhận diện và chấp nhận các ưu cũng như khuyết điểm riêng của mình, mà các yếu tố này sẽ là mục đích của một việc làm có tính hệ thống, trong suốt các giai đoạn kế tiếp”; như thế là để có một sự “phân tích thực tế hoàn cảnh gia đình và xã hội của chủng sinh”, để họ có được một cái nhìn “phê phán và xây dựng” cho chính cuộc đời họ. Công việc đào tạo sẽ bao gồm cả giáo dục “các thói quen để thao luyện cho có sức khỏe tốt cả về thể lý lẫn tâm lý: thể thao, dinh dưỡng, vệ sinh, xử lý tình cảm và dục tính …”. Các thử thách về mặt tâm lý sẽ rất hữu ích cho các người có trách nhiệm khi họ định lượng “khả năng của ứng viên cho chức thánh, để họ được tiếp tục đào tạo”.

Các ơn gọi người lớn

Trong tài liệu Ratio mới cũng đề cập đến việc càng ngày càng có những người lớn tuổi vào chủng viện. Như ông Santiago Bohigues, thư ký của Hội đồng giám mục cho hàng giáo sĩ và chủng sinh giải thích, càng ngày càng có nhiều chủng sinh lớn tuổi sau khi đã hành nghề trong đời, họ cảm nhận mình có ơn gọi, họ bắt đầu nhận định và nhận ra, họ không thể nào chờ thêm để đáp lời kêu gọi của Chúa. Đây là cả một sự phong phú, nhưng cũng là cả một thách thức, vì đây là những người đã suy nghĩ chín chắn về mặt thiêng liêng, với các thói quen đã ăn sâu, đã biết rõ về mình, họ sẽ khó thích ứng lại nếu thực tế không phù hợp với họ”.

Vì thế, bản tài liệu Ratio không bằng lòng với câu trả lời “Không” một cách dứt khoát cho mọi khuynh hướng muốn “giảm bớt các đòi hỏi” trong việc đào tạo nhân bản, thiêng liêng, tâm lý và tình cảm cho các chủng sinh, chỉ vì họ là người lớn, bởi vì “căn bản là phải bảo đảm việc tháp tùng đầy đủ” các chủng sinh lớn tuổi.

Hiệp nhất một đơn vị với các tu sĩ

Tòa Thánh cũng nghiên cứu cho mỗi Hội đồng giám mục triển khai một Ratio theo quốc gia mình, như đã có ở Tây Ban Nha và hiện nay đang được “xem lại, cập nhật hóa”, Hội đồng giám mục Tây Ban Nha (CEE) đã xác nhận với Alfa y Omega như trên. Tài liệu cũng phải đảm bảo được  tính hiệp nhất các tiêu chuẩn trong từng nước, đáp ứng “tốt nhất có thể cho các chủng viện đông chủng sinh cũng như các chủng viện có ít chủng sinh”, cũng như việc “hiệp thông” với các nhà đào tạo tu sĩ.

Cũng vậy, tài liệu Ratio mới sẽ “toàn cầu hóa” việc đào tạo các chủng sinh – vì thế đòi hỏi sự sáng tạo của các tổ chức quốc tế, cùng phối hợp làm việc theo nhu cầu chung ở các vùng địa dư khác nhau -, nhưng không đánh mất khía cạnh địa phương. Trên thực tế, việc đào tạo này đòi hỏi mỗi chủng viện lên dự án đào tạo riêng của mình, “chú trọng đến tinh thần mục vụ của giáo phận, của truyền thống đào tạo riêng của mình và của các đặc nét văn hóa” của xã hội.

Đào tạo tiếp tục và tình huynh đệ

Bản tài liệu Ratio mới cũng nghiêng về hậu đào tạo tiếp tục sau các năm ở chủng viện, bao gồm phụ bản về tình huynh đệ để tránh việc các linh mục bị cô lập. Ở Rôma cũng đã có những đề nghị như đề nghị của các tổ chức Valencia, Getafe o Toledo, giúp các linh mục vừa chịu chức có thể về sống chung với nhau để dễ dàng có được sự hiệp thông trong tình huynh đệ. Tất cả, đã được chuẩn bị từ chủng viện, để các “linh mục chín chắn” và sẵn sàng phục vụ cho Chúa và cho Giáo hội.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch 

(phanxico.vn)