|
Flanigan bắt đầu đến Brown Medical School từ năm 1991 để cộng tác vào một mạng lưới chăm sóc chủ yếu cho các người bị nhiễm virus Hiv, đặc biệt là các phụ nữ, những người nghiện ma túy và các cựu tù nhân. Ông cũng phát triển các chương trình giúp các cựu tù nhân bị nhiễm Hiv nối kết với các chăm sóc cộng đồng, giúp điều trị bệnh và cai nghiện.
Việc là một phó tế Công giáo giúp cho các công việc trở nên thuận tiện dễ dàng hơn đối với bác sĩ Flanigan. Ông chia sẻ: “Công việc của tôi là trợ giúp các bệnh nhân. Tôi không muốn truyền đạo cho họ nhưng là giúp họ hiều rằng đức tin có thể giúp ích cho họ.” Theo các báo cáo y khoa về đức tin và y khoa, các bệnh nhận vui thích khi niềm tin của họ được các bác sĩ và bệnh viện nhìn nhận và trợ giúp, nhưng phần lớn các trường y khoa không nói về vấn đề này. Bác sĩ Flanigan cho biết: “Thực tế, các trường y khoa có thể nói về mọi sự, nhưng họ không nói về Thiên Chúa và cầu nguyện. Họ trở nên bực bội khi các vấn đề này được đề cập đến.” Bác sĩ cũng nói thêm là khuynh hướng của các trường y khoa là mô tả tất cả trong ngôn ngữ của tiến trình sinh học của chúng ta, nhưng chúng là là con người với máu thịt hơn chứ không chỉ như thế. Dù cho các trường y khoa không muốn nói về đức tin, nhưng bác sĩ Flanigan không ngại nói về nó. Ông chia sẻ: “Tôi rất thoải mái về việc mình là một phó tế Công giáo. Tôi luôn đề nghị các bệnh nhân của tôi đào sâu đức tin của họ, dù là đạo nào. Chưa từng có ai cảm thấy bị xúc phạm. Tôi luôn tìm cách tiếp cận các bệnh nhân cách cởi mở và không phán đoán.”
Đa số các bệnh nhân của bác sĩ Flanigan là người Công giáo bởi vì ông làm việc tại Rhode Island, một trong số các tiểu bang Công giáo nhất của Hoa kỳ. Ông có thể thấy một số bệnh nhân sống đức tin thật sự ngay cả khi họ đang hấp hối. Ông kể, có một nữ bệnh nhân bị một thứ ung thư không thể giải phẫu và làm cho bà bị nhiễm trùng rất nhiều. Bà ta có một đức tin mạnh mẽ, bà đã nói với ông là bà sẽ ở đó cho đến khi nào mà Chúa muốn. Những lần khác, ông gặp những bệnh nhân bị tha hóa bởi các tôn giáo có tổ chức. Ông đã khuyến khích họ suy nghĩ lại và nói với họ là Thiên Chúa yêu thương họ. Ông cho biết việc co cụm và tha hóa rất là thường gặp trong các bệnh nhân. Có được sự hỗ trợ của một cộng đồng đức tin là một điều tuyệt diệu và không tốn kém gì cả. Ông cũng nói với các bệnh nhân rằng có những lúc tất cả chúng ta đều cô đơn và chúng ta cũng cần có sự trợ giúp.
Trong hai tháng ông sống ở Liberia, giữa cuộc khủng hoảng của nạn dịch ebola, bác sĩ Flanigan nhận thấy đức tin của người dân Liberia là một thực tế vững chắc; họ cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa liên tục không ngừng. Đức tin của họ bị thử thách dữ dội bởi sự lan tràn của dịch bệnh. Các y tá có thể gặp nguy hiểm khi giúp các người bệnh, bởi vì họ thường bị lây bệnh nhưng họ vẫn hàng ngày đến chăm sóc bệnh nhân. Họ là những anh hùng.
Đối với bác sĩ Flanigan, thử thách lớn của thời đại chúng ta không phải là cuộc khủng hoảng hiện đại của đức tin nhưng là cách đối diện với đau khổ. Có một nghích lý trong thế giới chúng ta hiện nay. Chúng ta giỏi giang khi làm cho cuộc sống rất thoải mái, nhưng chúng ta không thể tránh được những khổ đau của trái tim con người. Người ta vẫn tìm đến tự tử; trầm cảm, lo âu vẫn ở trong con người thay vì hạnh phúc. Bác sĩ chía sẻ: “Là thầy thuốc, chúng tôi không ngừng trợ giúp trong những đau đớn và đau khổ của con người. Hoặc là người ta hiều được tình yêu của Chúa chúng ta giữa lúc đua khổ hoặc là, như một số người, chối từ Thiên Chúa. Quan điểm cá nhân của tôi là Thiên Chúa luôn lôi cuốn đến với Người những người đau khổ ngay cả khi họ không có sự hiểu biết về Người.” Ông kể lại trường hợp của một người đồng tính và bị Giáo hội loại bỏ. Anh ta ở trong bệnh viện 6 tuần lễ vì bị lây nhiễm. Trong đau đớn, anh đã chạy đến với Chúa và cùng mẹ đọc kinh Mân Côi hàng ngày. Qua những sự kiện này, bác sĩ Flanigan đã học biết về Chúa Thánh Thần. Theo ông, Chúa Thánh Thần không phải sống chung với những định kiến của chúng ta; Ngài thường hiện diện trong những tình huống mà chúng ta ít chờ đợi. Chính những suy nghĩ này giúp cho bác sĩ luôn tiến bước ngay cả khi cảm thấy mất lòng can đảm.
(Hồng Thủy, RadioVaticana 07.02.2017/
Aleteia .it 17/01/2017)