Cha Renato Chiera là một thừa sai người Italia, hoạt động tại Braxin gần 40 năm. Cha Chiera đã đến Braxin như Linh mục Hồng ân đức tin, hoạt động ở khu ngoại ô rộng lớn và tuyệt vọng, không xa thủ đô Rio de Janeiro, và với tinh thần mạnh mẽ, không chịu bị khuất phụ trước khó khăn, cha tham gia cuộc chiến cứu vớt các trẻ em tại các khu ổ chuột.
Cha Chiera làm cha sở tại một vùng nổi tiếng về bạo lực nằm trong Giáo phận Nova Iguaxu. Các thanh thiếu niên bị đe dọa bị xử và bị giết ngay trước cửa nhà cha. Cha cảm thấy mình được kêu gọi như Chúa Giêsu, đi vào thảm kịch của những đứa trẻ này. Thế là vào năm 1986, cha đã thành lập “Nhà Thiếu nhi” để đón tiếp các trẻ em đường phố. Qua hoạt động của “Nhà Thiếu nhi”, cha Chiara đã cứu thoát khỏi bạo lực đường phố hàng ngàn trẻ em và thiếu niên bị bỏ rơi cho số phận, bị đau khổ, phải hành nghề mãi dâm, phạm các tội ác và rơi vào con đường nghiện ngập. Cha đã tạo công ăn việc làm cho hơn 50 ngàn thanh thiếu niên. Mục đích cha Chiera nhắm đến là tạo một gia đình cho những ai không được sống trong chính gia đình mình, trợ giúp cho các gia đình nghèo và bù đắp cho các thiếu thốn y tế. Cha đã mở trường kỹ thuật, tin học, điện tử, các lớp dạy nấu ăn và cắt tóc
Cha Chiara khẳng định rằng gốc rễ của bạo lực này đang tàn phá Braxin, không loại trừ cả các trẻ em. Cha nói: “Bạo lực có nhiều nguyên nhân: nó là kết quả của cái gì đó bị chia rẽ. Bạo lực là tiếng kêu than về điều gì đó không đúng. Cha Chiera cảnh báo: “Các thiếu niên của chúng ta rơi vào bạo lực bởi vì các em tỏ cho thấy những đau đớn các em gặp phải, các chia tách. Bây giờ, bạo lực có nguyên nhân, có gốc rễ sâu xa, nhất là trong mối quan hệ bất công giữa mọi người. Vì vậy, có một vấn đề xã hội, một cấu trúc bạo lực gây tổn hại cho dân chúng, và do đó họ có phản ứng bạo lực.”
Trong sứ điệp gửi “Chiến dịch huynh đệ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng chỉ có tha thứ, dù rất khó khăn, là khí cụ duy nhất thắng sự oán hận và bạo lực, để mang lại hòa bình. Đó là kinh nghiệm mà cha Chiera sống hàng ngày với các thiếu nhi đường phố của ngài. Theo cha, tha thứ nghĩa là phải trao cho người khác cơ hôị. Anh có thể sai lỗi, nhưng tôi cho anh cơ hội để sửa sai, tôi tin vào lòng tốt của anh. Theo cha, ngày nay người ta không còn tin vào lòng tốt của con người. Chúng ta hiểu điều này qua các thiếu niên. Các thiếu niên mà chúng tôi đón nhận rất bị ấn tượng khi chúng tôi chào đón các em như chính con người của các em. Chúng tôi không xét đoán các em, thậm chí không muốn biết quá khứ của các em! Các em không tin rằng mình có giá trị, không tin rằng mình có khả năng. Các em chấp nhận bị giết vì các em nói: ‘Tôi xứng đáng nhận điều đó. Tôi đã đi theo con đường này … nên tôi đáng bị như thế. Vì vậy, các em thậm chí không tha thứ cho chính mình.” Khi các em nhìn thấy chúng tôi tha thứ cho các em, chúng tôi giúp các em tha thứ cho chính mình. Khi các em có thể tha thứ cho cha mẹ mình, tha thứ cho những người đã làm hại mình, tha thứ cho chính mình, thì các em có thể bước tới trước.”
Cuối cùng cha Chiera trả lời về vấn nạn các băng đảng trẻ em ở Italia, cha nói: “Tôi muốn nói điều này: chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu thống khổ của các thiếu niên này. Họ muốn nói với chúng ta điều gì? Chúng ta không chỉ nói: “Chúng là các tên băng đảng.” Theo cha, khi chúng ta nói điều đó, chúng ta không giải quyết được gì. Vấn đề ở đây. Con trai của bạn dùng ma túy, con của bạn bắt đầu một cuộc sống sai lạc. Hãy hỏi nó một tí vì sao! Hãy hỏi nó hai điều: con có cảm thấy được thương yêu không? Thánh Gioan Bosco trả lời: ‘yêu thương con thôi chưa đủ. Cần xem con có cảm thấy được yêu thương không.’ Điều thứ hai: Con đang đau khổ vì điều gì mà làm như thế? Hai câu hỏi chìa khóa mở ra cánh cửa trái tim, bởi vì bạn đến gần, không để phán xét; bạn tiếp cận cũng để chính bạn bị phán xử. (Vatican News 15/02/2018)
(Hồng Thủy, RadioVaticana 29.02.2018)