Nói chín thì phải làm mười, nói mười làm chín kẻ cười người chê. Ước mơ là thế, mà thực tế ít người làm được. Ví như các trẻ em, làm được gì thì các em đâu quan tâm, nhưng nhu cầu nói và tập nói là điều gần như sống còn.
Ví như các bạn trẻ, nói gần như là một điều vô cùng thích thú, còn làm gì thì điều ấy thuộc về hoài bão của tương lai. Ví như người lớn, dù muốn hay không thì nói vẫn rất dễ và dễ nói, làm thì còn tùy. Ví như người lớn tuổi, nói là điều cần thiết để kết nối tương quan với các thế hệ trẻ, còn làm thì các ngài có kinh nghiệm và nhớ lại quá khứ.
Thực tế về “nói và làm” là câu chuyện muôn thủa. Nói chung, hầu như ai cũng muốn rằng, mình cần nói ít làm nhiều. Và khi ấy, ai cũng muốn rằng, lời nói của mình có trọng lượng chứ không phải là kiểu nói tào lao.
Có người hỏi ngược lại rằng, cớ sao cứ phải nói ít làm nhiều, vì bây giờ đâu còn cái thời sợ kẻ cười người chê nữa, đâu còn cái thời lúc nào cũng lệ thuộc vào dư luận. Nói thế cũng đúng một phần, vì thời nay cởi mở hơn và đa dạng trong khác biệt. Tuy nhiên, câu nói thời xưa vẫn có giá trị, bởi lẽ khi nói đến sự đánh giá của người khác, là nói tới cách nhìn nhận của người khác, khác bản thân mình. Điều ấy có nghĩa là, tôi sống với người với đời, chứ không bao giờ chỉ sống cho riêng mình. Do đó, cái từ bản thân tôi và cái từ nơi người khác, hai cái đó cứ giằng co mãi, và cần tìm được giải pháp hòa bình để tạo sự cân bằng mới, mới cho tùy thời tùy nơi tùy người.
Có người hỏi cách khác, chẳng lẽ tiếng cười chê của người ta lại quan trọng đến thế! Thực tế là ảnh hưởng rất lớn. Có bậc cao niên kể vui rằng: Hồi nhỏ tôi cứ nghĩ là tất cả mọi người thương mến tôi, thế là tôi sống rất hồn nhiên. Thời thanh niên, tôi thấy hầu hết mọi người ủng hộ tôi, thế là tôi khá tự tin. Thời là người lớn, tôi thấy có một nhóm là bạn với tôi, thế là tôi có thể làm việc và sống khá tốt. Bây giờ về già, tôi mới khám phá ra, là có rất ít người thực sự quý mến tôi. Nếu tôi hiểu điều này ngay khi còn nhỏ, chắc tôi sống không nổi. May mắn là giờ tôi mới hiểu thực tế phũ phàng này.
Có một gương sáng tuyệt vời về “nói ít làm nhiều”. Đó là Thầy Giêsu. Cứ thử tưởng tượng về những pho sách khổng lồ trong lịch sử nhân loại, thì Kinh Thánh chỉ là cuốn sách nhỏ nhưng là một trong những cuốn được coi là giá trị nhất. Có bốn sách Tin Mừng viết về lời dạy và cuộc đời của Thầy Giêsu. Bốn sách này rất mỏng nhưng lại có giá trị nhất. Có cha nghiên cứu về Kinh Thánh đã nói vui: may mà Chúa Giêsu nói ít, chứ nếu Người nói nhiều, thì chúng ta sẽ vất vả lắm đấy.
Thầy Giêsu nói về Nước Trời trong tám mối phúc và chính Thầy đã làm tất cả những gì Thầy nói.
Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó. Trẻ Giêsu sinh trong cảnh nghèo, sống cảnh đời thường như mọi người. Trẻ Giêsu đẹp lòng Thiên Chúa, vâng lời cha mẹ và làm vui lòng người. Khi nổi tiếng Thầy vẫn là Thầy trong sự khiêm nhường con thảo với Cha trên Trời. Nước Trời là nơi Thiên Chúa ngự và Nước Trời cũng là nơi Thầy Giêsu hiện diện, là nơi những ai đón nhận Thầy Giêsu.
Phúc cho ai hiền lành. Thầy Giêsu rất hiền nên dù không có chỗ tựa đầu ổn định, mà tới đâu Thầy cũng có đất dung thân có người tiếp đón. Người hiền lành thì ở đâu cũng có đất sống dù là nhỏ bé. Còn những ai dữ dằn, thì dù có giang sơn rộng lớn, vẫn chém giết giành giật và chẳng thể yên hàn.
Phúc cho ai sầu khổ. Đứng trước tội lỗi và bất công, Thầy Giêsu sầu khổ khóc thương thành Giêrusalem. Có những người muốn an ủi Thầy, vì nghĩ là tội nghiệp Thầy khi bị vu oan, nhưng họ nhầm. Thầy đang buồn rầu vì tội lỗi của con người. Chính Thầy an ủi những ai sầu khổ vì sám hối.
Phúc cho ai khao khát nên người công chính. Thầy Giêsu luôn khát khao thi hành ý muốn của Cha trên Trời. Nỗi khao khát ấy cụ thể và cần thiết đến độ Người gọi là lương thực. Tất cả những ai khao khát nên công chính, thì Thầy Giêsu đã chữa lành và cho họ được thỏa long.
Phúc cho ai xót thương người. Từ tình thương của Chúa Cha, Thầy xót thương hết mọi người dù là kẻ thù. Khi xót thương người, người ta khám phá thấy Thiên Chúa thương xót mình. Nếu ai đó chưa một lần tập thương người, thì quả là bỏ quên một trong những điều quan trọng nhất của đời người.
Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch. Thầy Giêsu sống với đời, nên giống con người mọi đàng trừ tội lỗi. Thầy luôn ở cùng Chúa Cha đến nỗi ai thấy Thầy là thấy Cha. Nếu chưa tin, bạn cứ có tâm hồn trong sạch đi, rồi một ngày kia Thiên Chúa sẽ cho bạn thấy Ngai.
Phúc cho ai xây dựng hòa bình. Con đường của chính trị và kinh tế chỉ mang tới nền hòa bình dân sự trong một khoảng thời gian. Còn Thầy Giêsu, cả cuộc đời Thầy là tha thứ và chữa lành. Đó mới là con đường của hòa bình vững bền.
Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Thầy Giêsu làm cho lời chúc phúc này thành hiện thực. Kẻ ác cứ nghĩ là họ giết được người tốt và chết là hết. Nhưng không, Thầy Giêsu đã sống lại và đang sống. Người lành dù bị giết hại, nhưng sống mãi trong Thiên Chúa.
Khi sáng tạo, Thiên Chúa nói và thế là mọi sự hiện hữu như Ngài nói. Ngài làm bằng cách nói và nói bằng cách làm. Cũng thế với Thầy Giêsu, nói và làm là như nhau. Cuối bài tám mối phúc thật, Thầy Giêsu đưa ra câu chốt: Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta bách hại, anh em hãy vui mừng hớn hở. Với người môn đệ, điều quan trọng nhất là tình thân với Thầy Giêsu.
Đối với bạn, tuy có nhiều người hùng trong cuộc đời, nhưng Thầy Giêsu có phải là quan trọng nhất không! Nếu có, Thầy chính là đá tảng vững chãi không thể sụp đổ, để bạn có thể xây dựng tòa nhà cuộc đời trước bao phong ba bão táp. Thật phúc cho con vì có Thầy Giêsu làm Bạn, vì có lần Thầy nói: Thầy gọi anh em là Bạn hữu. Cám ơn Thầy Giêsu của chúng con.
Tứ Quyết SJ
(dongten.net 25.10.2016)