Mối quan tâm này được thể hiện cụ thể qua bữa tiệc chiêu đãi tại dinh Tổng thống Sri Lanka. Đích thân Tổng thống đến khai mạc bữa tiệc bằng một diễn văn ngắn nhưng súc tích. Ông bày tỏ niềm vinh hạnh được đón tiếp các giám mục Á châu đến dự Đại hội, sự trân trọng đối với Hội đồng Giám mục Sri Lanka, cách riêng Đức hồng y Malcom Ranjith và những đóng góp của ngài cho đất nước. Nét nổi bật của bữa tiệc không phải là ẩm thực nhưng là văn hóa, với những điệu múa truyền thống của Sri Lanka và dàn nhạc tạo bầu khí nghệ thuật và trang nhã cho bữa ăn.
Bên cạnh đó, tại nghị trường, các giám mục và tham dự viên còn đón tiếp các đại diện của Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, và một giám mục Anh giáo. Trong tinh thần đối thoại, các vị trình bày quan điểm của tôn giáo mình về gia đình và chia sẻ những mối quan tâm về đời sống gia đình trong thế giới ngày nay.
Đây là những điều chưa từng có tiền lệ trong những lần Đại hội trước. Khi được hỏi, một giám mục Sri Lanka cho biết là do hoàn cảnh đặc thù của Sri Lanka, một đất nước có nhiều truyền thống tôn giáo lâu đời, đồng thời đã từng có kinh nghiệm đau đớn về xung đột tôn giáo. Hội Thánh Công giáo, tuy chỉ là thiểu số, được đánh giá rất cao vì uy tín trong tiến trình hòa giải dân tộc cũng như những đóng góp lớn cho xã hội, cách riêng trong lãnh vực giáo dục.
Đã hẳn đây là hoàn cảnh riêng của Sri Lanka, tuy nhiên đây cũng là nội dung mà Liên Hội đồng Giám mục Á Châu muốn làm nổi bật trong thời đại hiện nay tại châu Á, với những cuộc xung đột nhân danh tôn giáo. Hơn bao giờ hết, tôn giáo phải trở thành “khí cụ bình an” để thi hành sứ vụ thương xót đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu. Con đường đối thoại, tuy khó khăn và đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, vẫn là chọn lựa đã có từ ban đầu của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu và cần được tiếp tục trong hoàn cảnh xã hội ngày nay.