Trong hai ngày mùng 10 và 11 tháng 11 này một cuộc hội thảo quốc tế về việc giải trừ vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, sẽ tiến hành tại phòng họp mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục trong nội thành Vaticăng. Cuộc hội thảo do Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện của Toà Thánh tổ chức, và có chủ đề là “Những viễn tượng một thế giới không còn vũ khí hạt nhân và một sự phát triển toàn diện”.
Tham dự cuộc hội thảo có nhiều nhân vật quan trọng thuộc nhiều lãnh vực khoa học, chính trị, xã hội, văn hoá và tôn giáo. Trong cuộc viếng thăm Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện sáng ngày 30 tháng 10 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã tái mạnh mẽ tố giác tệ nạn chế tạo và buôn bán khí giới, là lý do thúc đẩy và duy trì những lò xung đột và chiến tranh trên thế giới hiện nay. Ngài nói: “Chúng ta thực sự ở trong tình trạng chiến tranh. Các vũ khí nguyên tử là một đe dọa trầm trọng, không chỉ bây giờ mà đã có từ nhiều thập niên qua. Nhưng thỉnh thoảng nó lại trở nên cấp tính như hiện nay. Đây thực là một nguy cơ tự sát của toàn nhân loại”.
Trong thông cáo về cuộc hội thảo này ông Greg Burke phát ngôn viên Toà Thánh cho biết ĐTC nhất quyết hoạt động để thăng tiến các điều kiện cần thiết cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân, như ngài đã nêu bật hồi tháng 3 năm nay trong sứ điệp gửi hội nghị của Liên Hiệp Quốc về việc thương thuyết một dụng cụ pháp lý bắt buộc cấm vũ khí hạt nhân và dẫn tới chỗ loại bỏ hoàn toàn các vũ khí này. Trong sứ điệp ĐTC ghi nhận rằng một nền luân lý đạo đức và một quyền dựa trên sự đe doạ huỷ hoại lẫn nhau – và có tiềm năng huỷ hoại toàn nhân loại – là mâu thuẫn với chính tinh thần của Liên Hiệp Quốc. Vì thế cần phải dấn thân cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân, bằng cách nghiêm chỉnh áp dụng trọn vẹn từng chữ Thoả hiệp không cho vũ khi hạt nhân lan tràn. Nó càng cấp thiết hơn trong bầu khí xung khắc bất ổn, là lý do cho thấy các khó khăn gặp phải trong việc thăng tiến và củng cố tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân, không để chúng lan tràn. Nỗ lực này lại càng cấp thiết hơn đứng trước các đe dọa chống lại nền hoà bình và an ninh với các chiều kích to lớn của chúng trong thế giới đa diện của thế kỷ 21, thí dụ như nạn khủng bố phá hoại, các xung đột không cân xứng, an ninh công nghệ vi tính, các vấn đề môi sinh, nạn nghèo đói, nhiều nghi ngờ liên quan tới sự không thích hợp của việc de dọa bằng vũ khi hạt nhân nhằm đáp trả lại các thách đố đó một cách hữu hiệu.
** Các âu lo này lại càng mạnh mẽ hơn nữa, khi nghĩ tới các hậu quả tai hại cho con người và cho môi sinh, bắt nguồn từ việc sử dụng bất cứ vũ khí nguyên tử với các hậu quả tàn phá không phân biệt và không thể kiểm soát nổi trong không gian và thời gian. Sự âu lo đó cũng nảy sinh trước việc phung phí các tài nguyên cho việc chế tạo và sử dụng nguyên tử cho các mục đích quân sự, thay vì được dùng một cách ưu tiên và ý nghĩa hơn cho việc thăng tiến hoà bình và phát triển nhân bản toàn diện, cũng như để chống lại nạn nghèo đói và thực hiện lịch trình phát triển có thể làm được nội trong năm 2030.
Chúng ta cũng phải tự hỏi xem một thế quân bình dựa trên sự sợ hãi có thể thực hiện được không, khi nó hướng tới việc gia tăng sợ hãi và huỷ hoại các liên hệ tin tưởng giữa các dân tộc với nhau.
Đức Phanxicô mạnh mẽ khẳng định rằng nền hoà bình và an ninh quốc tế không thể được xây dựng trên một ý thức an ninh giả tạo, trên sự đe dọa huỷ hoại nhau hay hủy hoại toàn diện, trên việc duy trì một thế quân bình quyền bính đơn thuần. Hoà bình phải được xây dựng trên công lý, trên việc phát triển nhân bản toàn diện, trên việc tôn trọng các quyền nền tảng của con người, trên việc giữ gìn thụ tạo, trên việc tham dự của tất cả mọi người vào đời sống công cộng, trên sự tin tưởng giữa các dân tộc, trên việc thăng tiến các cơ cấu hoà bình, trên việc đạt tới nền giáo dục và được săn sóc sức khỏe, trên việc đối thoại và tình liên đới. Trong viễn tượng đó cộng đồng quốc tế được mời gọi áp dụng các chiến thuật nhìn xa thấy rộng để thăng tiến mục đích hoà bình và ổn định, hầu tránh các giải pháp thiển cận cho các vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu cuối cùng của việc hoàn toàn loại trừ các vũ khí hạt nhân vừa trở thành một thách đố vừa là một bổn phận luân lý đạo đức và nhân bản. Một việc tiếp cận cụ thể phải thăng tiến một suy tư về một nền luân lý đạo đức của hoà bình và an ninh cộng tác đa phương, vượt quá sự sợ hãi và chủ trương cô lập đang thắng thế trong nhiều cuộc thảo luận hiện nay… Số phận được chia sẻ của nhân loại đòi hỏi phải củng cố với tinh thần thực tiễn cuộc đối thoại, xây dựng và củng cố các cơ cấu tin tưởng và cộng tác có khả năng tạo ra các điều kiện cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
** Việc tuỳ thuộc nhau ngày càng gia tăng và sự toàn cầu hoá có nghĩa là bất cứ câu trả lời nào của chúng ta đối với sự đe dọa của vũ khí hạt nhân, cũng phải là câu trả lời tập thể và đồng thuận, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Sự tin tưởng này chỉ có thể đuợc xây dựng qua một cuộc đối thoại chân thành hướng tới công ích, chứ không hướng tới việc bênh vực các lợi lộc che dấu hay riêng tư.
Thật ra từ lâu Toà Thánh đã luôn luôn rất dấn thân cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân, Là thành viên và sáng lập viên của tổ chức “Nguyên tử năng quốc tế” Toà Thánh đã không bao giờ chống lại kỹ thuật nguyên tử, mà Toà Thánh đã luôn luôn đánh giá các tiến triển đã đạt được trong lãnh vực nông nghiệp, an ninh thực phẩm, phẩm chất lương thực, trong việc chống lại bệnh dịch lan tràn, quản trị các tài nguyên ít ỏi của nước, trong các cố gắng bảo vệ môi sinh và các nghiên cứu giúp cải tiến tình trạng ô nhiễm môi sinh, nhưng Toà Thánh đánh giá cao nhất là các thành công trong lãnh vực sức khỏe với việc áp dụng các kỹ thuật tân tiến chẳng hạn như việc chụp quang tuyến X ray, việc tăng tốc các phân tử và chương trình hành động cho liệu pháp chống ung thư. Chính việc sử dụng kỹ thuật cho các mục đích chiến tranh khiến cho Toà Thánh âu lo. Toà Thánh đã ủng hộ và tham dự một loạt các hội nghị liên quan tới các hậu quả của các vũ khí hạt nhân đối với con người. Các hội nghị giải trừ vũ khí nguyên tử ban đầu nhóm tại Oslo rồi tại Nayarít, sau đó tại Vienne trong các ngày từ mùng 9 tới 11 tháng 12 năm 2014. Đó cũng đã là hội nghị có sự tham dự lần đầu tiên của vài nước sở hữu một kho vũ khí nguyên tử.
ĐTC Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại các tổ chức của Liên Hiệp Quốc bên Genève cho biết từ hội nghị thượng đỉnh này 158 quốc gia tham dự đã ký vào một tuyên ngôn chung kết, nhấn mạnh rằng “ cho tới khi nào còn có các vũ khí hạt nhân, thì sẽ còn có khả thể của một vụ nổ nguyên tử. Cả khi nếu khả thể xảy ra có nhỏ đi nữa, thì vì các hậu quả tai hại của vụ nổ vũ khí nguyên tử, không thể chấp nhận được nguy cơ ấy”. ĐTC cũng cho biết rằng tại hội nghị ở Vienne chúng tôi đã nhấn mạnh rằng chỉ nội việc sở hữu các vũ khí hạt nhân thôi cũng không hợp luân lý đạo đức. Xem ra đó là một lập trường hơi lý tưởng, nhưng Toà Thánh hoạt động để tạo ra một nền văn hoá công cộng coi an ninh không phải trong việc sở hữu các bom nguyên tử có được, cho bằng việc các quốc gia không sở hữu các vũ khí ấy.
** Toà Thánh cũng có các tiếp xúc riêng với ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, để ông lên tiếng trong hội nghị. Bằng chứng cho dấn thân của Toà Thánh là việc chứng kiến cuộc bỏ phiếu về thoả hiệp tại Liên Hiệp Quốc. Tuy chỉ là quan sát viên thường trực không có quyền bỏ phiếu trong phiên họp khoáng đại của Liên Hiệp Quốc, nhưng Toà Thánh vẫn tham gia các cuộc thương thuyết thoả hiệp và có thể bỏ phiếu khi các thoả hiệp được đưa ra cho đại hội bỏ phiếu chấp thuận. Nhưng nói chung Toà Thánh không bao giờ bỏ phiếu.
Theo linh mục Drew Christiansen, dòng Tên, thành viên của phái đoàn Toà Thánh tham dự hội nghị, trong lần này Toà Thánh đã bỏ phiếu chấp thuận thoả hiệp cấm vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ và các nước thuộc khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, đã không tham dự cuộc bỏ phiếu. Đức Ông Simon Kassas, trưởng phái đoàn Toà Thánh, đã nói rằng thoả hiệp chỉ là một khởi đầu. Còn rất nhiều điều phải làm để thuyết phục những người không cho rằng việc cấm vũ khí hạt nhân là ở trong lợi ích của các dân tộc và quốc gia của họ.
Hiện nay trên thế giới có 15.000 vũ khí hạt nhân đủ loại gồm bom và các đầu đạn hạt nhân sử dụng cho các hoả tiễn liên lục địa tầm xa và tầm trung. Nhưng có lẽ đây không phải là con số chính xác, vì thật ra không ai biết được trên thế giới này có bao nhiêu vũ khí hạt nhân. Điều chắc chắn đó là các vũ khí nguyên tử này mạnh gấp trăm lần hai quả bom nguyên tử đầu tiên được Hoa Kỳ thả xuống trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki hồi thế chiến thứ hai. Và nếu xảy ra chiến tranh nguyên tử, thì con số người chết sẽ lên đến hàng trăm triệu, nếu không nói là hàng tỷ. Và đây sẽ thật là cuộc tử tử tập thể của toàn nhân loại.
Bà Flaminia Giovanelli, nhân viên Bộ phát triển nhân bản toàn diện, cho biết trong buổi viếng thăm Bộ sáng ngày 30 tháng 10 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã lại đề cập tới hiện tượng buôn bán khí giới và tố giác rằng việc buôn bán vũ khí kích thích và duy trì các cuộc xung đột nóng bỏng đó đây trên thế giới. Chúng không chỉ là các cuộc xung đột mà là các cuộc chiến thật sự. Chúng ta đang sống trong một cuộc chiến đích thật. Các vũ khí nguyên tử đã là một đe dọa từ nhiều thập niên qua, nhưng thỉnh thoảng lại cấp tính hơn nhu đang xảy ra hiện nay, với các căng thẳng mới trầm trọng. Và đây là một nguy cơ tự tử của nhân loại. Cuộc hội thảo do Bộ tổ chức nảy sinh từ ước muốn của Toà Thánh tiếp tục Thỏa hiệp về việc cấm các vũ khí hạt nhân đã đạt được hồi tháng 7 năm nay và cũng được Toà Thánh ký nhận hồi tháng 9 vừa qua. Hy vọng tất cả sẽ đi theo chiều hướng mà ĐTC Phanxicô mong mỏi. Tham dự cuộc hội thảo cũng có nhiều nhân vật đã được giải Nobel hoà bình và một số nạn nhân còn sống sót của vụ nổ bom nguyên tử tại Hiroshima.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 06.11.2017)