Bài Chia sẻ Thánh lễ Mừng Quốc tế Người Cao Tuổi (01-10) tại giáo xứ Thị Cầu (Chúa Nhật 27 TN)
Nhà Phật dường như có cái nhìn có vẻ bi quan về cuộc đời, coi cuộc đời là bể thảm, nước mắt chúng sinh nhiều như biển. Đức Phật đáng kính nhận ra kiếp nhân sinh có 4 cái khổ cơ bản, đó làTứ khổ đế: Sinh- Lão- Bệnh- Tử.
Dưới lăng kính ấy, xem ra Tuổi Già là tuổi bi kịch nhất, đáng thương nhất của kiếp người, bởi Người Già thường gắn liền với bệnh tật, sức khỏe suy sút, và Tuổi Già cũng là tuổi gần đến tử huyệt nhất. Nghĩa là Lão- Bệnh- Tử, 3/4 khổ đế, Người Già xem ra lãnh đủ.
Đấy là cái nhìn mang gam màu xám, nếu không muốn nói đậm màu u tối, dễ đưa đến chán nản, tuyệt vọng, khó mà khám phá giá trị ý nghĩa của Tuổi Già. Đấy là cái nhìn, thiếu Mạc khải của Thiên Chúa soi dẫn, dẫu Đức Phật đáng kính luôn thao thức giải thoát chúng sinh khỏi bể ải đau khổ.
Quả thật, nhờ mạc khải Lời Chúa, ngay trong thời Cựu ước dâuc còn nhiều hạn chế vẫn có cái nhìn khác, đầy lạc quan, đầy tươi sáng về Tuổi Già. Từ rất sớm Israel- dân riêng của Thiên Chúa đã nhận ra Tuổi Già là phúc đức của Đức Chúa ân thưởng, dễ thường không phải ai cũng được hưởng.
Người Cao Tuổi theo truyền thống Kinh Thánh rất đáng được trân trọng, các cụ giàu kinh nghiệm và khôn ngoan, được Thiên Chúa chúc phúc. Tuổi già là biểu tượng cho Vĩnh Cửu; Đấng vĩnh cửu hiện ra với Đaniel dưới hình dáng một vị Kỳ lão (Đn 7,9), và trong sách Khải huyền, 24 vị Kỳ lão biểu tượng cho triều đình của Thiên Chúa hằng ca hát ngợi khen vinh quang Ngài cho đến đời đời (Kh 4,4; 5,14…)[1].
Nói về Tuổi già, Kinh Thánh trân trọng:
“Người cao niên phán đoán, bậc kỳ lão chỉ bảo,
thật đẹp đẽ biết bao !
Sự khôn ngoan của các vị bô lão,
Tư tưởng và ý kiến của các bậc danh nhân
Thật đep đẽ chừng nào !
Giàu kinh nghiệm là triều thiên cho bậc bô lão
Lòng kính sợ Đức Chúa là niềm hãnh diện của các ngài”
(Hc 25, 4-6).
Và dạy con cháu cần thảo hiếu kính trọng không chỉ công trời biển cả do sinh dưỡng mà trên hết các ngài hình ảnh của Đức Chúa:
“Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi.
Ai thảo kính mẹ mình thì như người thu được kho tàng.
Hỡi người làm con, hãy gánh lấy tuổi gìa cha ngươi,
chớ làm phiền lòng người khi người còn sống.
Trí khôn người suy giảm, con cũng hãy nể vì,
đừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng.
Của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng.
Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi
và xây dựng đức công chính.
vào ngày bĩ cực, công việc của con sẽ được nhớ đến,
như băng giá trời tối, tội con sẽ tan đi.
Người lộng ngôn, khinh cha, dể mẹ,
là xúa phạm đến Thượng đế – Đấng tác thành nên họ
(x Hc 3, 1-16)
Thảo hiếu không chỉ bổn phận trên bình diện nhân bản làm người mà con là Luật Chúa truyền dạy. Trong các mối tương quan xã hội người với người, theo ý Chúa bổn phận thảo hiếu được xếp hàng đầu. Qủa thế, trong Mười điều răn Chúa truyền, sau ba điều răn đâu nói về bổn phận đối với Chúa, điều răn đầu tiên trong bổn phận người với người là điều răn thứ 4 là thảo hiếu, hiểu rộng ra là bổn phận gia đình.
Đặc biệt và hơn nữa, nhờ Chúa Giêsu Tử nạn Phục sinh, đã cho ta cái nhìn khác về đau khổ. Đau khổ không còn là điều bất hạnh, bế tắc; Tuổi Già không phải đi vào ngõ cụt. Trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu đau khổ có giá trị Tin Mừng Cứu độ. Khổ đau là cách tốt nhất cho ta nên giống Chúa Giêsu, dấu chỉ rõ nhất ta đang được vinh phúc cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa Giêsu, mưu ích cho các Linh hồn.
Nếu trong cái nhìn của Nhà Phật với 4 chân lý khổ cơ bản, ta thấy Tuổi Già là đỉnh cao của kiếp người khốn khổ, thì trong Chúa Giêsu, với đôi mắt Đức tin, Tuổi Già là lúc- là cơ hội tốt nhất, tuyệt vời nhất của đời người để được nên giống Chúa Giêsu, kết hợp với Ngài để dâng những khổ đau do bệnh tật, kể cả những khốn khổ do con cháu gây ra như những hiến tế cao đẹp nhất để dâng lên Chúa Cha.
Đấy là những lễ vật giá trị nhất, đẹp nhất mà ở tuổi già ta mới thường có để cùng với Chúa Giêsu ta dâng lên Chúa Cha nơi mỗi Thánh lễ, nơi Bàn thờ cuộc sống.
Quả thế, sau bao ngày tháng vất vả, tuổi già là chặng cuối của đời người, dừng chân để nhìn lại một chặng đời người tưởng dài ai ngờ thật ngắn ngủi. Đây là lúc ta có kinh nghiệm rõ nét hơn cả về đời người thật ngắn ngủi, phận người thật mong manh và những bất toàn của con người. Chính khi thấu rõ phận người như thế ta mới có thêm xác tín, lòng cậy trông vào Chúa hơn, mới thấy lời Chúa Giêsu nói quá chí lý: Được lời lãi cả thế gian mà mất phần linh hồn thì được ích gì (Lc 9, 25)
Có lần Chúa Giêsu nói với Phêrô- Vị Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội cách thế làm sáng danh Chúa khi về già:
“ Khi còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý, nhưng khi về già, con sẽ dang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn. Và Tin Mừng khẳng định: Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ phải chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa (x.Ga 21, 15-19)
Chúa Giêsu nói với Phêrô, lúc Tuổi Già khi thánh nhân biết đón nhận những gì ngoài ý mình, không phải ý mình nhưng lại là ý Chúa là đang làm sáng danh Chúa.
Đấy cũng là lời Chúa Giêsu nói với chúng ta, nhất là những cụ Cao Tuổi mà hôm nay quốc tế mùng kính. Ta hãy biến tuổi già, biến những gian nan thử thách thành Hồng phúc Cứu độ, đấy là khi ta với tấm lòng sẵn sàng đón nhận trong tươi vui với tất cả những hạn chế, những phát sinh tự nhiên của tuổi tác như ý Chúa- và thực sự là ý Chúa.
Đấy là lúc ta đang có cơ hội tuyệt vời để nên giống Chúa Giêsu Tử nạn và chắc chắn ta sẽ được Phục sinh với Người.
Bài Tin Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay trình thuật biến cố Truyền tin, ta thấy trong đó nổi bật tiếng ‘xin vâng’ trong tín thác hoàn toàn vào Chúa quyền năng, đồng thời là Cha đầy yêu thương của Đúc Trinh Nữ Maria. Đấy cũng là thái độ Sống Đạo của những người Môn đệ theo Chúa Giêsu nếu muốn khám phá và cảm nếm phúc thật thiên đang ngay tại thế, ngay cả khi ta gặp gian nan thử thách, sầu khổ.
Cha muốn nói riêng với các con Thiếu nhi …
Có thể chúng con và cha hơn các bậc tiên bối về học cao, trình độ, về bằng cấp… song có điều ta không bao giờ hơn Ông bà cha mẹ, quý vị tiền bối, đó là sự khôn ngoan- kinh nghiệm trường đời. Cái đó mới là nên giá trị, ý nghĩa cuộc sống.
Ông bà ta dạy: ‘đi hỏi già về nhà hỏi trẻ’… không ngoài chỉ dạy ta tôn trọng quý cụ, lắng nghe và tôn trọng ý kiến khôn ngoan chỉ bảo của các cụ
Tháng Mân Côi các con cầu nguyện cách riêng cho ông bà cha mẹ, cho mình, cho con cháu biết thảo hiếu với các bậc sinh thành.
Lm. Đaminh Hương Quất
[1] x.Điền ngữ thần học Kinh Thánh, mục từ Tuổi già.