Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Theo Sách Lễ Nghi Giám mục (Caeremoniale Episcoporum, The Ceremonial of Bishops), số 73, “khi cử hành Kinh Sáng và Kinh Chiều mà Giám Mục chủ sự một cách long trọng, thì Giám mục hôn bàn thờ lúc đầu, và tùy tiện cả lúc cuối” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). Còn chuyên viên phụng vụ Peter Elliott mở rộng sự hôn kính bàn thờ cho tất cả các linh mục và thầy phó tế. Liệu điều này là đúng không? – T. S., Aberdeen, Scotland.
Đáp: Điều Đức Giám Mục Peter Elliott nói trong tác phẩm quan trọng của ngài “Các buổi lễ của Nghi lễ Rôma hiện đại” (Ceremonies of the Modern Roman Rite) là như sau, khi nói về việc đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ:
“… Khi hôn kính bàn thờ theo truyền thống, vị chủ sự và phó tế hoặc các linh mục phụ giúp ngài tiến tới bàn thờ và hôn kính bàn thờ. Sau đó, các ngài về ghế chủ tọa”.
Tôi đồng ý với Đức Cha Elliott rằng đây là cách thức chính xác. Ngoài ra, mặc dù ngài không giải quyết vấn đề như vậy, nhưng tôi cũng có thể nói rằng sự việc cũng là tương tự, nếu một phó tế chủ sự Giờ Kinh chiều khi không có linh mục.
Lý do cho sự nghi ngờ khả dĩ chính là sự thiếu sót của các chỉ dẫn rõ ràng về phần đầu của Thần vụ trong chương 5 của Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ, số 254-266.
Sự khó khăn của việc thiếu chính xác cũng có mặt trong ấn bản đầu tiên của Sách Lễ mới.
Trong thực tế, các mô tả chi tiết được tìm thấy trong Sách Lễ nghi Giám mục là một nỗ lực để khắc phục điều này, và tìm ra một cách trung gian giữa các chữ đỏ tỉ mỉ của hình thức ngoại thường và các điều tổng quát quá chung chung của các sách phụng vụ mới đây.
Bằng cách này, Sách Lễ nghi Giám mục, trong khi vẫn duy trì đặc tính chính của nó như là một quyển sách dành cho các Giám mục, cũng cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho các linh mục, trong các trường hợp nghi ngờ không rõ ràng trong các sách khác.
Điều này không phải lúc nào cũng được đánh giá cao. Nhiều năm trước đây, tôi có vinh dự tiếp cận một tài liệu từ kho lưu trữ của cuộc thảo luận, xung quanh việc soạn thảo và phê chuẩn Sách Lễ nghi Giám mục, trong thập niên 1970. Một Giám mục đã phê bình cuốn sách này như làm gợi lại một não trạng tiền Công đồng Vatican II, trong khi Hồng Y Tổng giám mục của Tổng giáo phận Krakow, Karol Wojtyla (sau là Giáo hoàng Gioan Phaolô II), đã bênh vực cuốn sách như một tài liệu cần thiết, vì đã có nhiều nhầm lẫn về các chủ đề này trước đó.
Do chức năng làm sáng tỏ của Sách Lễ nghi Giám mục, nó được sử dụng rộng rãi bởi các chuyên viên phụng vụ, để giải quyết các câu hỏi chưa được trả lời trong các nguồn khác. Điều này, tôi đoán chừng, là lý do tại sao Giám mục Elliott đề xuất tính hợp pháp của việc mở rộng các quy chế của các Giám mục cho các linh mục. Như tôi đã đề cập, tôi đồng ý về điểm này.
Ấn bản gần đây nhất của Sách Lễ Rôma có các chữ đỏ rõ ràng hơn, và do đó là nguồn chính liên quan đến Thánh Lễ. Trong các trường hợp mà ở đó các quy chế của Sách Lễ là không khác mấy so với Sách Lễ nghi Giám mục, Sách Lễ có quyền ưu tiên, ngoại trừ khi liên quan đến điều gì vốn là chỉ dành riêng cho Giám mục.
Thí dụ, sau khi xuất bản Sách Lễ nghi Giám mục, nhiều linh mục vẫn ngồi trong khi bỏ hương vào tàu hương, và chúc lành cho cho phó tế, như được nêu rõ trong Sách Lễ nghi Giám mục. Sách Lễ không nói gì về điểm này.
Tuy nhiên, theo truyền thống, chỉ có vị Giám mục ngồi trong khi thực hiện một số nghi thức, và do đó ấn bản thứ ba của Sách Lễ đã gián tiếp nói rõ rằng các linh mục có thể giữ các chức năng này.
Sách Lễ nói hai lần như thế:
“131. Tiếp đến mọi người đứng dậy và hát Alleluia, hoặc bài ca nào khác, tùy mùa phụng vụ đòi hỏi (x. các số 62-64)…
“212. Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, các vị đồng tế vẫn ở tại chỗ, ngồi hoặc đứng theo vị chủ tế. Khi Alleluia bắt đầu hát, tất cả mọi người đứng dậy, ngoại trừ Đức Giám Mục, Ngài ngồi và bỏ hương vào tàu hương, mà không nói gì, và chúc lành cho phó tế, hoặc, nếu không có phó tế, cho vị linh mục đồng tế sắp công bố bài Tin Mừng. Tuy nhiên, trong một Thánh lễ đồng tế mà một linh mục làm chủ tế, một vị đồng tế, khi không có phó tế ở đó, sẽ công bố bài Tin Mừng, và vị này không xin và cũng không nhận lời chúc lành của vị chủ tế” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Do cụm từ “mọi người đứng dậy” có nghĩa là tất cả mọi người có mặt ở đó, và rằng ngoại lệ được đề cập đến về vị Giám Mục là một trong số rất ít lần đặc biệt cho Giám mục được đề cập trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), tôi đoán rằng đây là một sự làm tỏ rõ có chủ ý về tư thế riêng của vị linh mục tại thời điểm ấy. Nếu nó được nhắm cho việc linh mục vẫn ngồi, số 131 sẽ nêu ra ra nó.
Đối với việc đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Sách Lễ nghi Giám mục vẫn có giá trị thiết yếu, vì có rất ít sự làm sáng tỏ cho các khía cạnh nghi thức, kể từ khi công bố Sách này.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 2-1-2018)