Đóng đinh thật tại Philippines

Ở Philippines, lòng sùng đạo của một số giáo dân đã vượt giới hạn. Những cuộc đóng đinh và tự đánh đòn diễn ra hằng năm để tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, theo truyền thống trong các ngôi làng thuần Công giáo tại quần đảo này , trong khi những tái hiện đẫm máu các giây phút cuối đời của Chúa Giêsu đã bị Giáo hội hủy bỏ
Đóng đinh thật tại Philippines

Các cuộc đóng đinh diễn ra suốt ngày thứ Sáu Tuần Thánh trong các cánh đồng bụi bặm, lôi cuốn hàng ngàn người đến xem. Ngoài ra, họ còn có thể chứng kiến các hối nhân tự “đánh tội” (hành xác) đến chảy máu. Năm nay, từ sáng tinh mơ, các thanh niên hóa trang thành binh lính La Mã, đã đóng những chiếc đinh dài xuyên tay chân ông Willy Salvador, ngư dân 59 tuổi. Ông nằm dài trên thập giá gỗ, nhăn mặt đau đớn, nhưng trong thinh lặng. Ông này đã đóng vai Chúa Giêsu vào mỗi thứ Sáu Tuần Thánh từ năm 2006. Ông kể với hãng tin AFP lúc chuẩn bị lê chân trần trên các đường làng San Juan, bắc Manilla:  “Tôi biết các bạn sẽ không tin tôi, nhưng Chúa đã giúp tôi hồi phục sau một đợt bị trầm cảm. Đây là cách tôi tạ ơn Chúa đã chữa lành cho mình”.

Những cuộc tái hiện một trong những giây phút tiêu biểu nhất trong sự Thương khó của Chúa Kitô cũng là hình thức cực đoan nhất của lòng mộ đạo nơi tín hữu quần đảo này.

Trong vòng vài phút

Đinh đóng xuyên qua mỗi bàn tay và đôi chân của người tình nguyện, tuy nhiên, những điểm bị đóng đinh không phải chịu trọng lượng cơ thể. Bởi lẽ các cánh tay đã được buộc chặt vào thập giá. Họ chỉ chịu treo vài phút, trước khi được hạ xuống và chăm sóc y tế. Sau ông Salvador, đến lượt ông Alex Daranang, người bán hàng rong, chịu treo trên thập giá trước ngày sinh nhật thứ 60 của mình. Vị cao niên móm mém bình luận về lượt đóng đinh thứ… 20 này của ông: “Các vết thương liền sẹo rất nhanhChỉ trong hai ngày, các vết thương hầu như lành lặn”.

Tuy bị Giáo hội chê trách, các tập tục ấy vẫn là điểm quan trọng, thu hút du khách. Hàng chục ngàn người, trong đó chừng mươi khách phương tây, đã tuôn về ngôi làng San Pedro kế cận để tham dự mười lăm cuộc đóng đinh và các nghi thức đẫm máu khác.

Quanh mô đất ở làng San Pedro, thay thế đồi Golgotha xưa, các người bán hàng rong mua đi bán lại những vật lưu niệm, mũ nón, nước ngọt và thức ăn. Nhiều màn hình khổng lồ được lắp đặt cho những ai đến muộn, không thể vào các hàng đầu được. Hằng năm, trong quần đảo rất đông người Công giáo này, các làng nhỏ như San Pedro, cách phía bắc Manilla 90 phút đi xe, tái hiện trong hai ngày trước lễ Phục sinh một trong các khoảnh khắc tiêu biểu nhất của cuộc Khổ nạn. Qua đó, các binh lính La Mã, các tên trộm lành, trộm dữ và những người đóng vai Chúa Giêsu, đều lần lượt thay phiên trong ngày, chịu đóng đinh chân tay vào các thập giá dựng lên trong giây lát.

Nhan nhản biển quảng cáo

Vấn đề dễ nhận thấy là gần nơi đóng đinh có rất nhiều biển hiệu, nhưng không tôn vinh Chúa, mà để quảng cáo các hãng viễn thông của Philippines, thức ăn nhanh, nước uống tăng lực hoặc hệ thống khách sạn địa phương.

Rosemarie Musngi, 44 tuổi, cố đi nhà thờ buổi sáng trước khi đến gần đồi “Golgotha” của làng San Pedro. Dưới lều mướn của hãng viễn thông, chị dựng một quầy nhỏ bày bán cá viên chiên, nước giải khát và hàng lưu niệm. “Chúng tôi cầu xin Chúa cho chúng tôi kiếm được một ít tiền và người ta mua hàng của chúng tôi”, chị giải thích.

Thứ sáu tuần thánh:  30.000 khán giả

Theo ông Ching Pangilinan, người phụ trách phòng du lịch làng San Fernando, những tái hiện cuộc Khổ nạn của Chúa năm nay đã cuốn hút khoảng 30.000 khán giả, trong đó 1.500 du khách nước ngoài. Qua nhiều năm, cuộc biểu diễn này ngày càng nổi tiếng đã buộc các ủy ban thành phố kêu gọi tư nhân tài trợ những dịch vụ hậu cần thiết yếu, như nhà vệ sinh lưu động hay các biển báo. Đối với các công ty cần quảng cáo, một cuộc tập hợp các khách hàng tiềm năng như thế quả là một mối lợi bất ngờ.

Trong các nhà tài trợ ngày lễ Thứ Sáu Tuần Thánh, đặc biệt phải kể đến hai nhà mạng di động chính của quần đảo. Để đổi lấy những không gian quảng cáo và địa điểm bày hàng, công ty Smart Communications đã chấp thuận phát hình trực tiếp các sự kiện trên mạng internet và cung cấp wifi miễn phí. Do đó, không cần chờ đợi, các khán giả có thể đưa lên mạng xã hội những bức ảnh “tự chụp” (selfie) của mình với “Đức Giêsu giả” trên thập giá ở hậu cảnh.

VIẾT HIỆP (Theo AFP)

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc