Lời Chúa: Thứ Sáu Tuần thứ 25 TN

Giờ này đối với tôi Đức Kitô là ai?

 
 
Thứ Sáu Tuần thứ 25 TN – Lễ Thánh Piô Piettrelcina – Lễ nhớ
Lời Chúa: 

Lc 9,18-22

 18 Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?”  19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” 20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. 22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Lc 9,20).

 
Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt giống…)

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói đến những dư luận về Chúa Giêsu:

– Trong dân chúng thì có 3 dư luận: a/ Ngài là Gioan Tẩy Giả sống lại; b/ Ngài là Êlia xuất hiện; c/ Ngài là một ngôn sứ thời xưa sống lại. Cách chung, dân chúng đánh giá Ngài khá cao: Ngài không phải là một người thường như mọi người, nhưng là người đặc biệt thuộc hàng tiên tri: giảng hay và có khả năng làm phép lạ.

– Chỉ một mình Phêrô, do ơn soi sáng đặc biệt, nên biết Chúa Giêsu chính là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

– Tuy nhiên Phêrô vẫn nghĩ về Đấng Kitô theo cách nghĩ thông thường của đa số người thời đó, tức là một Đấng cứu thế oai phong, hiển hách. Bởi đó, Chúa Giêsu phải sửa lại cách nghĩ ấy: Ngài là Đấng Kitô chịu nạn, chịu chết rồi mới sống lại.

B. Suy niệm (… nảy mầm)

1. Tôi hãnh diện vì được làm môn đệ Chúa Giêsu. Nhưng tôi hãnh diện về phương diện nào? Vì Chúa Giêsu là Chúa, cao cả hơn Đức Phật và các vị sáng lập những tôn giáo khác? Vì Giáo Hội của Chúa có đông tín đồ, có tổ chức quy mô? Có khi nào tôi hãnh diện vì Chúa của tôi là một vị Thiên Chúa chết trên Thập Giá không? Tôi có nghĩ như thánh Phaolô rằng “Vinh dự của chúng ta là Thập Giá Đức Kitô” không?

2. “Simon Phêrô thưa rằng ‘Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa’. Và Ngài ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai”: Ngày nay, chắc Chúa không còn ngăn cấm chúng ta rao giảng về Ngài như là một Đức Chúa quyền phép vinh quang. Nhưng Ngài chưa hài lòng nếu chúng ta chưa rao giảng về Ngài như một Đức Chúa chết trên Thập Giá vì tội loài người và vì yêu thương loài người.

3. Vị khách đến uỷ lạo một thương binh trong bệnh viện:

– Anh thuộc giáo hội nào?

– Tôi thuộc Giáo Hội của Chúa Kitô.

– Cái gì thuyết phục anh vào Giáo Hội đó?

– Thuyết phục ư?

Rồi nhìn lên tượng chịu nạn, anh tiếp:

– Phải, tôi bị Ngài thuyết phục đến độ ngay cả “sự sống sự chết, thần quyền thế quyền… không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.”

4. “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế và các luật sĩ từ bỏ”: đau khổ là điều Chúa Giêsu phải chịu; bị từ bỏ, và bị từ bỏ không những bởi dân thường mà bởi những kẻ chính thức nắm quyền lãnh đạo tôn giáo, đó cũng là điều Chúa Giêsu phải chịu.

Khi tôi gặp đau khổ, khi tôi bị từ bỏ, nhất là từ bỏ bởi những người mà tôi đặt rất nhiều hy vọng vào họ, tôi có nghĩ đó là thập giá mà tôi phải vác không? Tôi có ý thức rằng mình đang được chia sẻ thân phận của Chúa tôi không?

5. “Chúa Giêsu hỏi: ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’” (Lc 9,20)

Hình như có ai đang hỏi, đang mời tôi suy nghĩ.

Giờ này, đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Giờ này, đối với tôi, Ngài có còn là Ngài không?

Hay chỉ là một chiếc bóng bên đường, một lần cất bước đi qua để lại thoáng nhớ mong manh, rồi chìm dần vào quên lãng.

Giờ này, đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Giờ này, đối với tôi, Ngài có còn là Ngài không?

Hay một lần, Ngài đến giữa đêm khuya, rồi thầm cất bước ra đi, để lại thoáng chút dư âm, tàn dần với thời gian…

Ngài là ai? Là ai lúc tôi vui, lúc tôi buồn, lúc tôi ghen, lúc tôi hờn, lúc tôi yêu…?

Ngài là ai? Là ai khi tôi thành công, lúc tôi thất vọng, khi lầm than, lúc thanh nhàn, và trong suốt cuộc đời…?

Giêsu ơi, khi quì đây và trong suốt cuộc đời, xin được gọi Ngài là Chúa Cứu Độ của con.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con xin mượn lời của Thánh Phê-rô để tuyên xưng Chúa là Ðấng hằng sống. Xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ để chúng con dám dấn thân cho niềm tin của mình, dù phải vượt qua chông gai, dù phải đối diện trước nghi nan, nhưng chúng con vẫn một niềm son sắt vác thập già mình mà theo Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, nhân loại mọi thời đều có nhiều cái nhìn khác nhau về Chúa. Tuy nhiên, những cái nhìn khác nhau đó đều tuỳ thuộc vào đời sống ky-tô hữu của chúng con. Chính chúng con sẽ là tấm gương để người khác nhận ra Chúa nơi chúng con. Xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con sống cho tha nhân. Xin loại trừ trong chúng con những hành vi ngược lại đức bác ái yêu thương. Xin giúp chúng con biết rèn luyện mình mỗi ngày nên tốt hơn hầu xứng đáng là hình ảnh của Chúa.

Lạy Chúa, chúng con luôn thâm tín rằng dù sự chết hay bất cứ quyền lực nào, không có gì có thể tách chúng con ra khỏi tình yêu Chúa, trong Ðức Kitô. Xin cho chúng con luôn trung tín theo Chúa cho đến cùng. Amen.

(Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

Xin mời xem thêm:

Bài đọc 1:

Gv 3, 1-11

Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời : một thời để chào đời, một thời để lìa thế ; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ; một thời để giết chết, một thời để chữa lành ; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ; một thời để than van, một thời để múa nhảy ; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn ; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ; một thời để giữ lại, một thời để vất đi ; một thời để xé rách, một thời để vá khâu ; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà. Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì ? Tôi nhìn thấy công việc mà Thiên Chúa giao cho con người phải gắng sức làm.  Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)