VATICAN. ĐTC tố giác tình trạng thiếu chiều kích luân lý đạo đức góp phần gây nên tình trạng khủng hoảng trong hệ thống kinh tế ngày nay.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 26-5-2018, dành cho 500 tham dự viên Hội nghị thường niên của Hội ”Năm Thứ 100 – Phò Giáo Hoàng” vừa kết thúc sau 3 ngày tiến hành ở Roma, từ 24 đến 26-5-2018 về đề tài ”Thảo luận về các chính sách mới và lối sống trong thời đại kỹ thuật số”. Có 34 thuyết trình viên đến từ nhiều nước trong đó có Đức Thượng Phụ Bartolomaios, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople.
Hội này được ĐTC Gioan Phaolô 2 thành lập cách đây 25 năm, ngày 13 tháng 6 năm 1993, với mục đích phổ biến giáo huấn xã hội Công Giáo, đặc biệt là Thông điệp ”Năm thứ 100”.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC khẳng định rằng: ”Những khó khăn hiện nay và cuộc khủng hoảng trong hệ thống kinh tế có một chiều kích luân lý đạo đức không thể chối cãi được: chúng gắn liền với một não trạng ích kỷ và loại trừ, gây nên một thứ văn hóa loại bỏ, mù quáng đối với phẩm giá những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta thấy điều đó trong sự hoàn cầu hóa sự dựng dưng ngày càng gia tăng, đứng trước những thách đố luân lý hiển nhiên mà gia đình nhân loại được kêu gọi đương đầu.”
ĐTC nói: ”Tôi đặc biệt nghĩ đến nhiều chướng ngại cản trở sự phát triển nhân bản toàn diện của bao nhiêu anh chị em chúng ta, không những tại các nước nghèo nhất, nhưng cả giữa những giàu sang của thế giới đã phát triển. Tôi cũng nghĩ đến những vấn đề luân lý đạo đức cấp thiết gắn liền với làn sóng di dân trên thế giới”.
Trong bối cảnh đó, ĐTC đề cao vai trò quan trọng của Hội ”Năm Thứ 100” trong việc mang ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng về những đòi hỏi cấp thiết về nhân đạo, giúp Giáo Hội thực hiện chiều kích thiết yếu trong sứ vụ của mình. ”Nhờ một sự dấn thân liên lỷ của các giới lãnh đạo kinh tế, tài chánh, cũng như giới lãnh đạo công đoàn và các lãnh vực công cộng khác, Anh chị em tìm cách đảm bảo sao cho chiều kích xã hội nội tại của mỗi hoạt động kinh tế được bảo vệ thích hợp và được thực sự thăng tiến”.
ĐTC cảnh giác trước sự tách biệt bi thảm và giả tạo giữa khoa học và đức tin, giữa đạo lý của các truyền thống tôn giáo và những lợi lộc thực tiễn của giới kinh doanh. Thực tế, có một tương quan tự nhiên giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội. ”Có một mối liên hệ không thể tách rời giữa một nền luân lý đạo đức tôn trọng con người và công ích, với hoạt động hữu hiệu của mỗi hệ thống kinh tế và tài chánh” (Oeconomicae et pecuniariae questiones, 17-5-2018). Nói khác đi, chiều kích luân lý đạo đức của các quan hệ xã hội và kinh tế không thể ”nhập khẩu” vào cuộc sống và hoạt động xã hội từ bên ngoài, nhưng phải nảy sinh từ bên trong. Đây là mục tiêu dài hạn, đòi có sự dấn thân của mỗi người và mỗi tổ chức giữa lòng xã hội”.
Sau cùng, ĐTC khích lệ Hội ”Năm Thứ 100” tiếp tục tìm cách huấn luyện lương tâm của các vị lãnh đạo trong lãnh vực chính trị, xã hội và kinh tế (Rei 26-5-2018)
Trần Đức Anh OP
(RadioVaticana 26.05.2018)