Chào các em thiếu nhi thân mến!
Tìm hiểu về Thánh lễ là một việc cần thiết giúp chúng ta có thể tham dự Thánh lễ cách sốt sắng hơn. Khi chúng ta hiểu thêm về Thánh lễ, chúng ta sẽ tham dự thánh lễ với ý thức và sốt sắng hơn.
- Khi em bước vào Nhà thờ, hãy ý thức sự hiện diện linh thánh của Thiên Chúa. Đừng bắt chước nhiều bạn đi vào nhà thờ chào Chúa như “giật điện”, chào Chúa mà không ý thức Đấng mình chào kính là ai, có nhiều bạn chào “cây cột nhà thờ” thay vì chào kính Chúa … Chào Chúa nghiêm trang đàng hoàng là thể hiện đức tin của mình rất rõ đấy em! Em hãy ý thức Chúa hiện diện, cùng với các Thánh, các linh hồn trong nhà thờ.
- Nếu em vào nhà thờ đang khi Thánh Lễ diễn ra, em hãy chào Chúa, vào ghế quỳ, quỳ gối thờ lạy Chúa và làm dấu Thánh Gía, sau đó em cứ đứng/ ngồi như tác động phụng vụ của cộng đoàn đang diễn ra. Có nhiều em cứ quỳ hoài mà không hiệp thông trong tư thế cầu nguyện của cộng đoàn, như vậy không đúng lắm. Khi Thánh lễ diễn ra, mọi người cần chú tâm vào cử hành phụng vụ. Một số người lớn lúc Linh mục dâng lễ vật tự nhiên cũng quỳ xuống, lâm râm cầu nguyện chi đó…Chúng ta có thể hiệp ý với vị Linh mục dâng lễ vật cũng như cuộc sống chúng ta lên Thiên Chúa, trong khi vẫn đang ngồi đấy thôi! Việc cầu nguyện chung trong cộng đoàn nên luôn thể hiện sự hiệp nhất, ngoại trừ lý do sức khỏe mà thôi
- Nếu em được phân công đọc sách Thánh, hãy dò kĩ để bảo đảm công bố Lời Chúa cho cả cộng đoàn một cách rõ ràng, đầy xác tín và yêu mến. Tránh tình trạng lật tới lật lui khi đã đứng trên bục giảng. Em chỉ nên di chuyển đến giảng đài khi Linh mục đã chấm dứt lời nguyện nhập lễ (lời tổng nguyện), hoặc châm chế lắm thì em di chuyển lúc ngài đọc câu kết: “Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô”. Đừng di chuyển lúc Linh mục đọc lời nguyện, mọi người sẽ lo ra chia trí. Khi đọc, hãy ý thức mình đọc cho cả cộng đoàn để đọc lớn, rõ ràng và truyền cảm. Đọc xong, hãy ngưng lại 5 giây, rồi xướng câu “Đó là Lời Chúa”.
- Em hãy cố gắng mở miệng để thưa kinh, đối đáp trong thánh lễ. Mỗi cử chỉ, tác động, lời nói của vị linh mục và của cộng đoàn trong thánh lễ đều có những ý nghĩa rất sâu xa mà nếu em chú tâm suy ngẫm, em sẽ thấy vô cùng phong phú về mặt ý nghĩa… Hãy năng động và tham gia tích cực. Có nhiều bạn đi lễ với khuôn mặt buồn sầu, chảy xệ, im thin thít như bị tra tấn… Đáng lẽ đến với Chúa, đến với cộng đoàn, em phải vui lên chứ, phải không nào?
- Khi Linh mục công bố Tin Mừng, chúng ta làm 3 dấu thánh giá trên trán, miệng và ngực, chứ không làm dấu thánh giá đơn như bình thường. Có nhiều bạn làm dấu Thánh giá đơn mà không làm 3 dấu thánh giá trên trán, miệng và ngực. Có bạn lại làm cả 2 dấu cho “chắc ăn”. Việc ghi dấu thánh giá là thái độ xin Chúa thánh hóa chúng ta để hiểu (trán), tung hô và tuyên xưng (miệng) và yêu mến (ngực) Lời Chúa, để đem ra thực hành. Cần hiểu để làm đúng.
- Có một số em làm dấu thánh giá lúc chủ tế thánh hóa lễ vật. Như vậy không đúng. Linh mục chủ tế đọc kinh khấn cầu Chúa Thánh Thần xuống ơn thánh hóa lễ vật chứ có phải ban phép lành cho em đâu mà em làm dấu thánh giá?
- Lúc Linh mục truyền phép, ngài giơ cao Mình Thánh và Máu Thánh để giáo dân chiêm ngưỡng, sau đó cả ngài và cộng đoàn cùng cúi mình thờ lạy Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể. Thế nên lúc ngài giơ cao Mình Máu Thánh lên, ta phải ngước nhìn lên bàn thờ, sau đó mới cúi mình thờ lạy Chúa sau đó, chứ không phải nghe chuông là… gục đầu xuống đâu nhé! Còn hồi chuông mà lễ sinh lắc trước đó có ý nghĩa nhắc cộng đoàn giây phút truyền phép sắp sửa diễn ra, giây phút rất trọng đại và nhiệm mầu, khi Chúa Giêsu hiện diện thực sự dưới hình bánh rượu, qua lời truyền phép của vị linh mục chủ tế. Hồi chuông lắc sau câu “Lạy Chúa, con chẳng đáng…”, lúc vị chủ tế rước lễ là nhắc nhở cộng đoàn tiến đến trước bàn thờ để rước lấy Thánh Thể.
- Cần phân biệt cúi mình và cúi đầu. Chúng ta có thể cúi đầu nhiều lần trong thánh lễ, như nghe tên Chúa Giêsu, khi nhận phép lành, khi làm dấu thánh giá, nhưng chúng ta cúi mình khi thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể trong lúc truyền phép, và trong kinh Tin Kính: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần”…
- Tùy theo phong tục mà nghi thức chúc bình an cũng khác nhau. Có những nơi bắt tay, có nơi ôm hôn, có nơi áp má. Ở Việt Nam, người ta quen với việc cúi chào nhau. Em hãy thực hiện việc này không chỉ như một nghi thức cho có lệ, mà thực sự với một tâm hồn bình an, bác ái. Đừng gục gặc cho có, đừng bất lịch sự không đáp lễ khi có người chúc bình an cho em. Hãy chúc bình an với nét mặt dễ mến! Có nhiều bạn chúc bình an với nét mặt đáng sợ, không khéo chúc bình an xong lại làm cho người đối diện mất bình an thì mất hết ý nghĩa, em ơi! Nếu người khác có thói quen chúc bình an khác với em, đừng ngạc nhiên mà không đáp lễ. Hãy biết rằng nội dung quan trọng hơn hình thức.
- Em hãy ý thức và làm mới lại ý thức mỗi lần em đi rước lễ. Ơn được rước lễ là một ơn rất trọng đại. Có nhiều vị thánh được Chúa cho cảm nghiệm sự hiện diện thực sự của Ngài trong tâm hồn các vị. Đó là giây phút rất long trọng và linh thánh. Thế nên em cần dọn mình bớt bất xứng để có thể đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể xứng đáng hết sức có thể. Trước khi rước lễ, em hãy đọc kinh Thiếu nhi dọn mình rước lễ: “Lạy Chúa Giêsu, con tin thật, Chúa đang hiện diện trong tấm bánh bé nhỏ trên bàn thờ…”, đồng thời hãy ăn năn những tội lỗi đã phạm, hãy khao khát được rước Chúa để Chúa thánh hóa em trở nên thiếu nhi tốt hơn, thánh thiện hơn. Hãy nhớ rằng em đang đi rước Chúa Giêsu, Đấng yêu thương em. Khi đi rước lễ về, em hãy quỳ xuống, cám ơn Chúa vì Người đã ngự trong tâm hồn em dù em bất xứng, tội lỗi. Có một số em thiếu nhi đi rước lễ về ngồi nói chuyện… Không biết những em đó có ý thức được sự cần thiết và quan trọng của việc dọn mình rước lễ và cám ơn sau rước lễ không? Các anh chị Giaó lý viên dạy ngành ấu rất nên lưu ý để nhắc lại luôn các em việc này, vì nó rất quan trọng!
- Em đừng tham dự thánh lễ ngoài nhà thờ, ngoại trừ trường hợp nhà thờ quá chật, giáo dân quá đông, tóm lại là trường hợp bất khả kháng. Ngoài ra, những người lớn có con nhỏ, hoặc những người không chịu được không khí nơi đông người, họ có lý do riêng… còn lại thì chúng ta nên tham dự thánh lễ trong nhà thờ, với ý thức mình đã đến với Chúa thì cần phải sống trọn vẹn những giây phút quý báu ấy. Ngồi ở ngoài dễ bị lo ra, có nhiều bạn thiếu nhi vừa đi lễ vừa chơi ipad, có những cặp tình nhân ôm ấp nhau không đúng lúc, có những người đi dự thánh lễ từ xa, “ngóng” vô nhà thờ… đó là những hình ảnh không đẹp…
- Trong giờ Chầu Thánh Thể, khi vị Linh mục ban phép lành Mình Thánh Chúa, chúng ta cần nhìn lên chiêm ngưỡng Chúa Thánh Thể chứ không phải cúi đầu. Sau khi Linh mục đã ban phép lành xong, chúng ta mới cúi đầu tạ ơn Chúa, và kèm theo cử chỉ làm dấu Thánh giá. Vì giống như việc ban phép lành cuối lễ và ban phép lành bằng Lời Chúa (hình thức này hơi hiếm thấy), chúng ta cũng làm dấu Thánh Gía khi lãnh nhận phép lành Mình Thánh Chúa trong giờ chầu Thánh Thể.
Mong các em để ý hơn để tham dự thánh lễ cách “tích cực, linh động và hiệu quả” như Chúa Giêsu mong muốn và Hội Thánh dạy bảo chúng ta.
Con chiên nhỏ