Phỏng vấn Cha Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ – tân viện trưởng Viện Thần Học Giáo hoàng

Zenit phỏng vấn Cha Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ – tân viện trưởng Viện Thần Học Giáo hoàng Thánh Bonaventure – Seraphicum

Ở Roma đang xảy ra những điều phi thường. Chúng ta không chỉ có vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh, lấy tông hiệu là Phanxicô, đây còn là lần đầu tiên trong lịch sử có một phụ nữ được bổ nhiệm làm Viện trưởng Đại học Giáo hoàng Antonianum, đó là nữ giáo sư Mary Melone thuộc Dòng nữ Phanxicô Angeline. Sau đó, còn có Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ, người Việt đầu tiên được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Thần Học Giáo Hoàng Thánh Bonaventure – còn được gọi là Viện Seraphicum.

Phải chăng đây là dấu chỉ của thời đại? Hay là dưới triều đại Giáo hoàng Phanxicô, Giáo Hội hoàn vũ đang đón nhận nhiều vị đại diện hơn? ZENIT có cuộc phỏng vấn với Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ về suy nghĩ của ngài cho vấn đề này. Vị tân viện trưởng năm nay 46 tuổi, là một giáo sư thần học Kinh Thánh tại Viện Seraphicum. Ngài cũng đã giảng dạy tại Đại học Thần học Công Giáo – University of Divinity tại Melbourne (Úc), Đại học Giáo Hoàng Gregorian (kể từ năm 2008), và Đại học Giáo Hoàng Urbaniana (kể từ năm nay). Trong số những danh hiệu đã nhận được, vào năm 2014, ngài còn được vinh danh với “Giải thưởng Quốc tế Martini” trong lĩnh vực “Kinh Thánh và Văn hóa” cho công trình nghiên cứu với tựa đề: “Kinh Thánh và Văn hóa Á Châu: Đọc Lời Chúa trong nền Văn hóa và bối cảnh Việt Nam”.

Kính thưa Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ, xin cha giới thiệu một chút về bản thân. Tại sao một kỹ sư điện tử rất tài năng lại quyết định trở thành một tu sĩ dòng Phanxicô?

Cha Nhuệ: Vâng, có lẽ hơi phóng đại một chút khi nói tôi là “rất tài năng”. Nói về sự lựa chọn để trở thành một tu sĩ dòng Phanxicô, Thiên Chúa đã dẫn dắt tôi trong những thăng trầm khác nhau của cuộc đời. Vắn tắt rằng, từ thời niên thiếu, tôi đã muốn dành cuộc đời tôi với Chúa, còn mơ ước trở thành một linh mục thì đến sau khi tôi thấy mẫu gương của một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, cha này đã chăm sóc cho các thanh thiếu niên và bọn trẻ chúng tôi trong giáo xứ. Tuy nhiên, lúc đó không phải là cơ hội để tôi theo đuổi ước mơ của mình vì những khó khăn khác nhau. Cha mẹ tôi thì khuyên tôi nên tiếp tục lo học hành và tiến càng xa càng tốt trong trình độ học vấn. Họ nói rằng: “Rồi con sẽ thấy: những gì con học bây giờ sẽ có ích nếu sau này con trở thành một linh mục”. Chúa lại dẫn dắt tôi trong hành trình học tập. Sau cấp trung học, tôi đã vượt qua được kỳ thi tuyển vào đại học và tôi có cơ hội đi du học ở Nga. Khi ở đại học, Chúa giới thiệu tôi đến với các tu sĩ dòng Phanxicô và khiến tôi nhớ lại “giấc mơ” thời niên thiếu, nguồn cảm hứng trước mẫu gương về tình huynh đệ và tinh thần truyền giáo của các tu sĩ đã khiến tôi đã nộp đơn để bắt đầu cuộc hành trình tu học linh mục cho Dòng Anh em Hèn Mọn Viện tu.

Hành trình của cha là một sự thống nhất: từ Việt Nam sang Nga, rồi sang Ba Lan và sau đó là qua Ý. Tại sao lại có cuộc hành hương như vậy?

Cha Nhuệ: Trong tất cả đều có bàn tay uy quyền của Chúa. Ngay bây giờ tôi có thể nói như vậy. Thực tế là tôi không bao giờ nghĩ đến một con đường như vậy. Từ nước Nga, các tu sĩ đã gửi tôi sang Ba Lan để bắt đầu dự tu: tìm hiểu, vào tập viện và ba năm ở chủng viện. Sau đó, tôi được chuyển đến Rôma để hoàn thành việc nghiên cứu thần học. Cho nên, sau bằng Cử nhân (Bachelor), tôi nhận được bằng Dự bị tiến sĩ (Licentiate) và Tiến sĩ Thần học (Doctorate in Sacred Theology). Sau đó, tôi giảng dạy tại Viện này. Và bây giờ tôi ở đây.

Cha đến từ Việt Nam, một đất nước xinh đẹp, nhưng là nơi mà người Công Giáo phải đối mặt với sự thù ghét trong nhiều thập kỷ qua. Cha sinh ra là người Công Giáo hay là cha đã đón nhận đức tin Kitô giáo trong trong cuộc đời mình?

Cha Nhuệ: Tôi sinh ra trong một gia đình Công Giáo, là những Kitô hữu ít nhất ba thế hệ rồi. Tôi được rửa tội khi tôi tròn một tháng và ba ngày tuổi. Và tôi giữ trong mình căn tính Kitô giáo khi còn sống ở Việt Nam, nó được làm phong phú thêm bằng mối liên kết cá nhân tôi với đức tin Kitô giáo khi ở Ba Lan và ở những nơi khác nhau của nước Ý. Tôi luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những trải nghiệm đức tin này. Như lời của Thánh Phaolô, tôi tạ ơn Thiên Chúa, và lòng thương xót của Ngài đã làm cho tôi có được như ngày hôm nay.

Cha là người Việt đầu tiên lãnh đạo một Viện Giáo Hoàng ở Rôma. Đó là một điều vô cùng lạ thường. Cha cảm nghiệm như thế nào?

Cha Nhuệ: Có lẽ bạn sẽ nhận thấy rằng sự lựa chọn này là do bề trên của chúng tôi muốn có sự tiếp nối, bởi vì trước đó tôi đã giữ chức phó viện trưởng rồi. Nhưng thực ra, điều đó có lẽ là một phép lạ cho phần còn lại của cuộc đời chúng ta.

Đây có phải là một dấu chỉ của thời đại? một thực tế mới cho các Kitô hữu Á Châu đã đến Rôma hay không? Phải chăng là do phẩm chất cao đẹp và sự tốt lành của các linh mục Á Châu thế hệ mới?

Cha Nhuệ: Tôi không biết chắc đó có phải là một dấu chỉ của thời đại hay không. Điều mà tôi thấy rõ ràng và tôi muốn nhấn mạnh là: trong mọi thời đại, ở mọi nơi và ở mọi quốc gia, Thiên Chúa luôn kêu gọi và đào tạo những người nam, người nữ cho công cuộc phục vụ của Ngài, ban cho họ những ơn cần thiết để họ thực hiện sứ vụ được giao.

Các Kitô hữu ở Việt Nam hiện nay ra sao? Dòng Phanxicô ở Á Châu như thế nào? Và vị viện trưởng Viện Seraphicum có thể đóng góp, mang lại điều gì cho Việt Nam, Á Châu và Giáo Hội hoàn vũ?

Cha Nhuệ: Hiện tình các Kitô hữu ở Việt Nam đang khả quan hơn, mặc dù vẫn còn nhiều điều cần được cải thiện. Các tu sĩ dòng Phanxicô cũng đang làm khá tốt. Cảm tạ Chúa vì vẫn còn có ơn gọi; và cho nên, khi nói tổng thể về Giáo Hội tại Việt Nam thì chúng tôi là một thực tại năng động trong xã hội. 

Đối với những đóng góp có thể có của Viện Seraphicum – là một Viện Thần Học Giáo Hoàng, chúng tôi có thể làm nhiều việc trong các lĩnh vực đào tạo tu sĩ và tân Phúc Âm hóa, bắt đầu từ hai chuyên ngành của chúng tôi là: Kitô học (Christology) và Học thuyết thánh Phanxicô (Franciscanism) đương đại. Đặc biệt, việc rao giảng chuyên sâu về Chúa Kitô thực sự là cần thiết ở Á Châu, vì đây là nơi có nhiều truyền thống đức tin xa lạ với Kitô giáo, vẫn còn tồn tại rất nhiều dị biệt và hiểu lầm về hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô – là Con Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới. 

Một thách đố đặc biệt là làm sao để chúng tôi có thể cập nhật, tiếp nhận và giao thoa văn hóa trong việc loan báo về Chúa Kitô và sứ điệp Kitô giáo trong bối cảnh mới. Đó thực sự là mục đích của Viện Seraphicum; chúng tôi đã thành lập FIATS – Franciscan Theological Institute for Asian Studies – nghĩa là Phân Viện Thần Học Phanxicô Nghiên cứu Á Châu. Tôi nghĩ rằng tất cả điều này có liên quan không chỉ cho Á Châu mà còn trên toàn thế giới, bởi vì ngày nay chúng ta đang sống trong một ngôi làng mang tính toàn cầu.

Có thể hình dung rằng sẽ có nhiều người Á Châu được vào Viện Seraphicum phải không?

Cha Nhuệ: Vâng, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc học tập tại Rôma không phải là dễ dàng cho một tu sĩ đến từ Á Châu, nói chi đến một giáo dân, mặc dù rất nhiều người muốn được học. Và yếu tố tài chính cũng là điều quan trọng: học ở Rôma rất là tốn kém. Do đó, Viện của chúng tôi đang tìm kiếm nguồn ngân sách và các nhà tài trợ để giúp đỡ những người trẻ tuổi Á Châu, và người ngoài Âu Châu nói chung, tức là những ai muốn theo đuổi việc học tập ở đây nhưng không có điều kiện, để họ được đào sâu kiến thức về thần học Kitô và các giá trị Phanxicô, rồi mang về cho đất nước cội nguồn của mình.

Ước mơ của cha là gì?

Cha Nhuệ: Chúng tôi muốn mang đến mọi người một sự hiểu biết về thần học Kitô và và học thuyết Phanxicô, cho Giáo Hội và cho toàn thế giới. Vài tháng gần đây sau khi được bổ nhiệm, tôi đã thảo luận với nhiều vị giáo sư trong Viện của chúng tôi và tôi đã cảm nhận một lòng nhiệt thành lan tỏa ở đây, tại Viện Seraphicum này, không chỉ đào tạo nên các nhà trí thức, mà còn đào tạo nên một tập hợp các linh mục, các nhà thần học và chuyên gia về thần học Kitô trong tương lai: một tập hợp được kiến tạo trên tảng đá là Chúa Kitô. Qua việc mang thần học đến với cộng đồng bằng một phong cách mới, chúng tôi cố gắng cổ võ việc nghiên cứu thần học Kitô và học thuyết Phanxicô một cách nhiệt thành và mạnh dạn hơn, đó là hai chuyên ngành mà Giáo Hội giao phó cho chúng tôi.

Nhưng, ngoài sự phát triển đặc biệt về sư phạm, tôi còn mơ ước về một học viện mà ở đó, mỗi thành viên – bất kể là một giáo sư hoặc sinh viên – sẽ không còn lệ thuộc vào công việc của mình, mà sẽ ký thác chính mình vào Chúa Kitô, sống theo Chúa Kitô, để truyền lại cho những người khác không phải chỉ là một lý thuyết trừu tượng, nhưng là một Chúa Kitô sống động, với tình yêu và lòng nhiệt thành như Thánh Phanxicô đã dành cho Chúa Kitô.

Đối diện với thế giới đương đại, hơn bao giờ hết, chúng ta có thể và phải thốt lên tiếng khóc một lần nữa với Thánh Phanxicô: hãy yêu mến người hơn được người mến yêu. Vâng, tình yêu của Thiên Chúa nhập thể, là Chúa Giêsu Kitô, vẫn còn ít được biết đến và vì vậy ít được yêu mến. Như một vị giám mục Dòng Phanxicô đã nói: loan báo Chúa Kitô, làm cho ngài được mọi người biết đến và yêu mến bằng mọi hoạt động trong cuộc đời, trong đó có việc học tập, đây là ơn gọi của Dòng Phanxicô ở mọi thời đại. Đó cũng là ơn gọi của Viện chúng tôi, ơn gọi của mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Và cùng với Thánh Gioan Phaolô II và toàn thể Giáo Hội, chúng tôi muốn nói vang lên trước thế giới một lần nữa rằng: “Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”.

Phải chăng Cha có tầm nhìn về dự án này từ việc quan sát thấy cuộc cách mạng lớn mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thực hiện trong Giáo Hội Rôma?

Cha Nhuệ: Chúng tôi đang có sự đồng điệu với Đức Giáo Hoàng và đang tìm hiểu tư tưởng của ngài để hoạt động mọi thứ. Ở đây chúng tôi đề cập đến ba điểm cơ bản. Trước hết là sự lưu tâm đặc biệt đối với người nghèo và người bị thiệt thòi, mà Giáo Hội đã đưa ra sự trợ giúp vật chất cần thiết, với bánh sự sống là Đức Kitô. Thứ hai là Đức Giáo Hoàng luôn nhấn mạnh rằng trong nhãn quan của đức tin và suy tư thần học có vai trò tích cực của các vùng ngoại vi hay vùng ngoại ô. Vâng, chúng tôi hiện đang ở ngay trong những vùng ngoại vi của thành Rôma, kể từ khi chúng tôi di chuyển ra khỏi quận EUR để đến gần Tu viện vùng Three Fountains. Ngoài ra, cơ sở của Viện chúng tôi có thể nói là “ngoại biên” hay “bên lề” so với trung tâm học thuật của thành Rôma. Nhưng tất cả điều này là lợi thế của chúng tôi: được thoát li khỏi vùng trung tâm! Do đó, một mặt thì chúng tôi kết hiệp chặt chẽ với khu trung tâm, nhưng mặt khác, nhờ vào vị trí và phạm vi “ngoại vi” này, chúng tôi có tinh thần thư thái hơn và tập trung hơn vào các chủ đề cơ bản của đức tin Kitô giáo cũng như của xã hội chúng ta. Cuối cùng là tầm quan trọng của giáo dục toàn diện, hình thành nên ơn gọi tu trì và Kitô hữu. Chúng tôi không kiến tạo nơi này thành một câu lạc bộ tự ảo tưởng, những nhà trí thức tự mày mò, nhưng chúng tôi cố gắng suy tư và cùng khám phá viên ngọc đức tin Kitô giáo như là nền tảng cho đời sống thực tại và việc phục vụ một đức tin sống động luôn đòi hỏi sự hiểu biết cao cấp hơn.

Một năm học nữa đã kết thúc. Cha nghĩ về điều gì cho năm học kế tiếp? những thách đố mà học viện sẽ phải đối mặt là gì?

Cha Nhuệ: Vâng, chúng tôi đã kết thúc một năm học căng thẳng, cảm tạ Thiên Chúa. Tôi cũng cảm ơn vị viện trưởng tiền nhiệm là Cha Domenico Paoletti, các giáo sư, các sinh viên, những người ủng hộ và các nhà hảo tâm, chúng tôi nhớ đến họ trong lời cầu nguyện. Bây giờ, như Thánh Phaolô đã nói, quên đi quá khứ, chúng ta đang hướng tới tương lai với niềm tin kiên định rằng Chúa sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng ta. Sẽ có nhiều thách đố, nhưng tôi chỉ muốn đề cập đến một thách đố, có lẽ lớn nhất và hấp dẫn nhất: đó là hành trình tiến đến việc thống nhất các học viện Phanxicô nhỏ để thành lập nên một Đại học Phanxicô tại Rôma. Trong lộ trình này, còn nhiều vấn đề vẫn chưa được xem xét và xác định, nhưng có một điều chắc chắn là: chúng tôi sẽ làm phong phú cho nhau và cùng liên kết để phục vụ tốt hơn cho Giáo Hội và thế giới. Tôi cũng muốn nhân cơ hội này cảm ơn nhân viên hãng tin ZENIT và độc giả đã yểm trợ chúng tôi, và tôi khiêm tốn xin quý vị đọc một Kinh Kính Mừng cho Học viện “ngoại vi” này, để chúng tôi có thể trung thành với ơn gọi và sứ vụ đã được trao phó cho mình.

Chân Phương

Nguồn tin: vietcatholi