Nhà xã hội học danh tiếng Zygmunt Bauman giải thích vì sao triết gia Nietzsche và nhà xã hội học Peter Berger đã lầm.
“Không còn tôn giáo nữa… Chúa đã chết”. Triết gia Nietzsche và sau đó là nhà xã hội học Peter Berger đã tuyên bố như trên, cái chết của Thiên Chúa đã trở nên lời khẳng định được phổ biến lan rộng. Và đó là lý do vì sao nhà xã hội học người Anh-Ba Lan Zygmunt Bauman đã lật ngược ý tưởng này, khởi đi từ các trích đoạn trong bản văn công bố trên Il Piccolo, ngày 15 tháng 11-2016.
Cáo phó non
“Có bao nhiêu lần chúng ta nghe con số trẻ sơ sinh được mang đến nhà thờ rửa tội bị giảm xuống không? Có đúng là con số những người đi nhà thờ xem lễ ngày chúa nhật cũng giảm không? Các con số thống kê được chọn trong mục đích chính xác hỗ trợ cho tiền đề này. Và cứ lặp đi lặp lại không ngừng trong mục đích làm cho chúng ta tin, cũng như đã xảy ra với tất cả các thành kiến khác, cho rằng đây là một khẳng định có nền tảng và đúng. Nhưng các thống kê này có làm đúng bổn phận của nó không? Có thể nó sẽ hoàn thành nghĩa vụ của mình nếu, khối lượng khổng lồ và ngày càng tăng của các sự kiện khác nói lên và chứng minh ngược lại, làm lệch hướng tất cả mọi chẩn đoán, tôn giáo vẫn tồn tại và tiếp tục có sức mạnh, có ảnh hưởng, lời tuyên bố Chúa chết là lời cáo phó quá sớm”.
Peter Berger chịu là đúng
Nhà xã hội học Zygmunt Baumann nhắc lại, ngay cả Peter Berger, một trong các nhà xã hội học lớn về tôn giáo của thế kỷ 20 cũng phải đổi ý lại với sự chẩn đoán của mình về một tôn giáo đã kiệt sức.
“Năm 1968, trên báo New York Times, ông đã tiên đoán một sự thay đổi trong bối cảnh tôn giáo, cho rằng thế kỷ 21 chỉ có thể tìm thấy “các tín hữu trong các tà phái nhỏ, nâng đỡ lẫn nhau để cự lại với một văn hóa thế tục toàn cầu”. Nhưng ba mươi năm sau, ở ngưỡng cửa của thế kỷ 21, nhà xã hội học đã phải thú nhận trong quyển sách Giải thế tục hóa của Thế giới (The Desecularization of the world, 1999): “Ý tưởng theo đó, chúng ta sống trong một thế giới thế tục là sai. Thế giới ngày nay lại mang tính cách tôn giáo mãnh liệt hơn bao giờ.”
Sức mạnh của thành kiến
Peter Berger đổi ý lại với chẩn đoán của mình. Nhưng có bao nhiêu người sẽ làm như ông? Biết bao nhiêu lần thành kiến đã thắng thế trên thực tế của các sự việc?
Nhà xã hội học Zygmunt Bauman cảnh báo: “Thành kiến là độc đoán: những ai bám vào thành kiến, họ từ chối mọi lập luận, họ bịt tai lại với các phê phán không thuận với họ, vì họ sợ phải không còn cứng ngắt với các xác tín của họ”.
Nietzsche đã lầm
Một nhân vật lớn mà chúng ta có thể xếp trong danh sách những người bi quan là triết gia Friedrich Nietzsche: trong tác phẩm Sự Hiểu biết Vui vẻ (Le gai savoir), một tác phẩm tiêu biểu của triết gia, ông khẳng định: “Thượng đế đã chết! Thượng đế vẫn còn chết! Và chính chúng ta đã giết Thượng đế! Làm sao chúng ta tự an ủi mình, chúng ta, những kẻ giết người của những kẻ giết người? Những gì thiêng liêng nhất, cực mạnh nhất mà thế giới nắm giữ cho đến bây giờ đã mất hết máu dưới con dao của chúng ta; Ai có thể rửa được máu này?”
Nhưng Zygmunt Bauman đã trả lời lại:
“Thượng đế vẫn còn sống, như chúng ta thấy – và chúng ta thấy rõ – qua các tôn giáo, dựa trên sự hiện diện bất diệt của mình; ngược với lời tuyên bố tự cao của tư duy hiện đại, theo đó, chúng ta là những người hoàn toàn có khả năng nắm lấy, hiểu, mô tả, đương đầu và quản lý thế giới cũng như sự hiện diện của chúng ta trên quả đất này là hoàn toàn hài hòa; và ngược với chủ ý được tuyên bố, thế giới này ở dưới quyền quản trị duy nhất của con người, trang bị bằng lý trí của nó với hai động lực: khoa học và kỹ thuật. Trái ngược với lời hứa của họ, các vũ khí này đã không trang bị cho chúng ta, là những sinh vật phải chết, trước quyền lực toàn năng – nét đặc trưng của Thiên Chúa bất tử – và lại càng ít có khả năng để đối phó với tất cả các khám phá và phát minh khủng khiếp mà họ không bao giờ đạt đến”.
Cái chết của nhân loại
Nhà xã hội học kết luận rằng, nếu Chúa phải “chết”, nói cách khác Chúa phải biệt cư ra khỏi tư tưởng chúng ta, ra khỏi cuộc sống chúng ta, không còn là điểm quy chiếu, là lời kêu gọi, và bị vào quên lãng thì cái chết này chỉ duy nhất xảy ra cùng với cái chết của nhân loại. Tại sao? Vì Chúa “tồn tại cho sự thiếu sót của chúng ta, cho sự thiếu sót của thân phận con người – theo công thức đáng nhớ của triết gia vĩ đại người Ba Lan Leszek Kolakowski – sự thiếu sót trong tư tưởng của chúng ta, sự thiếu sót trong khả năng áp dụng vào thực tế của chúng ta; sự thiếu sót mà chắc chắn nó sẽ không bao giờ vượt qua được”.
Nhà xã hội học Zygmunt Bauman nhấn mạnh: “Có những hiện tượng mà chúng ta không thể nhận thức được – chẳng hạn như sự vĩnh cửu và vô tận, hoặc tại sao và vì những gì mà chúng ta tồn tại, và tại sao có một cái gì đó chứ không phải là hư không – các hiện tượng và các chất vấn dù có các cố gắng trí tuệ phi thường nhất, chúng ta cũng không bao giờ hiểu được”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch