“Con Người đến là để phục vụ và hiến mạng”
(Mc 10, 32-45)
32 Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình:33 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại.34 Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.”
35 Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.”36 Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? “37 Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”38 Đức Giê-su bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? “39 Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giê-su bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”
41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an.42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;44ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
***
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay có thể phân ba đoạn, có tương quan đối xứng như sau :
(A) Mầu nhiệm Vượt Qua (c. 32-34)
(B) Tham vọng làm lớn (c. 35-40)
(A’) Ý nghĩa mầu nhiệm Vượt Qua : trao ban sự sống, diễn tả tình yêu đến cùng, làm nên căn tính thần linh (c. 41-45)
Vấn đề trung tâm của bài Tin Mừng là “tham vọng làm lớn” (B), như chính Đức Giê-su làm rõ năng động thầm kín này, đang hoành hành nơi các môn đệ (c. 42-43); tham vọng này không chỉ có nơi hai môn đệ Gia-cô-bê và Gioan, nhưng cả mười môn đệ còn lại, vì các ông “tức tối” với hai môn đệ này; và tham vọng này không chỉ lộ ra một lần, nhưng nhiều lần (x. Mc 9, 30-37).
Được đặt ở giữa lời của Đức Giê-su nói về mầu nhiệm Vượt Qua và ý nghĩa của mầu nhiệm này (A và A’), tham vọng làm lớn vừa cho thấy sự tương phản tuyệt đối với mầu nhiệm Vượt Qua, và mời gọi chúng ta nhận ra rằng, tham vọng này chỉ có thể được vượt qua bằng mầu nhiệm Vượt Qua mà thôi; nghĩa là bằng hành trình hiểu biết, yêu mến và đi theo Đức Ki-tô trên con đường của Ngài.
- Mầu nhiệm Vượt Qua (c. 17-19)
Để hiểu hết mức độ nghiêm trọng của câu chuyện, chúng ta cần khởi đi từ lời của Đức Giê-su nói riêng với các môn đệ về những gì sắp xẩy ra cho mình. Đó là lần thứ ba và cũng là lần cuối Đức Giêsu nói về cuộc thương khó và phục sinh của Người ; và lần này, Ngài nói rất chi tiết về cuộc thương khó : « Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người ». Như thế, chính Ngài cũng nhận ra từ từ con đường mình phải đi và điều gì sẽ xẩy ra trên đường.
Qua lời loan báo này, chúng ta thấy rất rõ rằng, cuộc thương khó (passion) của Đức Giê-su là hành động (action) của con người : các thượng tế và kinh sư lên án xử tử Đức Giê-su ; họ nộp Ngài cho dân ngoại, dân ngoại nhạo báng, khạc nhổ, đánh đòn và giết chết Người. Nhưng rốt cuộc, cũng không phải hoàn toàn là hành động của con người, bởi vì chính Xa-tan hành động nơi những con người cụ thể (x. Ga 13, 27 và Lc 23, 34). Nhưng tại sao Thiên Chúa, nơi Đức Giê-su, có sự chọn lựa điên rồ, là để mình chịu sỉ nhục đến như thế ? Là sỉ nhục và điên rồ đối với con người và cả các môn đệ nữa, vì các ông lúc nào cũng sợ hãi và kinh hoàng khi nghe nói về thương khó (x. Mc 8, 32 ; 9, 32 và 10, 32), nhưng đối với Thiên Chúa, đó lại là sức mạnh và khôn ngoan. Bởi vì, nơi Đức Giê-su, khi Thiên Chúa để cho Sự Dữ, hành động nơi những con người cụ thể, phô bày thân thể của Người trên thập giá ngất cao, thì chính Người phô bày bộ mặt thật của Sự Dữ.
- Phô bày, để mọi người nhận ra ở khắp nơi, ngang qua thân thể nát tân của Người, Sự Dữ và tội lỗi dẫn đến sự chết ; và Người không chỉ phô bày nhưng còn chiến thắng, không phải bằng sức mạnh, nhưng bằng sự hiền lành.
- Phô bày, nhưng Người không lên án, nhưng tha thứ và chữa lành loài người chúng ta. Bởi vì, Thiên Chúa không thể tha thứ cho chúng ta, mà không giải thoát khỏi Sự Dữ. Và để giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ, Người phô bày bộ mặt thật của Sự Dữ cho chúng ta nhìn thấy. Một bộ mặt hoàn toàn không phù hợp với lòng ước ao và căn tính đích thật của chúng ta, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa.
- Và đồng thời nơi Thập Giá, Người bày tỏ (cũng là một cách phô bày) khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, Người là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi. Thập Giá là hệ quả tất yếu của cách thức Đức Giê-su sống căn tính thần linh của mình ở giữa loài người chúng ta.
Tất cả là để, như chính Đức Giê-su mặc khải : « phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người ».
- Tham vọng làm lớn
Hai anh em Gia-cô-bê và Gioan đến xin với Đức Giê-su : « Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang ». Như thế, dường như đối với hai môn đệ, việc đi theo Đức Giêsu là một con đường, một cách thức để có được vinh quang, ngang qua việc ngồi bên cạnh Đức Ki-tô vinh quang. Khi đó, người ta sẽ có quyền bính ! Và khi có quyền bính, thì sẽ có tất cả.
Một đàng Đức Giê-su đang hướng tới con đường Thập Giá để trở nên nhỏ bé, để tự xóa mình đi, để dâng hiến và phục vụ ; đàng khác, nơi các môn đệ, lại tồn tại một tham vọng làm lớn, và điều này tất yếu kéo theo sự ganh tị, tranh chấp và loại trừ. Có lẽ chúng ta không có « tham vọng làm lớn » như thế, nhưng chắc chắn, chúng ta có những vấn đề khác đi ngược với con đường Thập Giá của Đức Ki-tô. Chúng ta được mời gọi ở lại với Đức Ki-tô và có tương quan thiết thân với Ngài, ngang qua việc không ngừng chiêm ngắm Ngài trong các Tin Mừng, để hiểu sâu xa, thấm nhuần và yêu mến con đường Thập Giá của Ngài.
Đức Giêsu không quan tâm đến điều họ xin, thậm chí Ngài cũng không có quyền, hay ít nhất, quyền bính không thuộc về lẽ sống của Ngài. Ngài chỉ quan tâm đến chén Ngài sắp uống. Chắc chắn, hai môn đệ chưa hình dung ra hết được chén Đức Giê-su sắp uống là chén nào, nên trả lời nhanh nhẹn : « Thưa uống được ». Đúng là Ngài sẽ có quyền bính, sau khi đi đến cùng con đường Thập Giá và được Thiên Chúa Cha tôn vinh. Nhưng cách thi hành quyền bính của Ngài không phải là cách thức của con người : « thủ lãnh thế gian thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền cai quản dân ». Bởi vì quyền bính của Đức Giêsu là quyền bính của ánh sáng, của sự thật và của sự sống ; và ánh sáng, sự thật và sự sống được diễn tả tốt nhất bởi sự hiền lành, tương quan phục vụ, bởi hy sinh, bởi dâng hiến và trao ban tất cả.
- Ý nghĩa mầu nhiệm Vượt Qua : hiến mạng sống
Khi nghe hai môn đệ kia xin với Đức Giê-su như vậy, mười môn đệ khác tỏ ra tức tối ; điều này có nghĩa là, các ông có cùng một tham vọng. Trong bài Tin Mừng này, chỉ trong vài chữ, Lời Chúa cho chúng ta nhận ra lòng ham muốn quyền bính, tham vọng làm lớn tác hại như thế nào trong tương quan với Chúa và với nhau.
Nhưng Đức Giêsu thật kiên nhẫn khi đối diện vấn đề rất nghiêm trọng này nơi các môn đệ : « Đức Giêsu gọi các ông lại và nói ». Ngài nêu ra một cách thức thi hành quyền bính giữa các môn đệ hoàn toàn ngược hẳn với cách thức bình thường : « ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người ». Và Đức Giêsu không nêu ra một nguyên tắc xuông, nhưng Ngài luôn luôn nói điều Ngài sống : « Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. »
* * *
Như thế, Đức Giê-su không đến để sống cái gì quá siêu nhân hay ngoại nhân, Ngài đến sống và sống đến cùng con đường của « hạt lúa mì », vốn nói lên « qui luật muôn đời của sự sống », để qua đó, Ngài thông truyền cho chúng ta niềm xác tín, con đường Vượt Qua là con đường của sự sống, của niềm vui, của hạnh phúc trong sự hiệp thông trọn vẹn và mãi mãi với Chúa và với nhau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc