Anh em là chứng nhân (23.10.2016 – Chúa nhật truyền giáo)

Lc24_44-53.jpgLời Chúa: Lc 24,44-53

Khi hai môn đệ từ Emmau trở về còn đang nói với nhóm Mười Một, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông.44 Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, 47 và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân của những điều này.

49 “Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”.

50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. 52 Bấy giờ các ông bái lạy người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, 53 và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

Suy Niệm 

Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã làm một điều quan trọng,
đó là đào tạo những chứng nhân.

Hội Thánh tương lai phải được xây nền vững chắc

trên những con người có kinh nghiệm cá nhân

về cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Chính vì thế Ngài đã hiện ra cho Simon,

cho hai môn đệ về Emmau, cho các tông đồ.

Ngài cho họ xem chân tay và Ngài đã ăn bánh

để họ đừng nghi Ngài là ma.

Hơn nữa Ngài còn soi sáng cho họ

để họ hiểu những lời Kinh Thánh nói về Ngài.

Các môn đệ đã là chứng nhân, đã tử đạo

để làm chứng cho điều mình xác tín.

Mỗi năm Hội Thánh dành một ngày Chúa Nhật

để nhắc chúng ta nhớ đến bổn phận của mình,

bổn phận truyền giáo cho thế giới.

“Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”

Chúng ta phải tiếp tục sứ mạng của các tông đồ,

vinh dự đứng vào hàng ngũ các chứng nhân.

Ðể truyền giáo, chúng ta phải quen thân với Chúa Giêsu,

có kinh nghiệm gặp gỡ Ngài thật sâu lắng,

sống cái chết của Ngài mỗi ngày

và nếm được niềm vui phục sinh Ngài ban tặng.

Ðể truyền giáo cần có nhiều tình yêu:

tình yêu đối với Chúa Giêsu và đối với con người.

Chính vì mến yêu Ngài

mà ta muốn Ngài được mọi người nhận biết.

Chính vì mến yêu mọi người

mà ta muốn chia sẻ hạnh phúc mình đang hưởng.

Thế giới hôm nay đầy lạc thú và hưởng thụ,

nhưng vẫn là một thế giới buồn.

Buồn vì nạn phá thai, ly dị, tự tử;

buồn vì hận thù, thất vọng và lo âu.

Nhiều bạn trẻ tìm quên trong vui chơi, nghiện ngập,

vì không thấy cuộc sống có ý nghĩa.

Như thế truyền giáo là loan báo tin vui

cho một thế giới buồn.

Ðức Thánh Cha đã nhắn nhủ giới trẻ:

“Hội Thánh ủy thác cho giới trẻ nhiệm vụ hô to lên

cho thế giới biết niềm vui vì gặp được Ðức Kitô…

Hãy đi rao giảng Tin Mừng giải thoát.

Hãy là những điều ấy với tâm hồn hân hoan.”

Chúng ta không thể là những chứng nhân buồn.

Chính cuộc sống của ta phải đầy ắp niềm vui,

sự lạc quan và sự sống của Chúa Phục Sinh.

Chỉ như thế chúng ta mời hy vọng đáp ứng

những đòi hỏi gay gắt của thế giới

đang bước vào đệ tam thiên niên kỷ.

Cầu Nguyện 

 

Lạy Cha,

 Cha muốn cho mọi người được cứu độ

và nhận biết chân lý,

 chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Ðức Giêsu, Con Cha.

 

Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người

 chưa nhận biết Ðức Giêsu,

 họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

 

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con

 khát vọng truyền giáo,

 khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,

 niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,

 và khát vọng muốn giới thiệu Ðức Giêsu cho thế giới.

 

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực

 trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất

để loan báo Tin Mừng.

 Chúng con chỉ xin đến

 với những người bạn gần bên,

 giúp họ quen biết Ðức Giêsu và tin vào Ngài,

 qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

 

Chúng con cũng cầu nguyện

 cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

 

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con

 sinh nhiều hoa trái. Amen.

 

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ