Eseosa, nghĩa là “quà tặng của Chúa”, là tên của một phụ nữ trẻ gốc người Nigieria nhưng đã sống tại Ý nhiều năm, nơi cô kết hôn và thành lập gia đình. Thiên Chúa đã bước vào cuộc sống thường nhật của Eseosa cách mạnh mẽ kỳ diệu và một dự án đáng kinh ngạc đã ra đời.
Eseosa trở về quê quán Nigieria bị xâu xé vì chiến tranh và tham nhũng và thành lập “Nhà cho Chúa”, nơi cô tiếp đón và tạo dựng tương lai cho các trẻ em bị bỏ rơi. Đức tin trên tất cả mọi thứ. Đó là tư tưởng hướng dẫn Eseosa trong việc suy nghĩ, lên kế hoạch và thực hiện sứ vụ của mình. Eseosa đã kể với báo Aleteia về cuộc đời và sứ vụ của mình.
“Tôi sinh tại Nigieria, trong một gia đình kỳ lạ. Ông của tôi là một mục sư Anh giáo nhưng bà tôi không đi đến nhà thờ. Tuy thế, tôi có thể nói là tôi lớn lên trong một bầu khí gia đình Kitô giáo được kiến tạo bởi mẹ tôi, một phụ nữ có đức tin. Năm lên 15 tuổi, tôi được gửi đến học ở trường Công giáo một năm và từ đó Công giáo luôn hấp dẫn tôi. Tôi cảm thấy thân thuộc và thích ở đó. Khi tôi đến nước Ý, tôi kết hôn và bắt đầu đến nhà thờ với mẹ chồng của tôi, cách đây 16 năm. Sau một vài tháng, tôi bắt đầu hát trong ca đoàn của giáo xứ, ở Crenna di Gallarate. Tôi trở thành tín hữu Công giáo cách tự nguyện. Tôi có một gia đình hạnh phúc ở Ý, một đức tin mang lại ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống của tôi.”
Được hỏi tại sao lại rời bỏ cuộc sống an bình ở Ý và trở lại Nigieria đầy sóng gió, Eseosa chia sẻ: “Tôi đã nhận được một lời mời gọi thiêng liêng. Đây là một sự thật. Nếu tôi chia sẻ những gì xảy ra, có vẻ như tôi là một người điên khùng. Trong một giấc mơ, Chúa tỏ cho tôi thấy việc có thể làm. Chúa gọi tôi trở lại châu Phi để chiếu sáng ánh sáng của Ngài. Ban đầu tôi không chú ý đến nó. Giấc mơ trở lại với tôi một số lần nhưng tôi không chấp nhận nó, bởi vì nó tôi dấn thân ở Nigieria, điều tôi không thể thực hiện. 5 năm sau, tôi bày tỏ điều này với cha xứ với ý nghĩ rằng ngài có thể nói là tôi bị khùng. Nhưng sau khi lắng nghe tôi, cha bắt đầu hành động. Cha tổ chức một cuộc quyên góp quần áo và các vật dung để gửi sang Phi châu. Tôi đã tham gia vào việc này và tôi thưa với Chúa: “Ý Chúa được thực hiện.” Từ giây phút đó, tôi lại ngủ an giấc.”
“Dự án “Nhà cho Chúa” bàn đầu là việc quyên góp quần áo và các vật dụng để đưa sang châu Phi. Một nửa các đồ vật được bán để gây quỹ, và nửa còn lại được trao cho tôi để phân phát cho người thiếu thốn. Tôi để cho mình được Chúa hướng dẫn và tôi luôn cảm thấy Ngài gần bên tôi. Mọi sự bắt đầu tại thành phố nơi tôi chào đời mà nơi người thân của tôi vẫn sống ở đó, thành phố Benin. Tôi bắt đầu tìm kiếm những người nghèo, không kể văn hóa hay tôn giáo của họ. tại thành phố Lagos, tôi đã thăm những ngôi làng nghèo nhất, phần đồng là người Hồi giáo và tôi đã phân phát quần áo cho nhiều gia đình. Tại thành phố của tôi, tôi đến bệnh viện nơi trẻ em được sinh ra và tặng cho các bà mẹ một món gùa giúp họ có thể trang trải cuộc sống. Tôi không xin lại điều gì,c hỉ xin họ cầu nguyện bằng cách nói “Lạy Chúa, cám ơn Ngài.””
“Năm ngoài, tôi giúp cho hai trẻ em, 8 và 9 tuổi, bị cưỡng hiếp. Câu chuyện của bé 9 tuổi là câu chuyện đặc trưng: cô bé là trẻ mồ côi và được gửi đến sống ở Abuja trong gia đình của người chú. Một ngày kia, họ sai em đi mua một vài thứ và trên đường cô bé đã bị hãm hiếp. Sau đó, cô bé bị gia đình người chú ruồng bỏ vì họ tin rằng trong cô bé có một con quỷ xúi giục người đàn ông cưỡng hiếp em. Đây là thực tại của Nigieria; người dân vẫn bị ảnh hưởng bởi các điều mê tín dị đoan như thế.”
“Tại Nigieria có một cơ quan chăm lo cho trẻ mồ côi, nhưng nó không thực sự thi hành nhiệm vụ của mình. Tôi gặp thấy các trẻ em bị bỏ rơi sống và ngủ nghỉ trên đường phố. Thật là đau lòng. Khi các em vừa nhìn thấy một phụ nữ, chúng liền kêu lên: “Mẹ ơi, hãy nhận con!”. Tôi không thể nhận tất cả các em. Tôi đã bắt đầu sắp xếp nhận 5 em. Tôi đã xây một ngôi nhà, không phải là viện mồ côi. Tôi muốn gọi ngôi nhà này là “Nhà cho Chúa” bởi vì Ngài đã giúp tôi thành lập nó. Tôi đã bắt đầu làm các thủ tục giấy tờ và nền móng của ngôi nhà từ đầu. Tôi thấy mình có một sức mạnh mà tôi không nghĩ là mình có và dĩ nhiên, tôi có những người bạn và họ hành giúp tôi một tay. Tôi mong ước rằng nơi này trở thành một trung tâm giúp cho tương lai của các trẻ em, chứ không chỉ là ngôi nhà nơi các em có thể ăn uống, ngủ nghỉ. Tôi cũng mua một ít đất đai có thể trồng trọt và giúp chúng tôi có sự tự lập về kinh tế và cung cấp cho nhu cầu của chúng tôi.” (Aleteia 23/06/2018)
Hồng Thủy
(RadioVaticana 30.06.2018)