Nhân dịp kết thúc Năm Thánh lòng thương xót, Đức Phanxicô có buổi phỏng vấn với Đài truyền hình Ý TV2000. Trong buổi trao đổi với giám đốc đài Paolo Ruffini và giám đốc thông tin Lucio Brunelli, Đức Phanxicô đã đề cập đến nhiều đề tài: Năm Thánh, điều kiện sống trong lao tù của các tù nhân, tôn trọng sự sống. Nhưng ngài cũng nói đến các chuyện riêng tư: các cám dỗ, cái nhìn của ngài về những chuyện gièm pha, thuốc chữa bệnh stress và lợi ích của tinh thần hài hước.
Trong bản ghi lại toàn bộ buổi phỏng vấn của kênh truyền hình Hội đồng Giám mục Ý, Đức Giáo hoàng nhắc đến Năm Thánh Lòng Thương Xót: “Sự kiện Năm Thánh không những chỉ tổ chức ở Rôma mà còn ở khắp các địa phận trên thế giới, (…) đã làm cho Năm Thánh mang tính cách hoàn vũ… Và điều này thật ân ích vì toàn Giáo hội được sống trong tinh thần Năm Thánh”.
“Yêu cuộc sống dù ở bất cứ hoàn cảnh nào”
Đức Phanxicô nhìn Năm Thánh này như một sự “chúc lành của Chúa và một bước lớn đi tới đàng trước” trong tiến trình đã được các vị tiền nhiệm của ngài đã làm. Ngài nói thêm: “Lòng thương xót là một “nhu cầu” của thế giới, một thế giới chịu khổ vì “sống trong căn bệnh khép kín, ích kỷ của mình”. Hoa trái của Năm Thánh ư? Với các hạt giống đã được gieo, “Thiên Chúa đã làm lớn lên những chuyện tốt lành, đơn giản, hàng ngày trong đời sống của giáo dân, những chuyện đơn giản không phải là những chuyện to tát”.
Đức Phanxicô cũng nhắc lại các việc làm của lòng thương xót một thứ sáu hàng tháng qua hai suy tư. Suy tư đầu nảy sinh khi ngài gặp các cô từng làm điếm: “Tôi nghĩ đến những người trả tiền cho các phụ nữ này: có phải những người dùng đồng tiền để hưởng lạc, họ tiếp tay cho các người khai khác phụ nữ không?”
Suy tư thứ nhì là lần tôi thăm một nhà hộ sinh, có một phụ nữ sinh ba, bà khóc vì một trong ba em này chết: “Tôi nghĩ đến thói quen hủy bỏ trẻ em trước khi sinh, một tội ác khủng khiếp: người ta bỏ vì như thế thì sẽ khỏe hơn (…) – đó là một tội nặng. Người đàn bà này sinh ba, bà khóc vì có một em bị chết”. Và Đức Giáo hoàng bảo vệ cho một “tình yêu cho sự sống, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào”.
“Công chính và thương xót là một chuyện”
Trong cuộc phỏng vấn dài này, Đức Giáo hoàng nói, “kẻ thù lớn nhất của Chúa là tiền bạc: ma quỷ lúc nào cũng đi vào tâm hồn con người bằng túi tiền. Đó là cổng vào của nó”. Ngài nhấn mạnh: “Phải đấu tranh để có một Giáo hội nghèo cho người nghèo theo tinh thần Phúc Âm”.
Ngài cũng mãnh lệt lên án “sự cứng ngắt của luân lý, công chính là quan trọng nhưng nó đi đôi với lòng thương xót: “Công chính và thương xót là một chuyện duy nhất trong Chúa. Lòng công chính là thương xót và thương xót là lòng công chính”. Đối với Đức Giáo hoàng, căn bệnh của thế giới này là bệnh “xơ cứng cơ tim, có nghĩa là quả tim không cảm nhận được tình dịu dàng, (…) một quả tim khắt khe, và lòng thương xót là thuốc chữa chống căn bệnh này”.
Thêm một lần nữa, Đức Phanxicô tố cáo “chiến tranh từng phần”. “Một mạng sống thì quý hơn một vùng đất”. Ngài nhắc lại khi chỉ đích danh những người buôn vũ khí, đối với những người này “mạng sống không có giá trị”.
Ngài cũng đề cập đến việc tái hội nhập các tù nhân vì “không có hình phạt nào mà không có hy vọng”. Ngược lại, “bức tường” dù là án chung thân, dù là án tử hình cũng không làm gì để giúp đỡ. Nhà tù phải là nơi ‘thanh tẩy’ để chuẩn bị cho việc tái hội nhập.
Giáo hoàng, cám dỗ, hài hước, gièm pha
Đức Giáo hoàng cũng trả lời các câu hỏi riêng tư hơn, chẳng hạn như chuyện cám dỗ: “Cám dỗ của giáo hoàng thì cũng là cám dỗ của bất cứ ai (…) Các yếu đuối về mặt nhân cách mà quỷ luôn dùng để tìm cách len lỏi vào như tính thiếu kiên nhẫn, ích kỷ, lười biếng… các cám dỗ này theo chúng ta cho đến hơi thở cuối cùng”.
Ngài cũng cho biết: “Tinh thần hài hước là một ơn mà tôi phải xin mỗi ngày; để tôi biết cười trước lời nói đùa cợt. Đó là khả năng của một đứa con đứng trước mặt Chúa”, để ca ngợi Chúa bằng nụ cười, bằng lời nói đùa dí dỏm”.
Ngài cũng thố lộ mình “dị ứng với những lời gièm pha: “Những kẻ gièm pha nói xấu tôi, tôi xứng đáng chịu chuyện này vì tôi là kẻ có tội, vì họ không biết về tôi (…). Nhưng “gièm pha một người vì có chủ đích, ẩn giấu hay thấy rõ, để có một cái gì đó cho mình, thì bất xứng”.
Còn bí mật vì sao tôi không bị stress ư? Đức Giáo hoàng trả lời: “Tôi cầu nguyện. Cầu nguyện giúp tôi rất nhiều. (…). Cầu nguyện là sự trợ giúp của tôi, là ở lại với Chúa. Tôi dâng thánh lễ, tôi đọc kinh nhật tụng, tôi nói chuyện với Chúa, tôi lần hạt … Rồi tôi ngủ ngon: đó là một ơn của Chúa, tôi ngủ say như chết”.
Còn về sức khỏe, “tôi làm theo sức chứ không hơn, tôi sống chừng mực”. Đức Giáo hoàng sẽ mừng sinh nhật 80 tuổi ngày 17 tháng 12 sắp tới.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch