Khi được hỏi về việc một số người Công giáo vẫn lưu luyến phụng vụ cũ, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời: “Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã hành xử một cách đúng đắn và cao thượng khi lưu tâm đến những nhóm và các cá nhân mang tâm trạng luyến tiếc và tự tách lìa. Dù sao cũng là một ngoại lệ. Vì lẽ đó mới gọi là nghi thức “ngoại thường”.
“Vatican II và Hiến chế công đồng Sacrosanctum concilium vẫn phải được áp dụng như hiện thời. Thật sai lầm khi nói đến ‘cải tổ việc cải tổ’”, Đức Thánh Cha nói, và như vậy không tán thành đề nghị gần đây của Đức hồng y Robert Sarah, Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích.
“Sao lại quá cứng nhắc?”
Quả thật, phát biểu tại London (Anh Quốc) vào tháng Bảy vừa qua, Đức hồng y Sarah quả quyết: trong một cuộc tiếp kiến mấy tháng trước đó, Đức Thánh Cha đã trao cho ngài nhiệm vụ “nghiên cứu vấn đề cải tổ việc cải tổ nhằm tìm cách giúp hai hình thức của nghi lễ Roma có thể làm phong phú cho nhau”.
Sau phát biểu này của Đức hồng y, Toà Thánh ra thông cáo cho biết “một số diễn đạt” của Đức hồng y Sarah có thể “bị giải thích sai” và không có dự định thay đổi bất kỳ điều gì.
“Tôi cố gắng hiểu điều gì xảy ra đằng sau những người còn quá trẻ, vốn chưa từng trải qua nền phụng vụ tiền Công đồng, nhưng lại có ý muốn như thế”, Đức Thánh Cha đặt vấn đề trong cuộc trao đổi với cha Spadaro. “Đôi khi, tôi thấy mình gặp phải những người quá cứng nhắc, đứng trước một thái độ cứng nhắc”. “Và tôi tự hỏi: sao lại quá cứng nhắc như thế?”, Đức Thánh Cha nói tiếp và cho rằng điều đó luôn ẩn giấu “một điều gì đó: sự bất an, hoặc kể cả một điều khác”. Và ngài nói thêm: “Cứng nhắc là thái độ tự vệ. Yêu thương thực sự thì không như thế”. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, “hoài cổ một cách cứng nhắc thì không tốt”. Trái lại, “truyền thống thì vẫn đơm bông” nếu được đặt trên nền tảng “trung tín”.
Vào tháng Mười, tại Roma, nhân dịp giới thiệu quyển “Sức mạnh của thinh lặng” mới nhất của mình, Đức hồng y Sarah đặc biệt nhắc lại vấn đề “cải tổ việc cải tổ” phụng vụ. “Điều tôi vừa nói hiện không mâu thuẫn với sự phục tùng và vâng phục của tôi đối với thẩm quyền tối cao của Giáo hội”, ngài khẳng định. “Nhưng tôi hy vọng: nếu Chúa muốn, khi nào Chúa muốn và như Chúa sẽ muốn, thì chuyện cải tổ việc cải tổ trong phụng vụ sẽ diễn ra. Dù có chống lại, thì cũng sẽ xảy ra, vì đó là tương lai của Giáo hội”. Đức hồng y Sarah mong ước một cuộc cải tổ êm dịu, không gây xáo trộn, nhằm tìm lại ý nghĩa quan trọng của sự “thinh lặng” trong phụng vụ vốn quá “nhiều lời”.
“Bài giảng luôn mang tính chính trị”
Trong quyển sách của cha Spadaro, Đức Thánh Cha nhắc lại cách ngài soạn bài giảng, từ “ngày hôm trước”, đọc các bản văn, đọc lại “lớn tiếng đoạn đã chọn”. “Tôi cần nghe âm vang, nghe các từ ngữ, rồi gạch chân trong quyển sổ nhỏ vẫn dùng để nhấn mạnh những điều đánh động tôi nhiều nhất, và khoanh tròn những từ ngữ đánh động nhất”. “Rồi, Đức Thánh Cha mô tả, trong ngày những ý nghĩ cứ trở đi trở lại lúc tôi làm việc bổn phận”. Tuy vậy, cũng đôi khi ý tưởng chẳng đến, và Đức giáo hoàng mãi tận chiều tối cũng chưa biết ngày mai sẽ nói gì trong Thánh lễ. “Lúc ấy tôi làm theo lời thánh Inhaxiô dạy: cứ đi ngủ. Rồi lúc thức dậy, đột nhiên cảm hứng xuất hiện”.
“Bài giảng luôn mang tính chính trị, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, vì anh em giảng giữa Cộng đồng, giữa dân chúng”. Nhân dịp giới thiệu quyển Nei tuoi occhi è la mia parola, Đức hồng y Blase Cupich, Tổng giám mục Chicago, cho rằng: dù sao đi nữa Đức giáo hoàng cũng không “chính trị hoá Tin Mừng”.
Marie Malzac (La Croix)