Từ năm năm nay, Linh mục Stéphane Simon của cộng đoàn Con Đường-Mới (Chemin-Neuf) là tuyên úy công giáo của nhà tù Saint-Quentin-Fallavier, Isère.
Hình: Linh mục Stéphane Simon trước nhà tù Saint-Quentin-Fallavier.
/ Bruno Amsellem.
Khi linh mục Simon sắp lên xe, hai bạn đồng nghiệp ở ban tuyên úy nhà tù gọi cha lại, họ tinh nghịch đùa: “Cha quên mang theo Thần Khí!” Linh mục của cộng đoàn Con Đường-Mới vắt áo khoác trên lưng, lắc lắc đầu và cười: “Họ luôn chọc tôi về Thần Khí, vì khi họ hỏi bài thuyết trình, tôi không chuẩn bị bài viết. Tôi nói với họ là Thần Khí sẽ thổi cho tôi. Nhưng cũng bình thường thôi, nghề của tôi là Chúa mà!”
“Chúa Giêsu là giải pháp cho tất cả những chuyện không tốt”
“Nghề” mà từ khi mới lên 8, lên 9, linh mục ngoài 50 này đã cảm nhận như chuyện đương nhiên là mình phải “hành nghề” này. Từ nhỏ, cha giúp lễ, cha là anh của ba em gái sống trong gia đình khiêm tốn, cảm thấy “Chúa Giêsu là giải pháp cho tất cả những chuyện không tốt”. Một xác tín lớn dần với thời gian, nhất là khi ở tuổi vị thành niên, cha vào thăm bạn trong tù, người này vài năm sau chết vì uống thuốc quá liều.
Năm 19 tuổi, cha vào chủng viện Prado. Cha chịu chức năm 27 tuổi và phục vụ ở địa phận Nancy một thời gian. Sau đó cha tham dự vào việc thành lập Mái Nhà Marcel-Văn ở Ars-sur-Formans (Ain), Mái Nhà này lo cho các trẻ vị thành niên muốn nhận định để theo một ơn gọi đặc biệt nào đó.
Và tình cờ cha biết đến Cộng đoàn Con Đường-Mới, một cộng đoàn “làm những gì cha muốn làm nhưng họ làm tốt hơn”, và thế là cha gia nhập cộng đoàn này. Sau 6 năm ở Montréal, (Canada), năm 2010. Cha vế thành phố Villefontaine (Isère), nơi cha biết địa phận đang tìm một tuyên úy cho nhà tù Saint-Quentin-Fallavier. Cùng với câu Phúc Âm chương 4 của Thánh Luca trong đầu: “Giải thoát kẻ tù rạc”, cha đến xin việc!
Tại đây cũng vậy, tất cả đều do Thần Khí, cha giải thích: “Chính Ngài làm việc nơi họ, hoán cải họ,” cha tự cho mình chỉ là người trung gian, là khí cụ để nói chuyện với họ. Cha cho biết: “Trong năm năm, tôi chỉ giải tội hai hoặc ba lần. Là tuyên úy là chơi cờ đam với tù nhân, nói chuyện đá banh với họ, là cùng đồng hành với họ, là để họ được lắng nghe.”
“Chống tái phạm”
Ở trong tù là “nơi chôn giấu sự khốn cùng, những chuyện làm hư hại nhất, gãy đổ nhất, nhưng cũng là nơi được ơn cứu rỗi.” Và phải quay về với sự “phục hồi công chính”, phải hoàn tất việc trừng phạt hợp lý, đầu tiên hết là phải chuộc tội với nạn nhân, tái hội nhập người phạm tội, phục hồi lại an ninh cho xã hội.
Theo cha Simon, “đó là cách thể hiện sự Cứu rỗi trong thực tế. Nếu, Chúa Giêsu là giải pháp và người nâng kẻ khiêm hèn lên, thì chúng ta phải theo hành động của Ngài và ước mong lời Xin Vâng của Đức Mẹ được thành sự thật! Là tuyên úy nhà tù, phải có thiện cảm, nhưng như thế cũng chưa đủ. Phải đi theo từng người một, phải chống lại tình trạng tái phạm, bằng cách cho họ hiểu, họ phải tự lập trả tiền nhà, phải giúp họ điền vào hợp đồng tự lập tài chánh, giúp họ gặp các nạn nhân. Phải khôi phục lại con người của các tù nhân.”
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm
chuyển dịch, phanxico.vn 05.11.2016/
lacroix.com, Isabelle Demangeat, 2016-11-04)