Hẳn bạn sẽ nói là không? Nhưng đó chính là việc Đức Giáo hoàng Phanxicô vừa làm ở giáo phận Ahiara ở miền nam Nigeria.
Rõ ràng tình hình ở Ahiara không ổn lắm. Đức Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm một tân giám mục vào năm 2012, là giám mục Peter Ebere Okpaleke, một người ngoài chứ không phải là người thuộc sắc tộc Mbaise chiếm đa số ở giáo phận này. Việc này gây phản đối mạnh mẽ trong các linh mục ở Ahiara, họ hoài nghi về bất đồng bộ lạc, và đòi phải chỉ định cho họ một giám mục thuộc bộ lạc của mình.
Người Mbaise, nổi tiếng là là những người Công giáo mạnh mẽ, vì hăng say đào tạo các linh mục và gởi đi truyền giáo. Nhưng họ đã phàn nàn từ 2012 đến nay rằng lòng trung thành của họ không được trân trọng, khi hàng giáo phẩm trong nước hầu như bị áp đảo bởi các nhóm sắc tộc kình địch ở giáo tỉnh Onitsha, cũng là quê nhà của giám mục Okpaleke.
Nhiều người Mbaise nói rằng họ bị “thực dân hóa giáo hội.” Khi quyết định bổ nhiệm được công bố, khoảng 400 linh mục và giáo dân đã dẫn đầu một cuộc tuần hành phản đối, còn các thanh niên Mbaise khóa cửa nhà thờ chính tòa để ngăn không cho tân giám mục vào.
Năm năm sau, Ahiara về căn bản là một giáo phận tách biệt. Tháng bảy năm 2013, Hồng y John Onaiyekan của Abuja, thủ đô Nigeria, được bổ nhiệm là giám quản tông tòa ở Ahiara, với hy vọng ngài sẽ giải quyết được vấn đề này bằng những biện pháp nhẹ nhàng, nhưng đến giờ những nỗ lực thuyết phục các linh mục ở đây vẫn rơi vào bế tắc.
Đã thử cách nhẹ nhàng rồi, lần này Đức Phanxicô quyết định dùng biện pháp mạnh.
Sau cuộc họp của các giám mục Nigeria vào ngày thứ năm, chủ tịch Hội đồng Giám mục đã đăng tải một đoạn thư của Đức Phanxicô trên trang blog của mình.
Và đến ngày thứ bảy, Vatican đã ra văn bản chính thức về việc này.
Đức Phanxicô gọi các linh mục ngoan cố là muốn “phá hủy giáo hội” và nói rằng ngài đang cân nhắc chuyện hủy bỏ giáo phận. Nhưng ngài ra lệnh cho họ viết thư “thể hiện sự vâng phục hoàn toàn và rõ ràng với Đức Giáo hoàng” bao gồm việc sẵn sàng chấp nhận giám mục mà giáo hoàng bổ nhiệm.
Dù gì đi nữa, đây là một hành động kịch tính thể hiện sức mạnh của Đức Giáo hoàng. Ngay cả Đức Phanxicô cũng thừa nhận, “việc này khác là khắc nghiệt,” nhưng ngài nói là ngài làm thế “bởi Dân Chúa đang bị làm gương xấu, và Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng, người làm gương xấu phải gặp hậu quả xấu.”
Ngài nói, “Có lẽ có người bị lôi kéo, mà không hiểu rõ về tác hại họ gây ra cho sự hiệp thông của giáo hội.”
Chuyện này cũng cho chúng ta thấy một điểm mấu chốt về Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Thường thì ngài được xem là một người đối thoại dễ chịu, và kêu gọi một Giáo hội phân quyền hơn và đồng đẳng hơn. Nhưng ngài vẫn có tinh thần của một bề trên Dòng Tên kinh điển, và khi đến lúc cần vâng phục, thì ngài muốn có sự vâng phục hoàn toàn tuyệt đối.
Đức Phanxicô có thể tham vấn rất nhiều người, nhưng khi đã ra quyết định rồi là không ngoái lại… Và nếu cần ngài sẽ dùng đến quyền uy của mình để dẹp tan mọi chướng ngại.
J.B. Thái Hòa lược dịch
Nguồn tin: Phanxico