Lời Chúa: Thứ Tư tuần VII Phục Sinh năm A

Thánh hiến trong chân lý

 
 
Thứ Tư sau Chúa Nhật VII Phục Sinh
Lời Chúa: 

Ga 17,11b-19

11b Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. 12 Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. 13 Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.

14 “Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. 16 Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. 17 Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. 18 Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. 19 Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

 

Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật (Ga 17,17)

 
Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện cho các môn đệ của mình:

Đây là phần thứ hai của kinh nguyện Tư tế, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài. Phải hiểu chữ “Môn đệ” ở đây theo nghĩa hẹp, nghĩa là không phải tất cả những kẻ tin Ngài, mà là một nhóm các cán bộ nòng cốt của Ngài, tức nhóm 12 và nhóm 72. Môn đệ của Chúa Giêsu hôm nay là Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ.

Câu chuyện cầu nguyện cho những người này:

  • “Xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta”.
  • “Để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng”.
  • “Xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ”.
  • “Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý”.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Chúa Giêsu biết các môn đệ của mình ở trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt và tế nhị:

Họ phải sống giữa thế gian. Mà thế gian là một thế gian thù nghịch đối với Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa Giêsu. thế gian này đã ghét Chúa Giêsu nên cũng ghét các môn đệ của Ngài, thế gian này còn rất xảo quyệt, luôn tìm cách quyến rũ để các môn đệ đi lệch khỏi đường của Chúa Giêsu mà ngả sang phía thế gian.

Ở trong một thế gian như thế, người môn đệ luôn phải đứng trước hai cám dỗ: Một là cám dỗ trốn tránh, xa lánh thế gian; hai là cám dỗ thỏa hiệp với thế gian. Nhưng xa lánh thì làm sao cho chu toàn sứ mạnh thánh hoá thế gian, còn thoả hiệp với thế gian thì đánh mất căn tích của mình và cũng đánh mất sứ mạng của mình.

2. Trong bài Phúc Âm này, Chúa Giêsu đã cầu xin cho các môn đệ mình hai điều: một là sự hợp nhất, hai là sự thánh hiến. Đây chính là 2 điều quan trọng để chúng ta tuy sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

  • Điều thứ nhất, hợp nhất: Kinh nghiệm cho thấy Linh mục hay Tu sĩ nào không thân thiết với anh chị em cùng lý tưởng của mình, không gắn bó với Giáo hội và với cộng đoàn của mình, thì Linh mục, Tu sĩ ấy dễ sa ngã hơn.
  • Điều thứ hai, thánh hiến: Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh. Thánh hiến ai là làm cho người đó hoàn toàn thuộc về Chúa. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha lấy Lời Chúa mà làm cho các môn đệ thuộc về Chúa một cách trọn vẹn. Ai đã trọn vẹn thuộc về Chúa thì cho dù người đó có sống trong bao nguy hiểm quyến rũ của thế gian thì cũng không hề hấn gì. Người ấy như sen trong bùn, như ánh sáng chiếu trong đếm tối, như men vùi trong thúng bột. Người ấy vừa luôn trung thành với Chúa của mình, vừa chu toàn sứ mạng thánh hoá thế gian.

3. “Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ”.

Khi đọc câu Lời Chúa này, tôi nhớ lại kinh nghiệm của một anh trong nhóm. Vì không thể từ chối, anh đành phải đi đến một nhà hàng không được “trong ánh sáng” cho lắm. Mỗi người vào bàn, và một người đều có một cô “phục vụ” bên cạnh. Thoạt đầu, anh muốn tránh né, vì nghĩ rằng thái độ có thể làm cô ấy tủi, nên anh cố gắng làm một điều gì đó tốt hơn. Sau khi hỏi thăm về gia cảnh của cô, anh mới hỏi: “Tại sao cô phải làm nghề này?” Cô gái thinh lặng một lát rồi bật khóc. Mọi người nhìn anh khiến anh lúng túng… Trước khi anh ra về, cô nói nhỏ: “Có lẽ em sẽ không tiếp tục sống bằng nghề này được”.

Lắm khi tôi xa lánh người xấu, những cái phàm tục, trong khi Chúa Giêsu đã không xin Chúa Cha cất tôi khỏi thế gian. Lắm khi tôi lại mải mê tìm kiếm “danh, lợi, thú”. Và vì sợ mất, tôi đã không dám sống như Lời Chúa Giêsu đòi hỏi.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống thanh thản. Để nhờ được tự do trong Chúa, con tích cực xây dựng cuộc sống trần gian theo như Chúa muốn. (Epphata)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con tham dự vào bàn tiệc Thánh của Chúa. Đây là dấu chỉ sự  hợp nhất chúng con nên một trong Chúa. Qua tiệc thánh này chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được nuôi dưỡng bởi một sức sống thần linh là chính Chúa. Xin giúp chúng con biết sống tình hợp nhất với nhau trong tình tương thân tương ái để ca tụng Chúa là Cha.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa hứa sẽ gởi Chúa Thánh Thần là thần Chân Lý và Sự Thật ở với chúng con luôn mãi. Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng con những điều hay lẽ phải. Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng con biết sống theo giáo huấn của Chúa. Xin giúp chúng con biết đón nhận hồng ân Chúa Thánh Thần, để nhờ ơn Chúa, chúng con luôn sống thảo hiếu với Cha trên trời. Xin Thánh Thần Chúa thánh hoá chúng con trong tình yêu của Chúa để chúng con luôn hợp nhất yêu thương nhau. Xin Chúa cũng gìn giữ mọi người chúng con trong tình thương của người mục tử luôn lo lắng đến từng con chiên, luôn chăm sóc từng con chiên qua những ơn lành hồn và xác. Xin Chúa cũng thánh hoá chúng con trong chân lý để chúng con luôn sống theo sự thật, vì sự thật sẽ giải thoát chúng con khỏi mọi điều tội lỗi.

Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi những ràng buộc của gian tà, tội lỗi, để nhờ sự tự do, chúng con tích cực xây dựng cuộc sống trần gian luôn công bình, bác ái và tràn đầy tình yêu thương. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)