Trung quốc tiếp tục lăng mạ các thánh tử vì đạo

Các nhà thừa sai bị cáo buộc là ‘những tội phạm nghiêm trọng’ mặc dù các học giả đưa ra bằng chứng ngược lại

Chinese-martyr-saints.jpg

 

Bức họa vẽ 120 vị thánh tử vì đạo Trung Quốc.
Ảnh được cung cấp

Nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục lăng mạ các vị tử vì đạo ở quốc gia này ngay cả khi người Công giáo tôn kính các ngài như những vị thánh.

Một bảo tàng ở Dingan, tỉnh Quảng Tây vừa được mở cửa nhằm thúc đẩy lòng yêu nước. Cuộc hành hình Cha Auguste Chapdelaine (1814-56) là chủ đề chính của triển lãm nhằm lên án tôn giáo là “thuốc phiện tinh thần”, theo các bản tin.

Linh mục người Pháp Chapdelaine là một trong 120 vị thánh tử vì đạo Trung Quốc được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 2000. Một ngày sau lễ phong thánh, Tân Hoa Xã của Trung Quốc đăng bài báo có tựa Bản Chất Thật Các Vị Thánh Của Vatican, trong đó cáo buộc các nhà thừa sai này, có cả Cha Chapdelaine, là “những tội phạm nghiêm trọng”.

Anthony Lam Sui-ki, nhà nghiên cứu thâm niên tại Trung tâm Nghiên cứu Thánh Linh của Giáo phận Hồng Kông, nhận định rằng Cha Chapdelaine bị cáo buộc hợp tác với các quan chức tham nhũng ở địa phương và cưỡng hiếp phụ nữ. Nhưng thực tế cho thấy ngài bị nhầm với một tên cướp có tên là Ma Zinong sống vào cuối Triều nhà Thanh.

“Dù là có nhiều học giả đã chứng minh rằng vị linh mục này là vô tội, nhưng quan điểm chính thức của chính quyền trung ương thì không thay đổi. Điều chắc chắn là nhà chức trách địa phương sẽ tuân theo quan điểm thù địch trên”, ông Lam nói với ucanews.com.

Cuộc triển lãm được tin là do quyết định của chính quyền cấp dưới, theo ông Lam, một chuyên gia về Giáo hội Trung Quốc.

Ngoài 120 vị tử vì đạo Trung Quốc, những vị tử vì đạo khác đang trong tiến trình mở án phong thánh cũng đã bị Bắc Kinh ngó lơ. Như trường hợp Đức cha Frans Schraven của giáo phận Zhengding bị người Nhật giết năm 1937 vì cố gắng bảo vệ hàng trăm phụ nữ và bé gái Trung Quốc.

Đức cha người Hà Lan này đang trong tiến trình được phong chân phước và đang được tôn kính tại quê nhà Lottum, theo một bài báo trên tờ Sunday Examiner.

“Không nên có những tranh cãi về vụ án Đức cha Schraven nữa”, Lam nói.

 

(UCAN 15.07.2016)