Năm 1931, Chúa Giêsu đã mạc khải cho nữ Thánh Faustina Kowalska sứ điệp về lòng tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa đối với thế giới, và Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã là người phổ biến Thông điệp đó trên toàn cầu. Ngài chính là vị Giáo Hoàng đã quyết định thành lập lễ Lòng Thương Xót Chúa vào Chủ Nhật thứ II sau Phục Sinh kể từ ngày 22 tháng Tư năm 2001. Ngài có ý làm nổi bật mối liên hệt chặt chẽ giữa các mầu nhiệm Phục Sinh và Lễ Lòng Thương Xót Chúa, thánh Faustina nói : “Công trình cứu chuộc có liên quan đến công việc của Lòng Thương Xót“.
1) Từ cạnh sườn bị đâm thủng : nguồn ánh sáng và lòng thương xót.
Phép Rửa tội đích thực là lòng thương xót của Thiên Chúa được “sinh ra” từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Kitô, “nguồn suối của lòng thương xót, tuôn trào sự tha thứ“, không chỉ tha thứ tội Tổ Tông, mà còn liên kết chúng ta với Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa là Tình Yêu và hay thương xót, Ngài không bao giờ phản bội với danh Ngài. Qua mầu nhiệm Khổ Nạn, Sự Chết và Phục Sinh của Đức Kitô, cuộc sáng tạo mới được hoàn thành, chính lúc Ađam ngủ, Thiên Chúa đã tạo dựng Evà từ cạnh sườn của ông, nay lúc Chúa Kitô ngủ trên Thánh Giá Thiên Chúa đã khai sinh Giáo hội từ cạnh sườn Chúa.
Từ trái Chúa Kitô bị đâm thủng Giáo hội được sinh ra : thánh Tôma đã nhận được món quà vô giá là thọc bàn tay vào cạnh sườn của Đấng Phục Sinh gần trái tim Chúa, tha thứ cho sự hoài nghi của ông. Ông chạm vào con người và nhận ra Thiên Chúa, một lần nữa Lòng Thương Xót Chúa mạc khải cho ông.
Như thánh Tôma, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta : “Hãy sỏ ngón tay con vào đây, hãy đưa tay ra và thọc vào cạnh sườn Thầy!” (Ga 20,19) Cử chỉ này đã đủ cho Tôma. Ông không thể sai lầm. Tay Chúa Kitô có một lỗ đanh, cạnh sườn Chúa có vết thương: ngần ấy các dấu chỉ của tình yêu mà Chúa Giêsu không che giấu, thậm trí Người cho chúng ta thấy : lỗ đanh, vết thương ở cạnh sườn Người mà từ đó máu và nước chảy ra : lòng thương xót của Thiên Chúa.
2) Từ sợ hãi đến niềm vui
“Những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do thái ” (Ga 20,19). Không phải sợ. Hầu như sợ hãi là không thể nhưng chúng tồn tại và có thật. Sợ hãi làm cho cửa lòng mình đóng lại với người khác. Sau khi Chúa chết, nhà các môn đệ giống như ngôi mộ, họ sống với sự sợ hãi, sợ chết. Chúa Giêsu không còn ở trong Mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Cái chết đã bị đánh bại: vậy thì còn gì phải sợ? “Họ vui mừng khi thấy Chúa” : các môn đệ từ sợ hãi đến vui mừng.
Chúa vui, các môn đệ vui, niềm vui của tình Thầy trò bén dễ sâu trong tình yêu. Niềm vui này không tách rời khỏi Thập Giá, nhưng trong khả năng của mình, con người có thể hiểu được Thập Giá và thảm kịch của con người.
Với niềm vui, Đấng Phục Sinh đã ban cho chúng ta một món quà khác là : bình an. Bình an và niềm vui là những “món quà” của Chúa Kitô, đồng thời “dấu chỉ” để nhận biết Người. Sự bình an và niềm vui nảy nở trong tự do và hy sinh.
3) Sự tha thứ là sứ mệnh
Cuộc gặp gỡ thương xót của Đức Kitô với Tôma, không chỉ riêng Tôma mà cả các môn đệ kia nhờ Tôma mà thấy tỏ tường những vết thương của Thầy Chí Thánh. Các môn đệ hết sức vui mừng vì được gặp Chúa. Từ niềm vui của các môn đệ đến niềm vui của người được yêu thương, mời gọi chúng ta yêu thương như Chúa đã yêu. Sứ mạng của Hội Thánh tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu, được Chúa Cha gửi đến cho các anh em mình. Chính vì thế mà chúng ta là những tạo vật mới, được Thần Khí làm cho sống, là tình yêu, hồng ân và sự tha thứ cho hết thảy mọi người. Nếu chúng ta tha thứ, chúng ta giống như Chúa Giêsu và chúng ta sẽ có sự bình an của Người: “Bình an cho các con“.
Cử chỉ trao ban bình an của Chúa cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông : ” Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con“. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” ( Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân “tha thứ các tội lỗi” diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi Phục Sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa : ” Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Ga 3, 16). Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng .
Lạy Chúa, nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa, Chúa đã mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha cho chúng con, chúng con tin thác vào Chúa, chúng con lặp lại ngay lúc này với xác tín rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, xin thương xót chúng con và thế giới.
Lạy Mẹ maria, Mẹ của lòng nhân từ hay thương xót, xin giúp chúng con là con cái Mẹ duy trì lòng tin vào Con Mẹ, Ðấng cứu chuộc chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ