Hôm thứ Sáu 15-07 vừa qua, Hội đồng Giám mục Pháp cũng như nhiều giám mục đã bày tỏ nỗi cảm thông của các ngài sau vụ khủng bố tại Nice khiến ít nhất 84 người đã thiệt mạng.
Sáng sớm thứ Sáu 15-07, Đức ông Olivier Ribadeau Dumas, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF), hôm sau vụ khủng bố tại Nice khiến ít nhất 84 người thiệt mạng, khi một chiếc xe tải đâm thẳng vào đám đông lúc kết thúc màn bắn pháo hoa ngày 14-07, đã lên tiếng trên Twitter, kêu gọi “tình liên đới” quốc gia và xin các tín hữu cầu nguyện.
Không lâu sau đó, cũng vào buổi sáng, Hội đồng Giám mục Pháp trong một thông cáo đã nói rằng “Hội đồng Giám mục hiệp thông trọn vẹn với nỗi đau của các gia đình nạn nhân và người thân của họ”. Đức cha Georges Pontier, Tổng giám mục Marseille, Chủ tịch CEF “kêu gọi tất cả các người Công giáo Pháp cầu nguyện đặc biệt cho các nạn nhân và những người thân của họ trong các Thánh lễ cử hành vào Chúa nhật 17 tháng Bảy”.
Trước sự kiện “lại thêm một thảm kịch nữa vào danh sách đau buồn của các hành động khủng bố trên thế giới từ nhiều tháng qua”, Hội đồng Giám mục Pháp khẳng định: “Dù với lý do gì, sự man rợ này cũng không thể chấp nhận được, không thể chịu đựng được”. Các giám mục Pháp nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết, tình liên đới quốc gia phải mạnh hơn sự khủng bố. Trong nỗi đớn đau này, chúng ta cần phải xác tín rằng hiệp nhất cao hơn chia rẽ”.
Một thánh lễ được cử hành tại nhà thờ Đức Bà Paris
Mặt khác, trước thảm họa này, nhiều giám mục cũng đã bày tỏ phản ứng cá nhân của mình trên các mạng xã hội hay qua các thông cáo. Trên trang Twitter, Đức cha Marc Aillet, Giám mục Bayonne, bày tỏ sự “bàng hoàng” và cho rằng “cần phải cấp thiết cầu nguyện cho nước Pháp”.
Hiệp thông với nỗi đau của các nạn nhân và gia đình của họ, Đức cha Dominique Lebrun, Tổng giám mục Rouen, mời gọi các tín hữu tham dự Thánh lễ đặc biệt vào ngày thứ Bảy 16-07 lúc 18g30 tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cứu giúp, vào áp ngày ngài lên đường đi Krakow tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới cùng với 300 người trẻ của giáo phận. Đức cha Lebrun nêu câu hỏi. “Xây dựng một nền văn minh tình thương quả là cần thiết hơn bao giờ hết. Ai có thể dạy bảo và chỉ cho chúng ta đường đi, tốt hơn là chính Chúa Giêsu?”
Một Thánh lễ cầu cho các nạn nhân đã được cử hành tại Nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris hôm Chúa nhật 17-07 vào lúc 18g30, do Đức cha Denis Jachiet, giám mục phụ tá Paris, chủ sự.
Thông điệp của các giám mục vùng Provence
Đức cha Dominique Rey, giám mục Frejus-Toulon, giáo phận kế cận giáo phận Nice, đã tố cáo“một cuộc khủng bố hèn hạ (…) gieo rắc sầu não và kinh hãi nơi chúng ta”. Ngài nhắc lại lời Đức giáo hoàng Phaolô VI: “Đã có biết bao cuộc tàn sát vô ích và bao tàn phá khủng khiếp rồi (…); đừng bao giờ, đừng bao giờ có chiến tranh nữa!” Ngài kêu gọi cầu nguyện “cho các nạn nhân được an nghỉ, cho các người thân của họ được an ủi”, và “cho các tay đao phủ biết hoán cải tâm hồn” – đó là những kẻ “cần đến lòng thương xót của Chúa hơn bao giờ hết”.
Đức cha Jean Pierre Cattenoz, Tổng giám mục Avignon phát biểu: “Đang lúc cuộc sống trên mảnh đất Provence này của chúng ta thật tốt đẹp, đang lúc mọi người chúng ta sống tình huynh đệ đích thực, thì giờ đây, chúng ta lại phải đối diện với nỗi kinh hãi không tài nào tả xiết. Chúng ta chỉ còn biết bày tỏ nỗi cảm thông của chúng ta với tất cả những ai vừa phải trải qua một thảm kịch như vậy. Chúng ta cảm thấy gần gũi với tất cả các cư dân ở Nice và với tất cả những ai có mặt ở đại lộ Promenade des Anglais tối hôm qua và đã trải qua một đêm kinh hoàng”.Ngài cũng mời gọi tất cả các giáo xứ trong giáo phận hãy có các sáng kiến và cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ vào các Thánh lễ Chúa nhật.
“Sẽ không thể có khủng bố nếu chúng ta hiểu biết nhau”
Qua đài Phát thanh RCF, Đức cha Michel Dubost, giám mục Evry, đã kêu gọi tình huynh đệ, đồng thời “cầu nguyện và trợ giúp nhà cầm quyền, nghĩ tới các lực lượng giữ gìn trật tự và các nhân viên y tế”. Đức cha Dubost bày tỏ: “Sẽ không thể có khủng bố nếu chúng ta hiểu biết nhau, nếu chúng ta bước ra khỏi môi trường của chúng ta. Tôi tin rằng chủ nghĩa tự do tuyệt đối khiến cho mỗi người ở lì trong môi trường của mình. Vào những giờ phút ấy, chúng ta cần phải tự hỏi rằng ‘tình huynh đệ có nghĩa gì?’ Phải chăng chỉ đơn thuần là tình huynh đệ với những người hợp ý tôi, những người giống như tôi hay với tất cả những người sống trong khu vực của tôi? Trong cùng một làng, người ta buộc phải là anh em với nhau, trong một thành phố hiện đại, người ta không buộc phải như vậy, thế nên phải kiến tạo tình huynh đệ này”.
(Mai Tâm, WHĐ 19.08.2016/ La Croix)