Các nhân vật hàng đầu trong Giáo Hội Công Giáo và chính trị quốc tế đã khuyên Đức Giáo Hoàng Phanxicô không nên sử dụng thuật ngữ Rohingya trong chuyến tông du Miến Điện cuối tháng này vì những nhạy cảm về chính trị.
Ông Kofi Annan, nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra đề nghị trên trong một buổi tiếp kiến riêng tại Vatican với Đức Thánh Cha hôm 6 tháng 11.
Hàng trăm nghìn người Hồi giáo Rohingya đã bỏ chạy khỏi Miến Điện sau cuộc đàn áp quân sự mà Liên Hợp Quốc mô tả là một cuộc thanh lọc sắc tộc. Tuy vậy, đa số Phật tử Miến Điện không chấp nhận thuật ngữ Rohingya và không công nhận họ là công dân của Miến Điện hay một nhóm dân tộc thiểu số của quốc gia này.
Nhiều người đề nghị Đức Giáo Hoàng nên dùng thuật ngữ “người Hồi giáo ở bang Rakhine”. Nhưng thực sự rất khó tiên đoán được liệu Đức Thánh Cha sẽ hành động như thế nào. Ngài đã từng sử dụng nhiều lần thuật ngữ Rohingya. Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi bởi các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và cả các chính phủ, trong đó có Hoa Kỳ.
Ông Kofi Annan đã đoạt giải Nobel Hoà bình và là tác giả của một báo cáo tư vấn cho chính quyền Miến Điện về chính sách đối với người Hồi Giáo ở bang Rakhine. Ông đã giao cho chính quyền Miến Điện báo cáo này hồi tháng Tám năm nay.
Ông Annan đã trao bản sao của báo cáo này cho Đức Giáo Hoàng. Báo cáo dài tổng cộng 63 trang, trong đó không hề sử dụng từ Rohingya nhưng chỉ đề cập đến “những người Hồi giáo ở bang Rakhine”.
Lakhdar Brahimi, cựu ngoại trưởng Algeria và nhà hòa giải các xung đột quốc tế của Liên Hiệp Quốc nhận xét rằng báo cáo của ông Annan là “rất chí lý”.