Trang Tin Mừng nằm trong phần III của Tin Mừng Maccô nói về Mầu Nhiệm Con Người và con đường của Con Người đi là Thập Giá, là chọn lựa và hy sinh.
Chúa Giêsu xuất hiện như một giá trị. Tin Mừng cho thấy người giầu có này truy tìm sự sống đời đời làm gia nghiệp; anh ta mong muốn điều trường tồn tuy dù anh ta giầu sang nhiều của. Anh ta có mong ước tốt lành; điều này đã làm Chúa Giêsu rung động. Ngài nhìn anh đem lòng yêu mến! Ngài nói: anh chỉ thiếu một điều. Đi và bán tất cả những gì anh có mà cho kẻ nghèo, rồi đến theo tôi. Đi theo Chúa Giêsu, là điều khôn ngoan và giá trị hơn cả giầu sang.
Chủ đề chính của trang Tin Mừng Mc 10, 17-27 ta vừa nghe hôm nay nói về của cải. Một sự so sánh giữa Thiên Chúa và của cải, tiền bạc, dẫn đến sự hy sinh : nếu theo Chúa sẽ phải khước từ sự vinh quang, giàu có. Nói đúng hơn, nếu chọn Thiên Chúa làm chủ cuộc đời, thì không thể sống lệ thuộc vào tiền bạc mà đánh mất lương tri vì Chúa Giêsu đã nói : “Không ai vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của” (Mt 6, 24)
Thánh Maccô kể hôm ấy Ðức Giêsu đang đi đường. Người lên Giêrusalem để thụ nạn cứu thế và ban hạnh phúc cho mọi người. Một chàng thanh niên chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và thưa với Người như một bậc “tôn sư”: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời làm cơ nghiệp”. Anh chưa thấy Người khác mọi bậc thầy và khác với mọi sư phụ. Anh tưởng Người cũng giống như bao luật sĩ hoặc nhà truyền đạo đã thay lượt nhau đến dạy đường khôn ngoan cho loài người. Có lẽ anh chỉ coi Người hơn họ một chút xíu thôi.
Ý Chúa Giêsu muốn tỏ lộ thần tính của Ngài cho anh : nếu anh gọi Ta là nhân lành, thì anh đã biết về Thần Tính của Ta rồi đó. Nhưng có lẽ giờ của Ngài chưa đến, nên Ngài không thể nói “ huỵch toẹt” ra cho anh được và Ngài trả lời anh qua luật Môsê về các điều răn : Chớ ….(c. 19). Những điều răn này là những luật cấm qua từ “ Chớ”, nghĩa là chớ làm những điều xấu đó cho người đồng bào. Nếu để ý kỹ, chúng ta thấy đây là những điều răn nói về cách cư xử đối với con người. Anh ta trả lời rằng : Những điều ấy anh đã sống tốt ngay từ thuở nhỏ.
Chàng thanh niên đang đứng trước mặt Chúa Giêsu, là hình ảnh của biệt phái, của những con người tưởng rằng có thể chiếm được Nước Trời bằng cách giữ luật hoặc thi hàn các nguyên tắc khôn ngoan này, khôn ngoan khác. Chúa Giêsu nhìn chàng thanh niên ấy; Người muốn yêu những tâm hồn như vậy; Người muốn cứu độ họ thật sự. Người bảo anh ta: ngươi chỉ thiếu một điều: đi đi! Có gì thì đem bán hết mà chi kẻ khó, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, đoạn hãy đến theo Ta.
Chàng thanh niên là người có thiện chí, nhưng vì chưa ý thức được kho tàng khôn ngoan nơi Chúa Giêsu, nên đã không thể có một lựa chọn đúng. Có lẽ anh kinh ngạc về đề nghị và mời gọi của Chúa Giêsu. Anh không thể tưởng tượng có một thứ hạnh phúc ngoài tiền bạc. Để theo đuổi hạnh phúc đó, Chúa Giêsu đề nghị anh dấn thân cho ngươì nghèo và mạo hiểm theo Người đi rao giảng Tin Mừng. Nhưng “nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi,” (Mc 10, 22) vì trong anh đang nổi lên một cơn thất vọng và cuộc xung đột giữa hai tiêu chuẩn hạnh phúc: hạnh phúc do tiền bạc và bổn phận, hạnh phúc do từ bỏ và dấn thân.
Người đời thường cho rằng: “Lắm tiền, lắm gạo là tiên trên trời”. Nhưng Lời Chúa lại nhắc nhở chúng con: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước thiên đàng”. Và thực tế ta thấy vì ham tiền mà con người đã trở thành những con người tham lam, ích kỷ và hẹp hòi. Vì ham tiền mà con người sống thiếu công bình, bác ái với tha nhân. Vì ham tiền mà con người sẵn sàng bôi nhọ thanh danh từ những đồng tiền bất chính. Con người đã đánh mất niềm vui của sự tự do khi chúng con đặt đồng tiền làm mục đích đời sống. Con người cũng đánh mất hạnh phúc Nước Trời khi con người quá quyến luyến với của cải trần gian.
Lời Chúa Giêsu nói với chàng thanh niên có giá trị tổng quát và triệt để. Ta phải ghi nhớ tính cách tuyệt đối này. Người ta không được cậy dựa gì ngoài Chúa. Của cải chỉ là một diện phải từ bỏ, tuy là diện khá quan trọng.
Thật vậy, giữa thế giới thực dụng ngày nay, con người đang mãi mê chạy theo danh vọng, tiền bạc mà đánh mất cả lương tri. Tệ hại thay, những người Kitô hữu cũng bị cuốn theo dòng chảy đó, đến độ người ta đã nói : Tin đạo, chứ không tin người có đạo. Nhiều lần nhiều lúc ta vô tình đã làm méo mó gương mặt của Chúa, khiến những anh chị em của ta không muốn theo Chúa nữa.
Và rồi, ta lại xin Chúa cho ta ơn hoán cải trở về với Chúa mỗi ngày trong từng công việc, hành vi của ta khi đối xử với anh chị em đồng loại. Xin cho ta biết nói tiếng “không” trước những cám dỗ của tiền tài, danh vọng, khi chúng lôi kéo ta xa Chúa, phủ nhận sự hiện hữu của Chúa trong cuộc sống, khi chúng đẩy ta có những hành vi mất hết lương tâm, không tình bác ái cảm thông với những anh chị em, nhất là những con người cùng khổ cả về tinh thần lẫn thể xác.
Huệ Minh