Lời Chúa: Thứ Bảy tuần XVI mùa Thường Niên

Kiên nhẫn

 
 
Thứ Bảy tuần XVI mùa Thường Niên – Ngày 23/07: Thánh Birgitta
Lời Chúa: 

Mt 13,24-30

24 Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất.

26 Khi lúa lớn lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lộ ra. 27 Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” 28 Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. Đầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. 29 Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. 30 Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.

(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt.” (Mt 13,30)

 
Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống…)

Dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng:

1. Vấn đề: Với lời rao giảng của Chúa Giêsu, Nước Trời đã bắt đầu thành lập. Vậy thì có nên để cho Nước Ma quỷ tiếp tục tồn tại không? Tại sao kẻ ác vẫn còn sống mãi bên cạnh người lành và làm hại người lành? Sao không giải quyết dứt khoát cho sớm đi?

2. Giải đáp: Chúa Giêsu trả lời qua dụ ngôn này rằng không nên nóng vội mà đòi cho cuộc thẩm phán diễn ra trước hạn kỳ mà Thiên Chúa đã định. Hiện tại cứ phải kiên nhẫn mà chờ, trong niềm xác tín rằng thế nào rồi cũng có Thẩm phán và khi đó số phận kẻ lành người dữ sẽ được phân định rõ ràng.

3. Ý nghĩa: Dụ ngôn này vừa mời gọi kiên nhẫn vừa mời gọi khiêm nhường.

– Kiên nhẫn: chờ cho đến kỳ hạn Chúa định.

– Khiêm nhường: trong khi chờ đợi Thiên Chúa xét xử ai là kẻ lành ai là người dữ, mỗi người không nên dành quyền xét xử ấy của Thiên Chúa để coi ai là lành ai là dữ, ai là lúa tốt ai là cỏ dại. Mỗi người hãy chỉ lo một việc cần thiết thôi là lo trung thành nghe và thực thi Lời Chúa.

4. Lạc quan: Thái độ của ông chủ ruộng thật là lạc quan.

– Khi tôi tớ đến báo động là có cỏ dại, ông khỏi cần suy nghĩ mà trả lời ngay rằng “kẻ thù đã gieo” (cc. 27-28).

– Tôi tớ hoảng sợ xin đi nhổ cỏ lùng, ông bảo “Đừng”.

Ông chủ rất bình tâm chẳng chút ngạc nhiên và chẳng hề lo sợ, vì ông lạc quan tin vào khả năng của giống lúa, nó chẳng thế nào chịu thua sức mạnh của cỏ dại được.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Thế gian hiện tại có người tốt và kẻ xấu lẫn lộn. Ngay trong con người tôi cũng có khuynh hướng tốt và khuynh hướng xấu đồng tồn tại. Tôi không nên có thái độ của những người tôi tớ trong dụ ngôn này, là khó chịu, tức bực. Nên có thái độ như ông chủ: bình tĩnh chấp nhận thực trạng, tích cực bồi dưỡng những yếu tố tốt và khắc phục những yếu tố xấu, lạc quan tin tưởng vào sức mạnh của cái tốt.

2. Tôi cũng không nên sốt ruột dành quyền của Chúa mà “nhổ cỏ” những người mà tôi coi là xấu.

3. Tôi nghĩ về những cái tốt và xấu trong con người tôi, nhất là nghĩ về sự kiên nhẫn của Chúa không vội trừng phạt những cái xấu của tôi. Một mặt tôi cám ơn Chúa đã thương cho tôi thời gian chứ không vội xét xử tôi, mặt khác tôi hứa sẽ tận dụng thời gian và cơ hội Chúa ban để dần dần tu sửa con người của mình.

4. Giáo Hội vốn không phải là một xã hội hoàn hảo. Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện nhưng lại gồm những con người tội lỗi. Chúng ta có một Giáo Hội gồm nhiều vị thánh nhưng cũng có một số tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành các thánh trong giây phút, còn các vị thánh thì có thể trở thành thánh thiện hơn. Các tội nhân cần sự tha thứ của chúng ta, còn các thánh thì khơi dậy sự cảm phục và quyết tâm cải hóa của chúng ta. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

5. “Cứ để cả hai cùng lớn lên tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30)

Trong lúc mọi người bận bịu ngoài vườn nho, kẻ trộm đã lẻn vào nhà mà chẳng ai hay. Khi có người biết được và tri hô lên thì bọn bất lương đã bỏ đi mất dạng sau khi đã vơ vét một số tiền lớn.

Thực là nỗi đau cho gia đình Mazarello. Cha mẹ nàng hầu như tuyệt vọng. Mazarello tìm lời ngọt ngào an ủi song thân. Nhưng thỉnh thoảng lòng căm hờn đối với bọn bất lương lại bừng cháy và những lời kết án được thốt lên. Mazarello đã ngăn cản: “Không! Chúng ta không có quyền kết án họ. Tốt hơn, chúng ta hãy cầu xin Chúa đánh động tâm hồn họ và khiến họ ăn năn trở lại. Chỉ vì dốt nát, nếu không họ đã chẳng làm điều đồi bại như thế.”

Đức Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội như dấu chỉ của lòng kiên nhẫn và khoan dung. Ngài cũng mời gọi Kitô hữu sống yêu thương, tôn trọng và tha thứ đối với mọi người. Nhưng đã bao lần, tôi ý thức được điều đó?

Lạy Chúa, xin mở rộng cõi lòng của những người trẻ chúng con, để chúng con biết yêu thương thông cảm và luôn biết thứ tha. (Hosanna)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc được kết hợp nên một trong Chúa. Dù rằng chúng con còn thiếu sót, tội lỗi. Dù rằng chúng con còn ngổn ngang trăm chiều những đam mê trần thế. Chúa vẫn yêu thương chúng con. Chúa vẫn kiên nhẫn. Chúa vẫn chờ đợi chúng con trở về trong tình thương quan phòng của Chúa. Xin Chúa hãy uốn lòng chúng con nên giống trái tim nhân từ đầy yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, chúng con luôn mong muốn xã hội được hoàn hảo, được tốt lành. Chúng con muốn không còn người xấu bên cạnh chúng con. Chúng con muốn không còn ai khổ đau bởi bất công, hận thù. Chúng con muốn mọi người chỉ biết gieo yêu thương, niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Nhưng Chúa ơi, chúng con thật xấu hổ khi chính chúng con lại gieo tai họa cho tha nhân. Khi chính chúng con gieo hận thù, bất công cho anh em. Chúng con trở thành nỗi bất hạnh cho gia đình vì đời sống lười biếng, thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm của chúng con. Xin tha thứ cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con sửa đổi và hoàn thiện mình mỗi ngày nên tốt hơn.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin ban cho chúng con một tâm hồn ngay thẳng, một trái tim yêu thương, một tấm lòng quảng đại để chúng con biết gieo tình người đầy yêu thương, bác ái và cảm thông đến cho mọi người. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)