Baptisterium, Baptistry, Baptistère
Giếng Thánh Tẩy đã có từ thế kỷ IV, được thiết kế với những kiểu khác nhau, có khi là một bể nước để người dự tòng được dìm xuống; hoặc chỉ là một chậu bằng đá, bằng kim loại hay bằng gỗ đặt trên một trụ vừa tầm để có thể cử hành theo hình thức đổ nước trên đầu.
Hình dạng của Giếng Thánh Tẩy có ý nghĩa biểu trưng, như hình tròn diễn tả việc được an táng với Đức Kitô trong mộ; hình bát giác biểu trưng cho ngày thứ Tám – ngày Đức Kitô Phục Sinh và Ngày Cánh Chung, cuộc sống mới được viên mãn (x. GLHTCG 349, 1185-1186)
Theo truyền thống, Giếng Thánh Tẩy được đặt ở cuối hoặc bên hông nhà thờ, để sau khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, người tân tòng sẽ được Giám mục dẫn tới gần cung thánh. Cách cử hành này đánh dấu việc người tân tòng được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Tại Việt Nam, người dự tòng thường được đổ một ít nước trên đầu thay vì được dìm vào nước. Do vậy, Giếng Thánh Tẩy được thay thế bằng một vật dụng có thể di chuyển được và thường được đặt gần cung thánh – nơi được coi là thích hợp nhất để cử hành Bí tích Thánh Tẩy (x. PV 128)
Tiểu ban Từ vựng – UBGLĐT/HĐGMVN
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc