Vài nét về kinh Cầu Các Thánh

Trong Hội Thánh, có tới khoảng 190 Kinh Cầu khác nhau. Tuy vậy, chỉ có 5 Kinh Cầu được sử dụng phổ biến hơn cả. Đó là: Kinh Cầu Loreta (còn gọi là Kinh Cầu Đức Bà); Kinh Cầu Thánh Danh; Kinh Cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu; Kinh Cầu Ông Thánh Giuse; Kinh Cầu Các Thánh. Trong số này, Kinh Cầu Các Thánh được xem là lời kinh cổ xưa nhất, long trọng nhất và là kiểu mẫu cho các kinh cầu khác.

Gọi là “Kinh Cầu Các Thánh” bởi vì kinh nguyện này gồm những lời khẩn cầu một số các thánh cũng như Đức Mẹ Maria – Nữ vương các thánh. Thật ra, chúng ta không cầu xin các thánh. Chúng ta chỉ xin các thánh chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa. Điều này diễn tả lòng tin cậy của Giáo hội vào sự chuyển cầu của các thánh. Đây là sự hiệp thông vốn kết hợp Giáo hội của Giêrusalem trên trời với Giáo hội lữ hành dưới thế.1

I. LỊCH SỬ

Chúng ta không rõ Kinh Cầu Các Thánh được ai soạn ra và soạn ra khi nào. Chỉ biết rằng, bên Đông phương, Kinh Cầu Các Thánh đã được hát lên ngay từ thế kỷ III (năm 270). Bên Tây phương, năm 590, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (540-604) yêu cầu hát kinh này trong cuộc rước công khai để xin  Thiên Chúa chấm dứt cơn dịch tàn phá Rôma. Ngài cũng quy định hát Kinh Cầu Các Thánh vào ngày 25 tháng Tư trong nghi thức Cầu mùa. Quãng đầu thế kỷ VII, bản văn Kinh Cầu Các Thánh rất ngắn: chỉ vỏn vẹn kêu cầu Đức Kitô, Đức Trinh nữ Maria, 4 Thánh tông đồ (Phêrô, Phaolô, Anrê, Giacôbê) và 2 Thánh tử đạo (Stêphanô và Lôrensô).

Kinh cầu các thánh được cất lên trong thánh lễ truyền chức

Thời gian trước Công đồng Vatican II,  theo sách Nghi thức Rôma và Sách lễ Rôma, Kinh Cầu Các Thánh được sử dụng khi đi rước và trong một số nghi lễ.2

Hiện nay, như được quy định trong Lịch Phụng vụ Rôma (21-03-1969), Bộ Phụng tự duy trì hai phiên bản Kinh Cầu Các Thánh để sử dụng cho những trường hợp khác nhau:

1) Phiên bản dài: sử dụng trong trường hợp cầu khẩn trọng thể và đi rước như hát trong dịp Cầu mùa; cuộc rước kiệu trong mùa Chay; hay khi di chuyển thi thể người quá cố từ nhà tư đến thánh đường.

2) Phiên bản ngắn: sử dụng trong các trường hợp làm phép trọng thể và thánh hiến diễn ra trong thánh lễ: nghi thức làm phép nước Thánh Tẩy trong đêm Vọng Phục Sinh; nghi thức phong chức giám mục, linh mục và phó tế;3 nghi thức chúc phong viện phụ hay viện mẫu;4 nghi thức khấn dòng, thánh hiến trinh nữ;5

Ngoài ra, chúng ta còn có phiên bản cực ngắn, nghĩa là bản văn được bỏ đi nhiều phần cho thật đơn giản nhằm mục đích sử dụng khi: cử hành Bí tích Thánh Tẩy cho trẻ em;6 phó linh hồn cho người mới qua đời;7

Kinh Cầu Các Thánh còn được hát đang khi đoàn rước các ĐHY tiến vào nhà nguyện Sistine tham dự mật nghị Hồng y bầu Đức Giáo Hoàng; trong nghi lễ phong thánh; khi nhập lễ mừng kính Các Thánh Nam Nữ (01 tháng 11). Vào ngày 20 tháng Hai năm 1988, Bộ Phụng tự Thánh đề nghị sử dụng Kinh Cầu Các Thánh khi bắt đầu thánh lễ Chúa nhật thứ I mùa Chay nhằm tạo thêm một dấu khác biệt cho mùa này.8

II. CẤU TRÚC

Cấu trúc của Kinh Cầu Các Thánh như sau (theo bản Kinh Cầu Các Thánh mới):

1) Khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi (cộng đoàn đáp: Xin Chúa thương xót chúng con)

2) Khẩn cầu các Thánh (cộng đoàn đáp: Xin cầu cho chúng con)

3) Kêu cầu Đức Kitô. Phần này chia thành hai nhóm: i] Nhóm I: cầu xin được giải thoát khỏi những điều tiêu cực như: sự dữ; tội lỗi; án chết đời đời (cộng đoàn đáp: “Xin Chúa cứu chữa chúng con”), ii] Nhóm II: nài xin được giải thoát nhờ những biến cố trong cuộc đời cứu độ của Chúa Giêsu: giáng sinh, chịu chết và sống lại; đổ ơn Chúa Thánh Thần xuống (cộng đoàn đáp: “Xin Chúa cứu chữa chúng con” hoặc là “Xin Chúa giải thoát chúng con”)

4) Những lời chuyển cầu cho những nhu cầu khác nhau (cộng đoàn đáp: “Xin Chúa nghe lời chúng con” hoặc “Xin Chúa nghe cho chúng con”)

5) Những lời nguyện kết thúc.

III. THÊM BỚT – THAY ĐỔI TRONG KINH CẦU CÁC THÁNH?

1. Lý do và nguyên tắc

Không những chúng ta được phép thêm bớt số các thánh mà còn là việc hết sức nên làm bởi những lý do sau: i] Thứ nhất, các tài liệu phụng vụ của Giáo hội đều nhắc nhở và đề nghị thêm bớt danh sách các thánh vào chỗ thích hợp cũng như cho phép thêm một vài lời thỉnh nguyện nữa thích hợp hơn với từng hoàn cảnh;9 ii] Thứ hai, Sổ bộ các thánh hiện nay (năm 2005) gồm đến 7000 vị thánh và chân phước.10

Với số lượng đông đảo các thánh và chân phước ở khắp hoàn vũ như vậy, cho nên trong những hoàn cảnh riêng biệt khi cử hành, chúng ta nên uyển chuyển thêm bớt danh sách các thánh cho phù hợp với thực tế.

Điều quan trọng khi thêm bớt con số các thánh, chúng ta phải tuân thủ một số nguyên tắc:

1) Thứ nhất, chỉ thêm các thánh và chân phước được liệt kê trong Sổ bộ các thánh của Giáo hội;11

2) Thứ hai, tên của vị thánh được thêm vào phải nằm đúng hàng ngũ của ngài. Hàng ngũ các thánh được chia làm 7 nhóm và được xếp theo thứ tự sau: i] Đức Mẹ và thánh thiên thần; ii] Các thánh tổ phụ cùng các thánh tiên tri; iii] Các thánh tông đồ cùng các thánh môn đệ Đức Giêsu; iv] Các thánh tử đạo; v] Các thánh giám mục cùng các thánh tiến sĩ; vi] Các thánh linh mục và tu sĩ; vii] Các thánh giáo dân. Như vậy, chiếu theo nguyên tắc này, đúng ra các Thánh Tử đạo Việt Nam phải được xếp vào hàng ngũ các thánh tử đạo hơn là ở cuối sổ.12

3) Thứ ba, ngay trong một hàng ngũ, cần tuân thủ tập tục này: i] thánh nam được xếp trước thánh nữ; ii] thánh nào được Chúa gọi về trước thì xếp trước. Ví dụ, Thánh Faustina (qua đời năm 1938) phải được xếp sau Thánh Rosa Lima (ly trần năm 1617); Thánh Bernadette Soubirous (qua đời năm 1879) phải được xếp sau Thánh Rosa Lima (qua đời năm 1617) nhưng trước Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu (ly trần năm 1897). Tuy nhiên, đôi khi tập tục này cũng có thay đổi. Chẳng hạn, trong hàng ngũ các thánh linh mục và tu sĩ, mặc dầu Thánh Ignatiô ( – 1556) chết sau Thánh Phanxicô Xaviê (-1552) tới 4 năm, nhưng vẫn được xếp trước vì tôn trọng ngài là vị sáng lập Dòng Tên trong khi vị thánh quan thầy truyền giáo chỉ là thành viên của hội dòng này.

4) Thứ bốn, tên của vị thánh được thêm vào không quá xa lạ đối với cộng đoàn cử hành.

2. Áp dụng cụ thể 13

a) Con số các thánh

– Trong thánh lễ an táng Đức Giáo Hoàng, thêm vào Kinh Cầu Các Thánh các thánh giáo hoàng và các thánh của giáo phận Roma.

– Trong nghi thức tấn phong giám mục, nêu danh tánh tất cả các thánh tông đồ theo thứ tự: Phêrô, Phaolô, Anrê, Giacôbê, Tôma, Giacôbê, Philipphê, Bartôlômêô, Simon, Tađêô, Matthia.

Trong lễ phong chức linh mục, không thêm vị nào khác;

Trong lễ phong chức phó tế, thêm hai Thánh Vincentê [-304] (sau Thánh Lorensô [-258]) và Thánh Ephrem [-373] (trước Thánh Basiliô [-379]).

Trong lễ thánh hiến trinh nữ, thêm các Thánh trinh nữ Macrina (-340), Scholastica (-543), Clara (-1253), Rosa Lima (-1617), Louise Marillac (-1660), Margaret Maria Alacoque (-1690), Têrêsa Hài đồng Giêsu (-1897), Maria Goretti (-1902), Genoveva (-1956).

Trong lễ khấn trọn đời của các tu sĩ: Bỏ tên các Thánh Inhaxiô Antiôkia, Grêgôriô, Atanasiô, Martinô, Phanxicô Xaviê, Gioan Maria Vianney. Ngoài việc có thể thêm tên các thánh riêng của dòng thì đối với dòng nam, thêm các Thánh  Bênađô (-1153), Ignaxiô Loyola (-1556), Vinh Sơn Phaolô (-1660), Gioan Boscô (-1888) và đối với dòng nữ, thêm các Thánh nữ Macrina (-340), Clara (-1253), Catarina Siena (-1380), Rosa Lima (-1617), Gioanna Francisca de Chantal (-1641), Louise Marillac (-1660).

Trong nghi lễ chúc phong viện phụ: bỏ tên Thánh Catarina Siena nhưng thêm các Thánh: Columbanô (-615), Bêđa (-735), Rômualđô (-1027), Brunô (-1101), Bênađô (-1153), hai Thánh nữ Scolastica (-543) và Clara (-1253).

b) Các lời khẩn nguyện cho các nhu cầu trong các dịp truyền chức, khấn dòng được thích nghi theo hoàn cảnh:

Trong lễ truyền chức, thêm ba lời khấn nguyện, mỗi lần tăng thêm một động từ: i] Xin Chúa đoái thương chúc lành cho vị thụ phong này; ii] Xin Chúa đoái thương chúc lành và thánh hóa vị thụ phong này; iii] Xin Chúa đoái thương chúc lành, thánh hóa và thánh hiến vị thụ phong này.

c) Nếu sử dụng Kinh Cầu Các Thánh trong nghi thức an táng một tín hữu đã qua đời, chúng ta có thể thay câu đáp “Xin cầu cho chúng con” bằng câu “Xin cầu cho tín hữu này”.

d) Nếu sử dụng Kinh Cầu Các Thánh khi đi viếng đất thánh vào ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (2/11), chúng ta có thể thay câu đáp “Xin cầu cho chúng con” bằng câu “Xin cầu cho các tín hữu này”.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, Dòng Thánh Thể

_________________________________________________

1 Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam – Ủy ban Văn hóa, Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ, số 235.

2 Cầu mùa; thời kỳ khó khăn; các dịp thống hối; các cuộc rước di tích các thánh; trừ quỷ long trọng; tôn thờ Thánh Thể 40 giờ; cung hiến thánh đường và bàn thờ; tấn phong giám mục; chúc phong viện phụ và viện mẫu; thánh hiến trinh nữ ; thánh lễ thứ Bảy Tuần Thánh và thánh lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện xuống…

3 Nghi thức Phong chức, số 78. 127. 203. 231. 273; Lễ nghi Giám mục, số 507. 529. 580.

4 Nghi thức Chúc phong Viện phụ, số 21; Nghi thức Chúc phong Viện mẫu, số 16.

5 Nghi thức Khấn dòng cho nam tu, số 62; Nghi thức Khấn dòng cho nữ tu, số 67; Lễ nghi Giám mục, số 730. 746. 758. 779.

6 Nghi thức Rửa tội cho Trẻ em, số 48. 85.

7 Nghi thức Xức dầu và Chăm sóc Mục vụ cho Bệnh nhận, số 145.

8 Circular Letter Concerning the Preparation and Celebration of the Easter Feasts, số 23.

9 Xc. Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ, số 235; Nghi thức Phong chức, số 78. 127. 203. 231. 273; Lễ nghi Giám mục, số 507. 529. 580; Nghi thức Chúc phong Viện phụ, số 21; Nghi thức Chúc phong Viện mẫu, số 16; Nghi thức Khấn dòng cho nam tu, số 62; Nghi thức Khấn dòng cho nữ tu, số 67.

10 Adoremus Bulletin (Online Edition) February 2005, Vol. X, No. 10.

11 Xc. Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ, số 235.

12 Xc. Phan Tấn Thành, Nghi thức Phong chức Linh mục và Phó tế: Diễn giải (Học viện Đaminh, 2014), tr. 112.

13 Sđd, tr. 113-114.

Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc