Thánh Marinô là một thợ đá quê gốc ở Rab, nay là Croatia. Khi đại đế Diocletiano bách hại đức tin Kitô, ngài phải chạy trốn khỏi quê hương mình. Khi chạy đến Italy, ngài được Giám Mục Gaudentiô Rimini phong chức phó tế. Không lâu sau, một người đàn bà tâm thần đến nhận Marinô là người chồng đã bỏ bà đi lâu nay, khiến ngài lại phải chạy trốn và lạc đến vùng núi Titano. Ở đó, vào năm 301, ngài xây một nhà nguyện và một tu viện, và sống ẩn dật cho đến khi từ trần năm 366.
Điều kỳ lạ là tu viện ẩn dật này lại trở thành trung tâm của một cộng đồng mà sau này sẽ trở thành quốc gia San Marino. Qua thời gian, vùng đất hoang vắng xung quanh tu viện của Marinô ngày càng có nhiều người đến trú ngụ, bởi trên núi cao này người ta có thể an toàn khỏi sự bắt bớ của đại đế Diocletiano. Khi nhóm người đông đảo trên núi này được phát hiện, lãnh chúa Felicissima truyền thành lập họ làm một cộng đồng Công Giáo vĩnh viễn, và kêu gọi họ hãy luôn sống hiệp nhất, điều vẫn được họ thực hiện kiên định cho đến ngày nay.
Trước khi ra đi, Thánh Marinô đã nói với cộng đồng quanh mình rằng: “Tôi để lại cho anh chị em tự do khỏi hai người”, ám chỉ hoàng đế La Mã và quốc gia Giáo Hoàng, bởi vì San Marino không có nghĩa vụ thuộc về bên nào. Bởi thế, ngày nay khẩu hiệu của San Marino là “Libertas”, nghĩa là “tự do”. Cộng đồng bé nhỏ quanh tu viện trên núi Titano trở thành một quốc gia, và lấy tên vị sáng lập tu viện ấy làm tên quốc gia.
Dù chỉ là một cộng đồng bé nhỏ sống trên núi, San Marino đã phát triển thịnh vượng trong suốt 1700 năm. Năm 1631, nó được Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII nhìn nhận độc lập. San Marino chỉ ngoại bang xâm lăng đúng 2 lần trong suốt lịch sử, và mỗi lần đều không kéo dài đến một năm; bị vua Napoleon đe doạ xâm lược 1 lần, tuy nhiên người đứng đầu nhà nước San Marino lúc ấy, Antonio Onofri, đã lấy được lòng của Napoleon, khiến vua này không chỉ không xâm lược nữa mà còn công nhận độc lập của San Marino vào năm 1797 và hứa bảo đảm an toàn cho nơi này. San Marino tiếp tục đứng trung lập trong suốt hai thế chiến của thế kỷ XX, cũng như đã là nơi lánh nạn của hàng ngàn người chạy khỏi phát xít Ý.
San Marino là quốc gia đầu tiên ở châu Âu được đảng Cộng sản lãnh đạo, trong khoảng từ 1945-1957, cũng là nơi duy nhất trên thế giới mà đảng Cộng sản lên nắm quyền thông qua một cuộc bầu cử dân chủ. Năm 1990, đảng Cộng sản Sammarinese giải thể.
Ngày nay, San Marino là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới (tính theo GDP bình quân đầu người). Nền kinh tế nước này vô cùng ổn định, chủ yếu dựa trên du lịch. Quốc gia không hề có nợ công nên luôn được hưởng thặng dư kinh tế. San Marino cũng là nơi có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu, nếu không tính đến Vatican.
Người dân San Marino hằng giữ vững lòng trung thành với đức tin nguồn gốc của họ. Ngày nay 97% người San Marino là người Công Giáo. Ngày quốc khánh là lễ Thánh Marinô, 3/9, Thánh bổn mạng quốc gia, cũng là nhà sáng lập đất nước. Dù là một quốc gia độc lập và gần như toàn tòng, chưa từng có một Giám Mục nào sống trên đất San Marino, bởi toàn bộ lãnh thổ nước này đều thuộc một giáo phận của Ý, là giáo phận Montefeltro.
Theo Aleteia
Gioakim Nguyễn biên dịch