Ðức Gioan Phaolô II một thủ môn cừ khôi

Lớn lên ở Ba Lan, Đức Gioan Phaolô II không chỉ yêu thích mà còn chơi giỏi nhiều môn thể thao, đặc biệt là bóng đá và khúc côn cầu, theo trang tin Aleteia.
Kết quả hình ảnh cho João Havelange

Thời niên thiếu, Đức Gioan Phaolô II (tên khai sinh là Karol Wojtyla) rất thích đá banh cùng bạn bè sau giờ học. “Khung thành” của những cậu học trò nhỏ ngày ấy chỉ là cặp sách, giày dép được xếp ở 2 bên. Cậu bé Wojtyla có biệt danh Lolek và là một thủ thành rất giỏi, nên thường được bạn bè gọi thân mật là “Lolek the Goalie”. Soccer America dẫn lời một người bạn thuở thiếu thời của vị giáo hoàng tương lai kể: “Lúc chơi bóng, khi chọn bên giữa Do Thái và Công giáo, Wojtyla luôn tình nguyện chơi bên phía các cậu bé Do Thái để cân bằng số người cho hai đội”. Từ nhỏ, ngài để thể hiện sự chan hòa với bạn bè đồng lứa, dù không cùng tôn giáo. Đây chính là hạt mầm tốt đẹp mà ngài luôn nuôi dưỡng và sau này, Đức Gioan Phaolô II luôn hết mình ủng hộ tinh thần đối thoại liên tôn.

Sử gia George Weigel, người từng viết sách về Đức Gioan Phaolô II xác nhận rằng, bóng đá là môn thể thao yêu thích thời trẻ của ngài và nhóm bạn thân. Trong cuốn “Chứng nhân Hy vọng – Witness to Hope”, ông Weigel viết: “Khách hành hương ngày nay đến Wadowice vẫn có thể đến thăm sân bóng mà ‘Lolek the Goalie’ đã mài dũa những kỹ năng của mình thời niên thiếu, nơi cậu thường đấu trong đội Do Thái”. Đức Wojtyla cũng thường chơi môn khúc côn cầu với bạn bè khi con sông Skawa quê nhà đóng băng trong suốt mùa đông. Ngoài việc chơi bóng đá cùng các bạn, ngài cũng rất thích chơi bóng cùng cha. Theo CNN, thời ấy, điều kiện thiếu thốn, quả “bóng” mà ngài chơi ở nhà là giẻ rách quấn và nén lại cho tròn.

Hồi năm 1979, Đức Gioan Phaolô II đã có buổi trò chuyện với các cầu thủ đội bóng AC Milan khi họ chiến thắng giải Vô địch quốc gia Ý. Ngài khuyến khích họ trở thành hình mẫu cả trên sân cỏ lẫn ngoài đời. Ngài chia sẻ: “Chúng ta vẫn nhìn thấy nét ưu tư hiện diện ở nhiều bạn trẻ, khi họ cảm thấy mệt mỏi, đang có những nỗi buồn hoặc trải nghiệm tiêu cực. Hãy trở thành bạn, chuyên gia và huấn luyện viên của họ, không chỉ về thể thao mà trên cả những con đường dẫn đến các giá trị thực của cuộc sống. Bằng cách này, ngoài vinh quang từ cuộc tranh tài thể thao, các con sẽ có thêm phần thưởng về tinh thần khi đem đến cho xã hội một sự đóng góp có giá trị về sức khỏe đạo đức”.

TRẦN NGỌC

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc