Hai người phụ nữ mang khăn che mạng và lúp đều màu xanh vui vẻ trao đổi với nhau, vài phút trước khi bước vào buổi hội thảo cuối tuần ở Taizé, một cuộc gặp gỡ không giống như những cuộc gặp gỡ khác. Người ta cứ tưởng đó là hai người bạn lâu năm, nhưng trước đó họ chưa bao giờ gặp nhau. Một người thuộc Dòng Tiểu muội Chúa Giêsu, 82 tuổi; còn chị Malika là tín đồ Hồi giáo ở Lyon, 27 tuổi. Người nữ tu nói: “Tôi đã sống 50 năm ở các nước Hồi giáo. Vấn đề là người ta không biết nhau, nên một khi gặp gỡ nhau, các bức tường sẽ sụp đổ”.
Khaled Roumo, thi sĩ Hồi giáo, người có sáng kiến quy tụ này, đã không lầm khi đề nghị với cộng đoàn đại kết Taizé đón nhận cuộc gặp gỡ cuối tuần lần đầu tiên này của tình bằng hữu Hồi giáo-Kitô giáo. “Đối thoại liên tôn chỉ có ý nghĩa trong lĩnh vực tâm linh. Khi các tôn giáo được giảng dạy như những nền văn hoá, là không đi sát với bản chất của tôn giáo. Lúc ấy Kitô giáo trở thành một mớ các công trình và thiếu đi điều gì đó”.
“Không phải mọi người Hồi giáo đều yêu thương người thân cận”
Nhưng trước khi đối thoại trong sự thật, phải xây dựng một mối tương quan tin cậy. “Không phải vì ngây thơ mà chúng ta tránh né một số đề tài, nhưng vì còn quá sớm để nêu ra những đề tài ấy”, Thầy Alois, bề trên cộng đoàn Taizé, thừa nhận. “Chúng ta phải có can đảm đề cập đến những đề tài nhạy cảm, nhưng chỉ khi nào đã có sự tin cậy lẫn nhau”, thầy Benedict nói.
Khi có những đề tài gai góc cùng với các câu hỏi của cử toạ, Sheikh Khaled Bentounès, nhà lãnh đạo tinh thần Huynh đoàn Hồi giáo Sufi Alawiyya của Algeria, không tránh né: “Không phải mọi người Hồi giáo đều yêu thương người thân cận. Hãy đi nói với những người Hồi giáo ở Syria rằng mọi người Hồi giáo đều đang sống trong an bình, thế mà họ lại đi chặt đầu các Kitô hữu! Những người Hồi giáo chúng ta phải dạy cho con cháu mình không được khạc nhổ trước các nhà thờ hay hội đường Do Thái, và thậm chí bước vào đó”.
Những từ ngữ được các Kitô hữu sử dụng cũng không kém mạnh mẽ, giống như câu nói của linh mục đan sĩ Xitô Christian Chergé, bề trên tu viện ở Tibhirine, bị ám sát năm 1996 tại Algeria, được trích dẫn trong một cuộc hội thảo: “Nhân danh Chúa Kitô, chúng ta phải chấp nhận rằng Hồi giáo có điều để nói với chúng ta về Chúa Kitô”.
Ba phòng cầu nguyện dành cho người Hồi giáo
Hai năm qua có nhiều người tị nạn đến Taizé, phần đông là những người ngoài Kitô giáo; điều đó đã dẫn đến quyết định cho sự cởi mở thiêng liêng này. Thầy Benedict vui mừng nói rằng: “Nhờ có họ, chúng tôi đã tạo lập được các mối quan hệ với những người Hồi giáo ở Chalon-sur-Saône, và Ahmed Belghazi, vị imam của họ, bây giờ là bạn của chúng tôi”. Vả lại họ cũng là những gia đình được cộng đoàn đón tiếp, họ đã giúp các sư huynh chuẩn bị ba phòng cầu nguyện dành cho những người đồng đạo của họ. “Ngay cả khi chúng tôi làm điều đó cho các buổi cuộc quy tụ của chúng tôi, cũng không được tốt đẹp như thế!”, vị imam người Chalon vừa cười vừa thú nhận.
Các bạn trẻ Hồi giáo thuộc Phong trào “Chung sống”, đến từ khắp nước Pháp, cũng đã nhạy cảm với cách tiếp đón “rất trọng thị” này, Radia Bakkouch, chủ tịch Phong trào cho biết. “Họ thấy mình thực sự được tôn trọng khi thực hành đức tin của mình”. Thậm chí còn mong sẽ có một số cải tiến cho cuộc gặp gỡ lần sau: “sẽ có nơi để thực hiện nghi thức thanh tẩy và một khu vực (hành lang) dành cho phụ nữ trong phòng cầu nguyện để họ có thể nghe được lời giảng của imam cho nam giới”.
Giữa các buổi hội thảo, các giờ cầu nguyện và các buổi hoà nhạc, các bạn trẻ quy tụ thành nhiều nhóm nhỏ uống trà và trò chuyện với nhau. Yasmine 19 tuổi, sinh viên Hồi giáo ở Paris, tâm sự với Aurelie 27 tuổi, ở Strasbourg và là tín hữu Tin Lành: “Tôi thường đến văn phòng tuyên uý Công giáo ở đại học. Tôi ngạc nhiên khi thấy các Kitô hữu vui vẻ và cách họ sống đức tin của họ. Nhìn họ rất chân thành! Điều đó khiến tôi phải tự hỏi về mối tương quan của mình với Thiên Chúa và quyết định đến đây để biết thêm”.
“Người Hồi giáo và Kitô hữu chúng tôi có một nhu cầu sâu xa là gặp gỡ nhau”, Thầy Alois phát biểu như thế trong giờ khai mạc vào cuối tuần này. Phải chăng đó là lời mời gọi Taizé đi từ đại kết đến liên tôn? “Đã có một cuộc hẹn thứ hai rồi…”, vị bề trên cộng đoàn Taizé xác nhận.
(La Croix)