Theo Đức Thánh Cha, “Tìm cách vượt qua những nghi ngờ sẽ giúp chúng ta lớn lên, và việc nghi ngờ cho thấy sự khao khát hiểu biết Thiên Chúa hơn.”
Ngài nhấn mạnh rằng: “Việc nghi ngờ đức tin không hẳn là một điều xấu, vì những nghi ngờ có thể là một dấu hiệu cho thấy chúng ta “muốn hiểu biết tốt hơn và sâu hơn về Thiên Chúa, Chúa Giêsu và tình yêu của Ngài.”
Đức Thánh Cha đã chia sẻ tại buổi tiếp kiến chung về hai tác phẩm về Lòng Thương Xót mà chưa được đề cập trong suốt Năm Thánh: Những lời khuyên cho sự hồ nghi và những hướng dẫn cho người chưa biết.
Sau khi trình bày và phân tích lịch sử phong phú của Giáo Hội trong việc hỗ trợ giáo dục cho tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo, Đức Thánh Cha đề cập về vấn đề giáo dục đức tin và những thử thách trong việc nghi ngờ đức tin một cách cụ thể. Ngài ghi nhận những câu hỏi của mọi người dành cho ngài: “Thưa Cha, con phải làm gì vì con có nhiều nghi ngờ về đức tin?”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã hỏi lại những người có mặt: “Các con đã bao giờ nghi ngờ chưa?” Sau đó, ngài đã tự trả lời với tư cách cá nhân “Cha đã rất nhiều nghi ngờ” và ngài nói thêm rằng “Chắc chắn những nghi ngờ sẽ đến với các con trong một số khoảnh khắc nào đó!”
Đức Thánh Cha giải thích thêm “Những nghi ngờ đụng đến đức tin, theo một ý nghĩa tích cực, là một dấu hiệu cho thấy chúng ta muốn biết tốt hơn và sâu hơn về Thiên Chúa, Chúa Giêsu, và tình yêu của Ngài.”
Khi thuật lại những khó khăn mà mọi người kể cho Ngài, Ngài nói với mọi người đang hiện diện rằng, “Nhưng khi cha nghi ngờ về điều gì, cha tìm kiếm, nghiên cứu, suy xét hoặc xin lời khuyên về những gì phải làm.”
Đức Thánh Cha khẳng định “Những sự nghi ngờ đó giúp chúng ta lớn lên! Do đó, thật hữu ích khi chúng ta tự chất vấn bản thân mình về những vấn đề của đức tin bởi vì bằng cách này, chúng ta được thúc đẩy để đào sâu hơn những vấn nạn ấy. Trong bất kỳ trường hợp nào, nghi ngờ cũng có thể vượt qua được. ”
Sống Sự Nghi Ngờ
Đề cập đến vấn đề này, Ngài nói thêm, thật cần thiết để lắng nghe Lời Chúa và hiểu những gì Thiên Chúa dạy chúng ta. Một cách thức quan trọng để thực hiện điều này là không chỉ học hỏi Giáo lý, nhưng còn đặt đức tin vào trong những hành động cụ thể.
Khi nhấn mạnh việc thực hành đức tin trong đời sống, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi tín hữu hãy phục vụ anh chị em của mình, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất. “Và như thế, những nghi ngờ sẽ biến mất, bởi vì chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa và những chân lý của Tin Mừng về tình yêu cư ngự trong chúng ta và chúng ta chia sẻ với người khác, chứ không phải do công đức của chúng ta.”
Đức Thánh Cha cũng mời gọi những người có mặt nhận ra rằng hai tác phẩm về lòng thương xót này không được trở nên xa lạ trong cuộc sống của chúng ta. Ngài nói: “Mỗi người trong chúng ta có thể dấn thân chính mình vào trong cuộc sống của người khác để thực hành Lời của Chúa vì Đức Giêsu đã dạy: “Mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết, mà lại mặc khải cho những người bé mọn.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: “Thiên Chúa không bao giờ rút lại tình yêu của Người; Người luôn luôn đi trước và chờ đợi; Người trao ban tình yêu của Người mãi mãi; vì thế, chúng ta phải cảm thấy một trách nhiệm lớn lao, mà cụ thể là trở thành nhân chứng của tình yêu và lòng thương xót Chúa.”
Chuyển dịch: Văn Đương, SJ
Nguồn: Zenit.org
(dongten.net 26.11.2016)