Để lay thức tín hữu đôi khi thiu thiu ngủ khi nghe giảng, linh mục Joël Guibert đề cập đến vấn đề tế nhị của việc giảng lễ. Đảm bảo rất hiệu quả.
Aleteia: Giảng lễ có phải là một chiều kích nền tảng của đời sống và sứ vụ của Giáo hội không?
Linh mục Joël Guibert: Đúng, không phải chính tôi nói mà các tín hữu tự họ nói. Nếu để cho họ nói, họ cho biết, họ mong chờ ở bài giảng ngày chúa nhật rất nhiều, ngược lại họ sẽ thất vọng nếu bài giảng không súc tích. Trong tông thư về phúc âm hóa, Đức Phaolô VI đã nói, tín hữu kitô “mong chờ rất nhiều ở bài giảng và họ nhận rất nhiều ơn ích ở đây”.
Trong cương vị cha xứ, cha giảng tĩnh tâm, xin cha cho biết kinh nghiệm về bài giảng của cha.
Cùng nhiều cha bạn khác, tôi chứng nghiệm tác động của bài giảng trên tâm hồn giáo dân, càng ngày tôi càng thấy sự thật và sức mạnh của lời Thánh Phaolô: “Đức tin nảy sinh từ bài giảng” (Rm 10, 17). Trong các khóa tĩnh tâm, đôi khi chúng tôi thấy giáo dân chao đảo trong đức tin, một vài người đi từ một đức tin hời hợt đến một đức tin mật thiết, sâu đậm với Chúa, nhờ sự khám phá khía cạnh này, khía cạnh kia của đức tin và tình yêu của Chúa, họ sống một cách khác hơn trước, trước đây họ đã sống trong đau khổ. Linh mục chân phước Antoine Chevrier không ngần ngại nói: “Đây là một công việc rất cao lớn nếu không muốn nói là công việc duy nhất: giảng dạy, huấn luyện. Sứ vụ rao giảng là sứ vụ quan trọng nhất trên tất cả, đó là sứ vụ đi trước cả sứ vụ giải tội để hoán cải, để làm sáng tỏ, dạy dỗ”.
Cha nêu lên sự thất vọng của giáo dân khi họ nghe giảng. Theo cha, cần phải làm mới lại bài giảng ngày hôm nay?
Một linh mục có được cái nhìn khoáng rộng về vấn đề này cho tôi biết, chung chung bài giảng ở một mức độ tốt. Điều này muốn nói, nếu chúng ta muốn làm mới lại việc rao giảng thì phải hướng về Chúa mà quay về. Thật vậy, hoặc chúng ta muốn đơn giản “nói chuyện” về Chúa và về ơn cứu rỗi theo nghĩa “nói về”, hoặc chúng ta để cho Chúa “nói về” ơn cứu rỗi, theo nghĩa để ơn Chúa tác động. Vậy, nếu “chỉ có Chúa cho Chúa!”, thì chúng ta phải xin Chúa dạy cho chúng ta ơn này, ơn rao giảng. Như thế người rao giảng phải chấp nhận trả một giá để có được ơn này và ban ơn này, vì rao giảng trong Thần Khí trước hết là cuộc chiến đấu thiêng liêng, Đức cố Hồng y Lustiger dự đoán trước: “Người tông đồ loan báo tình yêu, họ có nguy cơ không tránh được và phải chấp nhận trước, rằng tình yêu không hẳn được yêu”.
Làm sao có thể thấy được một bài giảng chỉ duy của “con người” và bài giảng được Thần Khí hứng khởi?
Chúa Giêsu, Đấng rao giảng của các người đi rao giảng luôn được Thần Khí tác động: “Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy” (Ga 8, 28)… Và đó phải là nỗi “ám ảnh” của chúng ta. Thánh Lui-Maria Grignion, Montfort, nhà rao giảng đại chúng phân biệt cái mà ngài gọi là người rao giảng “theo mốt” và người rao giảng “tông đồ”: bài giảng có thể rất thiêng liêng, nhưng không nhất thiết đó là bài giảng trong Thần Khí; nó có thể rất phong phú nhưng không do Thần Khí hứng khởi; nó có thể rất xuất sắc tuyệt chúng nhưng cũng không ở dưới tác động của Thần Khí; nó có thể có tính cách mô phạm và làm sáng tỏ nhưng cũng không phải là hoa quả trực tiếp từ Thần Khí. Linh mục nhân lành Montfort thậm chí còn nói, “có cả ngàn nhà rao giảng, tôi có thể nói có cả mười ngàn người rao giảng mà không bị cho là nói ngoa, may ra có một người có được ơn này của Thần Khí; đa số chỉ có miệng lưỡi, khôn ngoan của loài người”.
Trong tác phẩm của cha, cha đề nghị nhiều lời khuyên thực tế để giảng. Theo cha lời khuyên nào là quan trọng nhất?
Trước hết là đừng đọc bài giảng dù mình có bài giảng trước mặt. Bài giảng là cách truyền thông: chúng ta nói với cử tọa như nói với người bạn. Thứ nhì là để ý đến “rao giảng với hình ảnh”. Đức Phanxicô rất mạnh ở điểm này. Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, ngài viết: “Một hình ảnh lôi cuốn sẽ làm cho sứ điệp được đón nhận như một cái gì thân thuộc, gần gũi, dính với đời sống riêng của người nghe. Một hình ảnh đầy đủ có thể làm cho sứ điệp được đón nhận như mình mong muốn”. Tôi bổ túc thêm vào nguyên tắc này: bất cứ một tư tưởng thần học nào cũng phải đi kèm theo một hình ảnh. Đức Giáo hoàng nói thêm: “Một bài giảng hay, như người thầy ngày xưa của tôi nói, phải chứa đựng “một ý tưởng, một cảm nhận, một hình ảnh”. Điểm rất thú vị cần biết là các linh mục Đa Minh đầu tiên đi rao giảng đã soạn các quyển sách đầy “ví dụ”: các ví dụ đơn giản giúp làm sáng tỏ điểm này điểm kia của đức tin, của luân lý. Nên tìm lại để học trực giác bén nhạy này nơi các anh em đi rao giảng đầu tiên.
Các tín hữu có thể phản hồi với linh mục về bài giảng khi họ đi ra khỏi lễ không?
Không có gì bắt buộc chúng ta làm, nhưng phải rất đơn giản. Tránh nịnh bợ, nhưng nếu mình được đánh động một đoạn nào thì mình có thể cám ơn cha đã là khí cụ của ơn Chúa. Dù sao đi nữa, tất cả đều đến từ Chúa. Mặt khác, cũng không nên quá lo cho nguy cơ họ có thể bị kiêu ngạo vì lúc này lúc kia, họ không thiếu dịp bị mâu thuẫn, bị phật ý!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch