Đức Phanxicô sẽ gặp Đức Thượng Phụ chính thống giáo Coptic Tawadros II, Tổng thống Ai Cập al-Sissi và giáo sĩ Al-Tayeb, Đại imam của Viện Al-Azhar. Chuyến đi diễn ra sau mười chín ngày xảy ra hai vụ tấn công đẫm máu vào hai nhà thờ của người Coptic do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng nhận mình gây ra.
“Trong cuộc họp báo ngày 5 tháng 4 do Sứ mệnh Đông phương tổ chức ở trụ sở các giám mục Pháp ở Paris, Giám mục công giáo Coptic Youssef Abou El Kheir thuộc địa phận Sohag ở Thượng-Ai Cập nhắc lại: “Đức Phanxicô từ chối sự liên hệ giữa hồi giáo hay bất cứ tôn giáo nào với nạn khủng bố”.
Trong buổi họp này, nhiều nhân vật đã trình bày các thách thức về chính trị, ngoại giao và tôn giáo trong chuyến tông du của Đức Giáo hoàng. Giáo sư thần học Christian Cannuyer cảnh báo: “Mặc dù bên ngoài có một sự ổn định nào đó, nhưng Ai Cập vẫn là nước đang bị nguy hiểm”. Giáo sư Cannuyer là nhà ai-cập học, chuyên gia về cộng đồng người Coptic, giáo sư cho biết quốc gia này “dễ nghiêng về bạo lực, dù họ có khát vọng hòa bình”.
Ai Cập “chìa khóa cho tương lai của kitô giáo Đông phương”
Theo các chuyên gia, tương lai của kitô giáo Đông phương “không phải ở Iraq hay Syria, cũng không phải ở Liban.” Nếu cộng đồng kitô người Coptic chỉ có ít hơn 10% dân số Ai Cập, “nhưng that ra họ có khoảng 6 triệu tín hữu”, và đó là cộng đoàn kitô hữu lớn nhất trong thế giới Ả Rập. Trên thực tế, các kitô hữu Ai Cập “ít di dân hơn các kitô hữu các nước khác,” lý do đơn giản, họ không có phương tiện tài chính: đó là một dân tộc ở “miền quê”.
Giáo sư Christian Cannuyer bày tỏ mối quan tâm của mình trước tình hình “dễ nổ” ở vùng bán đảo Sinại, nơi có hàng chục gia đình người Coptic đã rời bỏ nhà cửa sau khi họ bị người hồi giáo nhắm làm mục tiêu cho những hành động bạo lực. Trên thực tế, chi nhánh Ai Cập của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã biến cộng đồng kitô hữu người Coptic thành mục tiêu chính. Tháng 2 vừa qua, một video của những người hồi giáo phát trên mạng cho thấy rõ ràng họ hận thù các tín hữu kitô.
Đại kết
Giáo sư Christian Cannuyer nêu lên tính cách tôn trọng của Đức Phanxicô khi nói Đức Thượng Phụ Coptic là “giáo hoàng Tawadros II”. Và ngài tự giới thiệu mình là “Giám mục giáo phận Rôma” ngay từ ngày đầu giáo triều của mình. Một cách tế nhị nhắc lại danh xưng “giáo hoàng” dành cho Giám mục giáo phận Rôma chỉ có từ thế kỷ thứ VI, như giới đại học đã nhắc lại. Qua cách dùng chữ này, Đức Phanxicô cho thấy, ngài cũng là giám mục như tất cả các giám mục khác trên thế giới.
Chính trong tính cách hiệp nhất và khiêm nhường này mà Đức Giáo hoàng bày tỏ sự ủng hộ của mình với Tòa Thượng phụ Coptic, khi vụ tấn công vào hai nhà thờ ngày Lễ Lá 9 tháng 4, làm cho 44 người bị thiệt mạng: “Tôi xin bày tỏ lời chia buồn sâu sắc của tôi với người anh thân yêu, Đức Giáo hoàng Tawadros II”.
Một cuộc đối thoại phức tạp giữa hồi giáo-kitô giáo
Một điểm nổi bật khác của chuyến tông du này: gặp giáo chủ Al-Tayeb, Đại Iman của nguyện đường Al-Azhar, viện sunnit cao nhất của Ai Cập. Hai người đã gặp nhau ở Vatican vào tháng 5-2016 và đã nối liên lạc giữa hai tổ chức tôn giáo. Trong quá khứ, mối quan hệ đã xấu đi sau vụ tấn công nhắm vào người Coptic năm 2011, khi Đức Bênêđictô XVI tố cáo sự “bất khoan dung tôn giáo” đã làm cho Viện bất bình. Sau đó Viện đơn phương ngưng mọi quan hệ.
Theo giáo sư Christian Cannuyer, giáo chủ Al-Tayeb giữ một chức vụ có thẩm quyền tối cao ở Viện Al-Azhar “không phải là nhập nhằng vô tội”. Trên thực tế, dù giáo chủ Ahmed Al-Tayeb chủ trương đối thoại tập hợp lại, nhưng gần đây giáo chủ cho rằng bỏ đạo “trên lý thuyết là một tội bị án tử hình”. Tuy nhiên trong một buổi họp báo ở Cairô về khái niệm quyền công dân ở Ai Cập vào ngày 28 tháng 2 và 1 tháng 3, Đại imam đã tuyên bố, “tín hữu kitô không thể bị xem là một thiểu số, một từ ngữ mang ý nghĩa tiêu cực”. Đại iman là một nhà lãnh đạo tư tưởng hồi giáo chống nạn khủng bố.
Một tình huống căng thẳng
Tổng thống Ai Cập al-Sissi phải khắc phục một đòn cân khác. Theo chuyên gia về Ai Cập, đây là nhân vật lập lờ: “Nhân vật không để người khác thấy rõ mình ngay.” Giáo sư Christian Cannoyer nhận xét: “Tổng thống al-Sissi không có câu trả lời nào cho hồi giáo, ngoài trở về tình trạng một Quốc gia cưỡng bức”. Nhà lãnh đạo Quốc gia liên đới với người Coptic cho thấy một vài “cởi mở với xã hội kitô và với một hồi giáo dám nhìn lại vào chiều sâu của mình”.
Và đó là bối cảnh chuyến tông du của Đức Phanxicô ở trong tình huống căng thẳng này. Đất nước mà tự do tôn giáo được bảo đảm, nhưng “không có tự do của lương tâm”, giáo sư Christian Cannuyer nhấn mạnh, ông giải thích một chế độ có nền công dân tiến bộ sẽ thấy rõ khi việc “thay đổi tôn giáo hay không thay đổi tôn giáo” được đảm bảo.
Qua các cuộc gặp gỡ này, giáo sư hy vọng sự “sáng suốt nơi Đức Giáo hoàng” trong cuộc đối thoại với các đối tác của mình, “không phải trên mặt tiền sân khấu”, cho phép hiểu rằng “câu trả lời cho chủ nghĩa cực đoan tôn giáo không phải là một bài diễn văn tôn giáo có tích cách ôn hòa, nhưng là sự khẳng định quyền công dân phải được đứng hàng đầu, cần thiết để hướng về một “chủ nghĩa thế tục cởi mở”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch