Nếu chúng ta không cẩn thận đề phòng thì chúng ta cũng dễ mắc vào những tật xấu đó: thích “chỉ tay năm ngón,” bảo người khác làm còn mình thì không làm?
Đời sống đạo đức của chúng ta cũng thế. Coi chừng chỉ có cái mã bên ngoài, còn thực chất thì chỉ có trời mới biết?
Những kinh sư và những người Pharisiêu là “giả hình” vì họ là những người không làm điều tốt, thế nhưng khi người khác làm điều tốt thì họ lại cản ngăn. Họ không vào Nước Trời, mà những kẻ muốn vào thì họ khóa cửa không cho vào ! Ở mức độ này, Chúa Giêsu đã quở trách nặng lời vì họ là những rào cản không cho người khác đến với Chúa, không cho người khác làm điều tốt.
Trang Tin Mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó trong Giáo Hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy.
Chúa Giêsu rất ghét thói giả nhân giả nghĩa, điển hình là nhóm Pharisêu, chú trọng vẻ nhân đức bề ngoài nhưng lòng họ chứa cả “bồ dao găm”. Ai thử động vào họ thì “biết tay” liền. Họ thấy rõ cái rác trong mắt người khác mà lại không chịu nhìn ra cái xà trong mắt mình. Chúa Giêsu nói thẳng: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7:5; Lc 6:42).
Giả hình là căn bệnh chung của tất cả những ai mang danh Kitô. Thật thế, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người Kitô hữu.
Căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ, khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo Hội, phải chăng đó không là một cuộc sống giả hình?
Câu hỏi mà chúng ta không ngừng đặt ra là cuộc sống đạo của tôi có thực sự là một đóng góp vào việc cải tạo một xã hội đang băng hoại về đạo đức và những giá trị tinh thần không? Giáo Hội mà tôi là thành phần, có xứng đáng là điểm tựa đạo đức cho nhiều người không?
Và rồi ta cũng rất bị cám dỗ về danh vọng địa vị.
“Tất cả chúng con đều là anh em với nhau”: người có quyền và người không có quyền, người bề trên và người bề dưới cũng đều ngang nhau trước mặt Chúa. Quyền và chức chỉ là những phương tiện để phục vụ anh em. “Trong chúng con, ai là người quyền thế hơn sẽ là người phục vụ anh em chúng con.”
Chúa Giêsu ra lệnh cho chúng ta phải có thái độ trái lại. Thay vì lợi dụng tôn giáo và cộng đồng như là những phương tiện cho việc tự phô trương để có vẻ như là mình quan trọng hơn trước mặt những người khác, Chúa đòi hỏi người ta đừng dùng danh xưng Rabbi hay thầy, là Thầy Dạy, là Cha và là người Chỉ Đạo; chỉ có Thiên Chúa ngự trên trời là Cha, và Chúa Giêsu là Thầy, là người Chỉ Đạo. Tất cả chúng ta đều là anh em. Đây là căn bản của tình huynh đệ xuất phát từ điều tin chắc rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Danh thơm tiếng tốt là một điều tốt, nhưng quá lo lắng để có được tiếng tốt thì là một điều xấu. Cha mẹ đòi hỏi con cái vâng lời mình là điều tốt nếu đòi hỏi ấy đi đôi với tinh thần dịu dàng và bác ái, và sẽ là điều xấu nếu đấy chỉ là một cái cớ để khẳng định bản thân và chứng tỏ quyền thống trị của mình.
Ta sẽ cứ phải đấu tranh chống lại cám dỗ muốn thống trị, muốn đè bẹp kẻ khác, chống lại cám dỗ muốn tỏ ra là mình quan trọng. Khiêm nhường phục vụ không phải là loại bỏ các khả năng tự nhiên, cũng không phải là từ chối hành động cho có hiệu năng; đấy là một não trạng, một xác tín rằng mình chỉ là một dụng cụ cần ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần thổi đi.
“Ai tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên.” Các động từ ở thể thụ động “bị hạ xuống” và “được nâng lên” ám chỉ kẻ hạ xuống và nâng lên chính là Thiên Chúa. Đã đành ai ai cũng ghét kẻ kiêu căng và mến người khiêm tốn. Nhưng quan trọng hơn nữa là chính Thiên Chúa cũng hạ kẻ kiêu căng và nâng cao người khiêm tốn.
Cứ nhìn vào thực tế mà xem! Khoe khoang là tự kiêu, là “nổ”, là “chảnh”, tức là toàn những cái không thật. Và như vậy là đối nghịch với Thiên Chúa.Khiêm nhường đối lập với kiêu ngạo. Người khiêm nhường luôn được Thiên Chúa yêu thương: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52). Khiêm nhường là một trong tám mối phúc: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5, 4).
Có một tiêu chuẩn giúp chúng ta biết chúng ta có trung thành với các lời khuyên nhủ của Đức Giêsu là hãy sống khiêm nhường không. Đó là: “Hãy làm, hãy giữ những gì họ nói”; chúng ta có thể diễn ra là: “Hãy có lòng khao khát chân lý và công lý để biết nhận ra điều thiện dù nó xuất hiện từ nơi nào”. Người Kitô hữu khiêm nhường không từ khước những lời hay ý đẹp của một người viện cớ là người ấy không sống phù hợp với lời người ấy nói, là người ấy giả hình hoặc khoe khoang. Chúa có thể dùng người ấy để giúp chúng ta nên khá hơn.
Và rồi ta cúi xin Chúa soi sáng hướng dẫn chúng ta để chúng ta không ngừng nhìn lại bản thân và nhận ra những thiếu sót lầm lỡ trong cuộc sống đạo. Đặc biệt ta xin Chúa cho ta sống thật, đừng giả hình nữa cũng như hãy sống tâm tình khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và anh chị em đồng loại.
Huệ Minh