Giải thoát
Lc 13,10-17
10Ngày sabát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. 11Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” 13Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.
14Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày sabát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!” 15Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sabát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? 16Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?” 17Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. (Lc 13,13)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Câu chuyện này cho thấy rõ ý nghĩa giải phóng của ngày sabát:
– Đương sự là một người bị bệnh đến nỗi khòm lưng suốt 18 năm,
– mắt không thể nhìn lên được.
– Chính Chúa Giêsu nói bà đã bị xiềng xích trói buộc.
Việc chữa bệnh cũng là việc giải phóng:
– Chúa Giêsu nói bà là con cái của Abraham.
– Ngài coi việc chữa bệnh là “tháo xiềng” cho bà.
– Bà đã đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Cách chung, Luật Chúa và luật Giáo Hội nhằm giải phóng con người khỏi mọi trói buộc của tội lỗi và tật xấu. Cách riêng, luật thánh hóa ngày sabát (nay đổi thành ngày Chúa nhật) cũng thế. Tuy nhiên, một cách hiểu luật và giữ luật hoàn toàn vụ luật khiến cho luật trở thành xiềng xích và con người thành nô lệ.
2. Truyện cổ Đông phương kể rằng : ngày xưa, có vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn kì diệu và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn nhiều kim cương lóng lánh. Nó kì diệu ở chỗ : nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, ngón tay rất đau đớn.
Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là lề luật của Chúa. (Góp nhặt)
3. Chứng bệnh của bà này cũng tượng trưng cho tội lỗi, cho nên thánh Luca nói bà này “bị quỷ ám”. Tội lỗi làm cho người ta “bị khòm lưng” và “không trông lên được.”
Xin Chúa hãy “nhìn thấy” hoàn cảnh khốn khổ của con vì tội lỗi, xin Chúa “đặt tay” lên con, làm cho con “đứng thẳng” và nhìn lên cao để tôn vinh Thiên Chúa.
4. Ngày Chúa nhựt là ngày giải phóng. Trong ngày đó tôi phải ca tụng tạ ơn Chúa vì đã giải phóng tôi, tôi phải quan tâm giải phóng chính mình khỏi mọi thứ xiềng xích xấu xa đang trói buộc mình, và cũng phải quan tâm giải phóng người khác khỏi lao nhọc, buồn khổ.
5. Truyện rất ngắn với tựa đề “Tính cách” của tác giả Nguyễn Thị Hoài Thanh đăng trong 40 truyện rất ngắn do Hội Nhà văn xuất bản năm 1994 có nội dung như sau:
Mẹ tôi luôn chai lì trước cán cân cơm áo, nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà đều hồn nhiên ăn theo một cách ngon lành. Có lần cha tôi nói giỡn: “Coi chừng trôi tivi”…
Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi hớn háo phớt ra chặn đường em bé bán trứng vịt lộn: “Mày biến đâu tài thế! Có chui xuống đất rồi cũng gặp tao”. Bà vừa nói vừa dằn mũng trứng đếm lấy trừ nợ. “Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm”. Mẹ tôi cười: “Nhà này cũng đang ốm đây, khỏi bẻm mép”. Con bé chưng hửng lã chã nước mắt nhìn cái mũng không, rồi bưng lên xiêu vẹo bước đi. Cha tôi cám cảnh, rút mùi xoa chấm mắt. Lâu lâu tivi phát vở kịch “Cô bé nghèo bán trứng vịt bị xiết nợ”. Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.
Truyện ngắn trên đây có thể là bức tranh sống động hàng ngày. Người ta dành nước mắt cho những vở kịch trong phim ảnh, trên sân khấu hơn là cho những chuyện xảy ra mỗi ngày trước mắt; người ta xót thương trên môi miệng hơn là bằng những hành vi cụ thể.
Thời Chúa Giêsu, có lẽ những người biệt phái cũng có một tính cách như thế. Họ nhân danh lề luật, nhất là luật ngày lễ, để biện minh cho thái độ sống ích kỷ của mình. (“Mỗi ngày một tin vui”)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Xem thêm:
Bài đọc 1: Rm 8,12-17
12Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. 13Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống. Nhờ Thần Khí, chúng ta được làm con Thiên Chúa. 14Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. 15Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!” 16Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. 17Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)