Sáng Chúa Nhật 20 tháng 11 lễ Chúa Kitô Vua ĐTC Phanxicô đã chủ sự lễ nghi đóng Cửa Thánh đền thờ thánh Phêrô và thánh lễ kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót. Cùng đồng tế với ĐTC có hàng trăm vị gồm các Hồng Y và Tân Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và mấy ngàn Linh Mục. Tham dự thánh lễ có ngoại giao đoàn và phái đoàn chính thức của nhiều nưóc, trong đó có phái đoàn của chính phủ Italia, do tổng thống Matarella hướng dẫn, và hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương.
Giảng trong thánh lễ ĐTC nói Cửa Thánh đã đóng, nhưng cửa con tim thương xót của Chúa Kitô thì vẫn luôn luôn rộng mở và chờ đón chúng ta. Và như dấu chỉ lòng thương xót hải hà đó của Chúa ĐTC đã ký vào trao tông thư “Misericordia et misera” khích lệ toàn thể Giáo Hội tiếp tục sống lòng thương xót với cùng sự sâu đậm như đã sống trong suốt Năm Thánh ngoại thường này. Sau đó ngài đã trao Tông thư cho ĐHY Tagle, TGM Manila, là một trong các giáo phận đông tín hữu nhất thế giới, ĐC Cushey, TGM Saint Andrrews Edinburg, hai Linh Mục thừa sai lòng thương xót đến từ Cộng hòa dân chủ Congo và Brasil, một phó tế vĩnh viễn và gia đình, hai nữ tu một Mêhicô và một Nam Hàn; một gia đình Mỹ gồm ba thế hệ; một đôi bạn trẻ đính hôn, hai bà mẹ giáo lý viên; một người tàn tật và một bệnh nhân.
Thương xót và bần cùng hay khốn nạn là hai từ thánh Agostino dùng để nói về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đàn bà ngoại tình. Trong thư ĐTC nới rộng và ban cho tất cả các linh mục trên thế giới quyền tha tội phá thai cho những ai thống hối. Đây là quyền đã chỉ được dành cho các Giám Mục và những linh mục được Giám Mục chỉ định.
Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị bài phỏng vấn ĐTGM Rino Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, về lễ nghi này và tông thư của ĐTC.
Hỏi: Thưa ĐTGM Fisichella, Chúa Nhật 20 tháng 11 ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kết thúc Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót. ĐTC đã nhấn mạnh rằng Năm Thánh đã kết thúc nhưng cánh cửa lòng thương xót luôn luôn rộng mở. Trong nghĩa nào thưa ĐC?
Đáp: Lòng thương xót là trọng tâm của Tin Mừng, là nòng cốt sứ điệp mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta. Và vì thế nhiệm vụ của Giáo Hội trong dòng lịch sử là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Đó là lý do tại sao Năm Thánh chúng ta cử hành đã đánh động, không phải chỉ con tim của con người, mà cả cuộc sống thường ngày nữa, bởi vì có biết bao người đã cảm thấy được khích lệ bởi việc loan báo niềm vui. Nó đã cho phép các kitô hữu có một thở phào nhẹ nhõm lớn. Chúng ta đừng quên là đôi khi Giáo Hội xuất hiện như là “mẹ ghẻ” hơn là mẹ. Và Giáo Hội đã xuất hiện với Giáo Luật trong tay hơn là với sách Tin Mừng. Vì thế cái thở phào nhẹ nhõm, mà lòng thương xót trao ban, đã được tiếp nhận như một làn gió mùa xuân.
Hỏi: Thưa ĐC làm thế nào để sống “nhịp thở” này trong cuộc sống thường ngày?
Đáp: ĐTC nhấn mạnh nhiều trên tính cách xã hội của lòng thương xót. Trong Tông thư “Misericordia et misera” có các điểm rất hay, trong đó ĐTC cống hiến các thí dụ giải thích các công việc của lòng thương xót đối với thân xác và tinh thần như thế nào. Ngài giải thích ngày nay cho người trần truồng mặc có nghĩa là gì, và giải thích rằng sự trần truồng thực sự là việc thiếu phẩm giá. Có một kiểu diễn tả rất đẹp đã luôn luôn đánh động tôi trong tài liệu “Ánh sáng đức tin”: các kitô hữu có nhiệm vụ xây dựng một thành phố có thể tin cậy được. Các công việc bác ái là điều đó: là phần đóng góp mà các tín hữu kitô cống hiến, để cho kinh thành được hữu hình và đáng tin cậy.
Trong nghĩa này, chúng ta cũng phải đọc thông điệp “Laudato si’”, nghĩa là lồng khung mình vào trong bối cảnh, bối cảnh của thế giới và của vũ trụ, trao ban sự thanh thản cho cuộc sống con nguời. Trong cùng cách thức đó, ĐTC mời gọi tái khám phá ra các công việc của lòng thương xót tinh thần trong một nền văn hóa in dấu chủ thuyết tương đối. Chúng ta có thể trợ giúp con người ra khỏi sự không chắc chắn của mình. Đối với tôi xem ra tông thư là một dấn thân cụ thể đối với Giáo Hội, và đối với từng tín hữu “xắn tay áo lên” để nhận lấy một kiểu sống theo tinh thần Tin Mừng hơn.
Hỏi: Đâu là các mới mẻ mà ĐC nhận ra trong tông thư của ĐTC?
Đáp: ĐTC Phanxicô cống hiến cho chúng ta biết bao nhiêu gợi ý cho một cuộc sống mục vụ tích cực chừng nào có thể, và hướng tới ánh sáng của lòng thương xót. Trước hết tôi nghĩ tới sáng kiến “Hai mươi bốn giờ với Chúa”, qua đó ĐTC nêu bật đề tài hoà giải. Thêm vào đó có cả lễ Thánh Kinh, lễ Lời Chúa, giúp suy tư về các kiểu mới liên quan tới việc phổ biến sứ điệp lòng thương xót trong các cộng đoàn kitô, làm sao để tổ chức các buổi đọc, giải thích và áp dụng việc sống lời Chúa liên quan tới lòng thương xót. Từ chính viễn tượng này lại nảy sinh ra ước muốn của ĐTC kéo dài thời gian phục vụ của các thừa sai lòng thương xót. ĐTC đã nhận được biết bao nhiêu chứng từ của các thừa sai lòng thương xót. Các kinh nghiệm của họ đã thuyết phục ngài rằng không có chướng ngại nào có thể ngăn cản Thiên Chúa Cha ôm trở lại trong vòng tay người con đi hoang của mình.
Hỏi: Chính vì vậy mà ĐTC đã cho phép tất cả mọi linh mục quyền tha tội cho những người phạm tội phá thai nhưng hối lỗi, có đúng thế không thưa ĐC?
Đáp: Tôi nghĩ đây là một sự kiện cũng đánh động một cách sâu xa dư luận công cộng, bởi vì ở đây tay chúng ta đụng chạm tới và hiểu sự trầm trọng của tội lỗi thực sự có nghĩa là gì. Nó là việc giết một mạng người cả trong giai đoạn khởi đầu. ĐTC nhấn mạnh với tất cả sức mạnh của mình rằng đây là một tội trọng. Tuy nhiên, cả khi đó là tội nặng nhất, nó cũng không thể và không được lấy mất đi khả thể của việc giao hoà với Thiên Chúa. Từ viễn tượng này ĐTC hoàn toàn tiếp tục giáo huấn của các vị tiền nhiệm, và hoàn toàn ở trong truyền thống giáo lý của Giáo Hội.
Chúng ta đừng quên rằng chỉ có các phụ nữ phạm tội này thôi. Họ mang gánh nặng sâu xa hơn và trầm trọng hơn, nhưng còn có bối cảnh do các bác sĩ, y tá, và những ai khuyên họ phá thai nữa. Tất cả đều liên lụy tới tội phá thai này, nhưng tất cả đều có thể được lòng thương xót của Thiên Chúa ôm vào lòng, nếu họ thống hối, và nhất là nếu họ có khả năng nhìn nhận sự dữ khách quan mà họ đã phạm. Đây là kinh nghiệm mà các linh mục chúng tôi sống hằng ngày. Một người muốn xưng tội phá thai và đến gặp vị linh mục, thì đến từ một lộ trình dài đã đưa họ tới chỗ thừa nhận sự dữ đã phạm , nhưng nhất là diễn tả sư khổ đau mà họ mang trong chính mình. Như vậy làm như thể là ĐTC muốn, với cái vuốt ve của Thiên Chúa, trao trả lại niềm vui vì đã tìm lại được một người đã sai lầm, người con trở về nhà.
Hỏi: Thưa ĐC, có các mới mẻ nào khác nữa trong tông thư của ĐTC hay không?
Đáp: Một trong các điều mới mẻ đó là việc thành lập “Ngày Quốc Tế Người Nghèo”. Các người nghèo là những kẻ được ưu tiên của Tin Mừng. Từ trang đầu tiên cho tới trang cuối cùng của Thánh Kinh các “anawim” là các người nghèo. Trong từ này bao gồm biết bao nhiêu người: trẻ mồ côi, người goá bụa, những người sống cô đơn và bị bỏ rơi. Ngày nay chúng ta có một quan niệm về người nghèo quy chiếu một cách mâu thuẫn về điều kiện xã hội. Như thế, khi có tâm thức luôn nhắm tới lợi lộc và tiền bạc, chúng ta nghĩ rằng những người nghèo duy nhất là những người sống trên vỉa hè.
Trong khi ý niệm về người nghèo trong Thánh Kinh và trong lịch sử là đa diện. Tắt một lời, những người nghèo là những người ở các vùng ngoại biên của cuộc sống mà ĐTC nói tới, và họ thực sự diễn tả không gian, trong đó cần hành động. Và tuy một ngày dành cho họ không đủ, nhưng cũng giúp nhắc nhớ Giáo Hội biết rằng ít nhất là trong một ngày con mắt của tất cả mọi người phải hướng tới người nghèo.
Hỏi: Vượt ngoài các tranh luận, ĐC nhận thấy thành phố Roma và nhất là cộng đoàn Giáo Hội tại Roma đã đáp trả lại Năm Thánh như thế nào?
Đáp: Tôi tin rằng dân chúng Roma đã đáp trả lại Năm Thánh rất tốt, vì họ đã rất là kiên nhẫn, không phải chỉ đối với Năm Thánh, nhưng vì nhiều lý do khác. Chẳng hạn chỉ nghĩ tới việc phải đương đầu với cảnh lưu thông và tất cả mọi cuộc biểu lộ thường tạo ra khó khăn cho việc di chuyển trong thành phố. Trên bình diện này người dân Roma đã cống hiến điều tốt lành nhất của họ là tinh thần hiếu khách và sự tiếp đón.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không quên rằng người dân Roma cũng có nghĩa là 350 giáo xứ bao gồm cuộc sống thường ngày của thành phố. Các giáo xứ đã phản ứng một cách mạnh mẽ tích cực, và cả với lòng hăng say nữa. Tôi nhớ tới sự sẵn sàng của hầu như mọi giáo xứ đã tiếp đón các bạn trẻ về Roma cử hành Năm Thánh của giới trẻ: các giáo xứ đã mở rộng cánh cửa, và cống hiến mọi sự họ có. Thế rồi, chúng ta cũng không quên ngày Năm Thánh của các thiện nguyện viên, hay ngày tiếp đón thánh tích của cha thánh Piô. Ở gần đây đã có 3 nhà thờ Năm thánh là ba giáo xứ. Với một sự sẵn sàng không thể tin được, các giáo xứ này đã thay đổi giờ giấc để luôn luôn phục vụ các tín hữu hành hương về Roma cử hành Năm Thánh. Vì thế biết ơn là tâm tình đầu tiên đến với tôi.
Hỏi: Thưa ĐC, giữa biết bao sáng kiến của lịch trình Năm Thánh đâu đã là sáng kiến đánh động ĐC nhất?
Đáp: Có biết bao nhiêu sáng kiến, nhưng sáng kiến đánh động tôi nhất đó là kinh nghiệm đã sống bên cạnh ĐTC Phanxicô trong các ngày thứ sáu của lòng thương xót, bởi vì tôi đã luôn luôn có thể nhận ra tính nhân bản sâu xa, sự cảm động trong một vài lúc, và nhất là sự dễ thương của ĐTC đối với tất cả mọi người. Các ngày thứ sáu này đã thực sự là một cuộc gặp gỡ với các nghèo túng mới của thế giới. ĐTC đã đi tìm các người ngày nay đại diện cho các người nghèo mới. Sự dễ thương của ngài và sự gần gũi với tất cả mọi người không phân biệt ai là một trong các dấu chỉ của Năm Thánh mà tôi mang theo trong tim.
(SD 22-11-2016)
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 30.11.2016)