Với việc công khai hóa bức thư của 4 vị Hồng Y gửi Đức Phanxicô để bày tỏ 5 điều hoài nghi về Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Niềm Vui Yêu Thương và các “đe dọa” sẽ chính thức “sửa sai huynh đệ” hoặc có thể tước mũ Hồng Y, nhiều người cho rằng Giáo Hội đang trải qua một cuộc khủng hoảng thực sự. Và cuộc khủng hoảng này không thua gì cuộc khủng hoảng Ariô thế kỷ thứ tư.
Và cũng như cuộc khủng hoảng Ariô, vai trò của người giáo dân lại được trân trọng nhắc đến. Một vị giám mục (Đức Cha Schneider) còn công khai viết rằng: Thiên Chúa cần ‘người tín hữu tầm thường’để bảo vệ đức tin trong thời khủng hoảng này!
Bỏ qua một bên tính cách khủng hoảng nói trên, trong cuộc bàn luận quanh chương 8 của Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương, nhất là mục nói về viễn ảnh những người Công Giáo ly dị và tái hôn có thể được rước lễ dù không sống như anh trai em gái mà vẫn sống như thể vợ chồng, người giáo dân tham dự có khi đông đảo hơn cả các vị chức sắc trong Giáo Hội, và đại đa số họ đứng về phía “bảo vệ truyền thống” chống lại khuynh hướng bị họ coi là lỏng lẻo của Niềm Vui Yêu Thương, ngoại trừ một ít người như giáo sư Buttinglione và tác giả Austen Ivereigh hết lòng bênh vực Đức Phanxicô và lối giải thích tông huấn dường như đi ngược lại giáo lý truyền thống.
Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy các đóng góp của một số giáo dân nổi tiếng trên thế giới vào cuộc bàn luận sôi nổi hiện nay.
I. Phe chỉ trích
Tạm xếp vào loại chỉ trích các nhận định có tính giải thích Niềm Tin Yêu Thương theo chiều hướng nó không thay đổi truyền thống giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, nhất là tính bất khả tiêu của nó qua việc ngăn cấm người Công Giáo ly dị tái hôn rước lễ.
1. Niềm Vui Yêu Thương không thay đổi giáo luật: người ly dị tái hôn không được rước lễ
Ngay khi Niềm Vui Yêu Thương được công bố, Edward N. Peters, một giáo dân phục vụ tại Tối Cao Pháp Viện của Tòa Thánh trong tư cách thẩm trình viên (referendary), đã nhận định ngay rằng: Niềm Vui Yêu Thương “không phải là một văn kiện lập pháp, nó không chứa đựng ngôn ngữ có tính lập pháp hay giải thích chân chính nào, và nó không thảo luận điều 915 của Giáo Luật”. Nên điều giáo luật này không thay đổi: các người Công Giáo trong các cuộc hôn nhân bất hợp lệ không nên rước lễ”.
Trong bài “The law before ‘Amoris’ is the law after” (Luật trước khi có ‘Amoris’ vẫn là luật sau đó), Peters bàn về điều 915 Bộ Giáo Luật, tức điều dạy rằng các thừa tác viên Thánh Thể không được cho rước lễ những người “cố chấp sống trong một tội nặng công khai”. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2384, dạy rằng cuộc tái hôn dân sự sau khi ly dị là “tội ngoại tình công khai và thường xuyên” nghĩa là một tội nặng hiển nhiên. Thành thử, nếu Đức Phanxicô muốn cho phép người ly dị tái hôn rước lễ, hẳn ngài phải thay đổi điều luật này.
Muốn thay đổi như thế, theo Peters, các vị giáo hoàng thường sử dụng một số loại văn kiện như tông hiến, tự sắc hoặc ít nhất một số loại ngôn từ như “tôi chỉ thị” hoặc “tôi chấp thuận in forma specifica (dưới hình thức đặc biệt)”. Niềm Vui Yêu Thương không thuộc loại này và không bàn chi tới điều giáo luật 915. Kết luận là: bất cứ điều 915 dạy gì trước khi có Niềm Vui Yêu Thương, nó vẫn dậy như vậy sau đó, bao gồm việc: người Công Giáo sống trong các cuộc hôn nhân bất hợp lệ không được rước lễ.
Đi vào chi tiết hơn, Peters đề cập tới ba vấn đề của Niềm Vui Yêu Thương:
a. Đức Phanxicô viết rằng “mỗi nước hay miền có thể tìm các giải pháp thích hợp với văn hóa của mình hay nhậy cảm với truyền thống và nhu cầu địa phương của mình” (NVYT số 3, và các số 199, 207). Nhưng sáng kiến địa phương không thể làm biến chất, huống hồ là phản bội giáo huấn phổ quát của Chúa Kitô và Giáo Hội.
b. Trong NVYT số 301, Đức Phanxicô viết: “Thành thử không được đơn giản nói rằng tất cả những ai sống trong bất cứ hoàn cảnh ‘bất hợp lệ’ nào cũng đều sống trong tình trạng tội trọng cả và do đó không có ơn thánh hóa”. Xem ra Đức Phanxicô muốn tấn công ý niệm cho rằng hoàn cảnh bất hợp lệ do cuộc tái hôn dân sự sau khi ly dị là một tội trọng.
Peters cho rằng quả là sai lầm khi quả quyết rằng mọi người sống trong hoàn cảnh bất hợp lệ đều sống trong tội trọng. Nhưng nếu bảo rằng ta không thể quả quyết nữa rằng một cá nhân nào đó đang sống trong cuộc kết hợp bất hợp lệ có thể “đang sống trong tình trạng tội trọng”, thì điều này rõ ràng đi ngược lại truyền thống của Giáo Hội.
c. Một số người đọc lời của Đức Phanxicô theo lối nhận vơ (eisegetical), bằng cách nghĩ rằng ghi chú số 351 trong NVYT và đoạn văn đi kèm cho phép người ly dị tái hôn rước lễ. Thực ra, Đức Phanxicô chỉ nói tới việc những cuộc kết hợp bất hợp lệ cần sự giúp đỡ của các bí tích, nhưng ngài không nói: mọi bí tích, và nhất là các bí tích họ không có tư cách lãnh nhận. Đã đành ngài bảo: tòa giải tội không phải là phòng tra tấn và Thánh Thể không phải là phần thưởng dành cho người hoàn hảo, mà là thuốc tiêng liêng, điều này đúng, chỉ trừ khi được lãnh nhận cách bất xứng hay lỗi luật, điều mà người Công Giáo nào cũng cần phải giả thuyết và vị giáo hoàng nào cũng thấy dù không nói ra.
Nhận định sau cùng của Peters hình như không hẳn là tâm thức của Đức Phanxicô, vì sau này, ngài khen các giám mục Buenos Aires đã giải thích đúng khi cho rằng có những trường hợp người ly dị tái hôn được rước lễ.
2. Văn kiện của Đức Phanxicô có thể dẫn tới ly giáo
Cũng trong tháng Tư, một giáo dân nổi danh khác là Robert Spaemann, một trong các triết gia Công Giáo hàng đầu người Đức, người từng được Đức Gioan Phaolô II tin dùng và là bạn thân của Đức Bênêđíctô XVI, lên tiếng cho rằng Rước Lễ là một vấn đề ‘có hay không’ (yes or no question) và văn kiện của Đức Phanxicô mâu thuẫn với giáo huấn truyền thống của Giáo Hội và có thể dẫn tới ly giáo.
Ông nói rõ hơn khi cho rằng phần lớn NVYT phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, nhưng một số tiết có thể bị đọc cách khác. Theo ông, số 305 cùng với ghi chú 351 kèm theo, “trực tiếp mâu thuẫn với số 84 tông huấn Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolô II”.
Số 305 này nói tới các người sống trong các hoàn cảnh “bất hợp lệ”, tức những người ly dị tái hôn. Đức Phanxicô viết ở đó rằng “vì nhiều hình thức điều kiện hóa và nhiều nhân tố giảm khinh, có thể có việc này: trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan, một hoàn cảnh có thể không thể qui tội một cách chủ quan, hoặc qui tội hoàn toàn như thế, một người nào đó vẫn có thể đang sống trong ơn thánh của Thiên Chúa, có thể yêu thương và cũng có thể lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, trong khi lãnh nhận ơn phù giúp của Thiên Chúa để đạt cùng đích này”.
Ghi chú 351 viết thêm: “Trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự giúp đỡ của các bí tích. Do đó, ‘tôi muốn nhắc nhở các linh mục rằng tòa giải tội không được trở thành phòng tra tấn, nhưng đúng hơn là một cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Thiên Chúa’ (Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng [24 tháng Mười Một, 2013], số 44: AAS 105 [2013], 1038). Tôi cũng muốn chỉ rõ rằng Thánh Thể ‘không phải là phần thưởng cho người hoàn hảo, nhưng là thuốc chữa mạnh mẽ và là của dưỡng nuôi người yếu đuối’”.
Tông Huấn Familiaris Consortio năm 1984 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng những người ly dị tái hôn không nên rước lễ trừ khi họ sống “tiết dục hoàn toàn”. Tông Huấn dạy rằng điều này dựa vào truyền thống bắt nguồn từ Thánh Kinh: “Giáo Hội tái khẳng định thực hành của mình không cho phép các người ly dị tái hôn được rước lễ, một thực hành vốn dựa vào Thánh Kinh”.
Spaemann cho rằng: “Ta không thể chờ mong việc người ta thưởng thức một bản văn tươi đẹp mà quên mất những đoạn văn chủ yếu có tính thay đổi giáo huấn của Giáo Hội trong một văn kiện giáo hoàng. Thực sự chỉ có một quyết định rõ ràng là có hay không. Cho rước lễ hay không cho rước lễ, không có chủ trương nào ở giữa cả”.
Theo Spaemann, cánh cửa đã đóng đối với việc lãnh nhận các bí tích của những người tiếp tục sống trong các liên hệ tình dục, vì việc này “mâu thuẫn một cách khách quan đối với trật tự sống của Kitô Giáo”.
Ông bảo NVYT chịu ảnh hưởng của nền đạo đức hoàn cảnh vốn bị Đức Gioan Phaolô II kết án trong thông điệp Veritatis Splendor. Ông tiên đoán rằng sẽ có “bất trắc và hồ đồ” ở mọi bình diện của Giáo Hội, “từ các hội đồng giám mục tới vị linh mục bé nhỏ ở rừng sâu” và tình trạng này có thể dẫn tới ly giáo “ở ngay trái tim của Giáo Hội”. Ông nói thêm: mục tiêu chiếm được lòng người của Đức Phanxicô đã bị đánh chìm bởi văn kiện này trong một “thời gian có thể tiên đoán được”.
Sau khi có việc công bố lá thư của bốn vị Hồng Y, Spaemann len tiếng ủng hộ các vị này, cho rằng các vị đã đi đúng đường và mong muốn nhiều người tham gia hàng ngũ của các ngài.
Theo ông, Đức Đương Kim Giáo Hoàng vốn không thích đưa ra các “quyết định đòi phải nói có hay không”. Nhưng Chúa Kitô thường làm “cho các tông đồ kinh ngạc bằng tính đơn giản và sáng sủa của tín điều”.
Vũ Văn An
Kỳ sau: 3. Song hành giữa lạc giáo Ariô và Niềm Vui Yêu Thương