“Arnaud Beltrame làm chứng cho đức tin đến cùng”

Image result for arnaud beltrameTrung tá Arnaud Beltrame, người anh hùng chết trong khi thi hành nghĩa vụ ngày 23 tháng 3-2018.

Linh mục Dominique Arz, cha tuyên úy của hiến binh quốc gia phản ứng trước cái chết của Trung tá Arnaud Beltrame bị giết trong cuộc tấn công bắt con tin ở siêu thị Super U ở Trebès.

Tấm gương nào Trung tá Beltrame đã cho khi ông thay thế chỗ cho một con tin?

Đây là tấm gương anh hùng trong tinh thần phục vụ quốc gia. Trước hết vì đây chính là mạng sống của ông và tiêu biểu cho tinh thần phục vụ của một quân nhân. Một tinh thần phục vụ đi đến tận cùng là hy sinh mạng sống mình để cứu người khác. Nghề của các hiến binh không phải chỉ để làm cho người dân tôn trọng luật nhưng còn là bảo vệ lợi ích chung. Và cũng là chấp nhận hy sinh mạng sống mình để phục vụ cho công việc này. Tấm gương này cũng là tấm gương cho các hiến binh và cho tất cả công dân Pháp.

Đâu là bối cảnh kitô giáo trong sự hy sinh của Trung tá Beltrame?

Trung tá Beltrame là người công giáo giữ đạo. Ông không che giấu đức tin của mình, ông làm tỏa rạng, ông làm chứng cho đức tin. Chúng ta có thể nói nghĩa cử hy sinh mạng sống thì nhất quán với những gì ông tin. Ông đi đến tận cùng trong việc phục vụ tổ quốc, đi đến tận cùng trong việc làm chứng cho đức tin. Tin, không phải chỉ giữ các giáo luật. Tin trước hết là mến Chúa và yêu người, là làm chứng đức tin của mình một cách cụ thể trong đời sống hàng ngày. Trong lúc thịnh vượng cũng như trong lúc khó khăn, kể cả lúc nguy kịch trong đời sống chúng ta. Người phụ nữ mà ông xin được thay thế chỗ để cứu là khuôn mặt của toàn nhân loại. Trung tá Arnaud Beltrame bỗng đến gần bà để thay chỗ cho bà. Một người vô danh bỗng nhiên thành người anh em, và đó là điều chúng ta gọi là làm chứng cho đức tin. 

Cha đã phản ứng như thế nào khi nghe tin Trung tá Beltrame chết?

Tôi lo không biết cha tuyên úy tại chỗ lúc đó có làm được nhiệm vụ của mình, có nghĩa là gần gũi với các hiến binh bị rúng động vì các sự kiện này và cha có ở bên cạnh vị chỉ huy để nâng đỡ ông.

Riêng tôi, tôi đã gởi một tin nhắn cho vị chỉ huy vùng. Và tôi bắt liên lạc với văn phòng tổng tư lệnh hiến binh quốc gia nói lên sự nâng đỡ và tình cảm của tôi. Tôi chia buồn với nỗi đau quá lớn lao này của các hiến binh.

Chúng ta chờ một buổi lễ tưởng niệm trên toàn quốc gia?

Một hiến binh cho tôi biết sáng nay “chúng tôi rất buồn nhưng cũng rất tự hào”. Niềm tự hào là lòng biết ơn đối với những người vào sinh ra tử trong công việc gìn giữ an ninh và hòa bình cho đồng bào của họ. Chúng ta chờ một buổi lễ vinh danh trong tinh thần hiệp thông và hiệp nhất. Cộng đoàn quốc gia của chúng ta chắc chắn bị rúng động và đau buồn nhưng cộng đoàn của chúng ta cũng tự hào về các công dân đã hoàn tựu được các nghĩa cử như vậy.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

ARNAUD BELTRAME, MỘT QUÂN NHÂN THEO BƯỚC CHÂN THÁNH MAXIMILIEN KOLBE

Nghĩa cử của Trung tá Arnaud Beltrame, người xin thế chỗ con tin ở siêu thị Super U ở Trèbes nhắc lại nghĩa cử của linh mục Dòng Phanxicô Maximilien Kolbe (1894-1941) đã hy sinh mạng sống mình ở trại tập trung Auschwitz. Sắp đến Lễ Lá, sự hy sinh của ông mang một âm hưởng đặc biệt.

Ông đã liều mạng sống mình để cứu mạng sống của một người khác. Ngày thứ sáu 23 tháng 3 – 2018, trong vụ bắt con tin ở siêu thị Super U, ông đã tự nguyện xin thế cho một phụ nữ đang bị bắt làm con tin. Khi tên khủng bố hồi giáo Radouane Lakdim gieo kinh hoàng trong tiệm Super U thì ông quyết định đi vào tiệm, ông ở đó cho đến khi lực lượng đặc biệt tấn công vào. Ông để “mở điện thoại của mình trên một cái bàn”, nhờ đó mà các bạn của ông đã biết để hành động được. Ông bị trúng nhiều phát đạn, một trúng vào cổ họng và được trực thăng tải đi cứu cấp.

Làm sao nghĩa cử này lại không làm chúng ta nhớ lại nghĩa cử của Thánh Maximilien Kolbe (1894-1941)? Để cứu ông François Gajowniczek, một người cha gia đình, vị Thánh người Ba Lan đã tự nguyện xin chết thay cho ông trong hầm giam đói của trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan. Nghĩa cử thể hiện tinh thần của Phúc Âm ngày Lễ Lá sẽ mãi ghi khắc trong ký ức của chúng ta.

Ngày 31 tháng 7 năm 1941, vào khoảng 3 giờ chiều, còi tử thần hú inh ỏi ở trại tập trung. Một tù nhân vừa đào thoát. Mười người vô tội bị lên án. Một im lặng khủng khiếp bao trùm trại. Bỗng, một trong những người bất hạnh này bật khóc: “Vợ tôi!… Con tôi!…” Sự tuyệt vọng của ông François Gajowniczek không phá vỡ quả tim bọc sắt của những tên cai tù đức quốc xã, nhưng lại xuyên qua quả tim của tu sĩ Dòng Phanxicô, một tâm hồn dịu dàng thương cảm. Linh mục Kolbe đi ra khỏi hàng ngũ. Cha đi lên hàng đầu. Ngừng lại trước ông trưởng đội cai tù đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì. Cầm mũ bê-rê trong tay, cha nói: “Thưa ông chỉ huy, tôi muốn xin ông một chuyện”, – Ông muốn gì? – Tôi muốn chết thế chỗ cho người tù này”, cha vừa trả lời vừa chỉ tay vào người cha gia đình đang khóc vì rúng động. Tên tra tấn lùi một bước, im lặng, rồi hét lên: “Nhưng ông là ai? – Một linh mục công giáo”. Sau vài giây im lặng rợn người, câu trả lời như một lằn roi quất rát vào mặt: “Chấp nhận lời yêu cầu!” Bằng một cú đá chân, ông François Gajowniczek được đưa về hàng ngũ của những người bị giam giữ. Ông không thể nào hiểu chuyện gì vừa mới xảy ra, nó vượt vô cùng tận ngoài suy nghĩ của ông: ông, người bị lên án, ông sẽ được sống vì có người sẽ chết thế cho ông. Các tù nhân nhận lệnh giải tán, người được thoát chỉ có thể cám ơn người cứu mình bằng đôi mắt. Và từ những cặp mắt tê dại này nhìn theo một nhóm nhỏ đi về khối 11, về các hầm nơi họ sẽ bị chôn sống.

Thánh Phaolô đã nói: “Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng?” (Rm 5, 7). Nhưng một người mình không quen biết? Cũng như Trung tá Arnaud Beltrame trong siêu thị Trèbes, ông hy sinh cho một người vô tội, cha Kolbe không hề biết ông François Gajowniczek này, nhưng cha biết Chúa Giêsu. Từ Chúa Giêsu, tất cả chúng ta đều là anh em. Chúa Kitô đã nói hôm trước ngày mình chịu nạn: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15, 13). Và Thánh Gioan còn nhấn mạnh: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1  Ga 3, 16). Điều răn tình yêu của Đấng cứu chuộc – không vụ lợi, nhưng không, trọn vẹn –, Thánh Maximilien Kolbe đã sống trong máu thịt mình. Tháng 10 năm 1982, để bảo vệ cho quyết định phong thánh người đồng hương của mình, Đức Gioan-Phaolô II đã chất vấn: “Cái chết đối diện một cách ngẫu phát này, vì tình thương cho một người, có phải là hoàn tựu một cách đặc biệt lời của Chúa Kitô không? Cái chết này đã không làm cho Maximilien đặc biệt giống Chúa Kitô, Đấng  gương mẫu cho tất cả các vị tử đạo, Đấng đã hy sinh mạng sống mình cho anh em mình đó sao”.

Bộ trưởng bộ Nội vụ Gérard Collomb đã cho nghĩa cử của Trung tá Arnaud Beltrame là “nghĩa cử anh hùng”. Đối với tín hữu kitô, nghĩa cử này mang thêm một chiều kích khác trước ngày Lễ Lá vào ngày chúa nhật sắp tới này.

Marta An Nguyễn dịch